Chuyện về những bức ảnh thời chiến của Thông tấn xã Việt Nam: Khoảnh khắc vàng chiến thắng

14/09/2015 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tác nghiệp trong ngày chiến thắng của cả dân tộc là mong mỏi của tất cả các phóng viên chiến trường. Nhưng để ghi hình lại những khoảnh khắc thiêng liêng mà kìm nén được cảm xúc cá nhân không phải dễ. Các phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã vượt qua được những khó khăn đó để góp vào trang sử vẻ vang của dân tộc những khoảnh khắc vàng sống động.

1. Bức ảnh Thoát khỏi ngục tù (sông Thạch Hãn, Quảng Trị, mùa Xuân năm 1973) của nhà báo Chu Chí Thành được giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước đánh giá là bức ảnh “dự báo hòa bình”. Bức ảnh chụp trong cuộc trao trả tù binh năm 1973 sau Hiệp định Paris.

Trong ảnh, những người lính giải phóng sau nhiều ngày bị giam cầm đã cởi phăng chiếc áo tù của chính quyền miền Nam, lưng trần, họ lao về phía bờ Bắc. Những người lính đợi đồng đội ở phía Bắc cũng không kìm được cảm xúc mà chạy thẳng ra giữa dòng sông.

Chân lội dưới sông, nhà báo Chu Chí Thành đã chớp được khoảnh khắc sống động, đầy cảm xúc trong cuộc hội ngộ giữa dòng Thạch Hãn.

“Thách thức của chụp ảnh lúc đó không phải là lội ra giữa dòng Thạch Hãn mùa cạn, hay tư duy ảnh, chọn góc máy mà là phải kìm nén những cảm xúc của cá nhân mình để vững tay máy” - nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại - “Bởi, nếu ai đã theo suốt những chiến dịch với bao hy sinh, mất mát, thì việc dằn lòng không lao ra giữa sông, hòa cùng không khí hoan ca của ngày gặp mặt là rất khó. Hay dù anh có chủ động đứng nguyên một vị trí thì việc mắt nhòe, tay run cũng ảnh hưởng tới chất lượng ảnh”.


“Thoát khỏi ngục tù” (sông Thạch Hãn, Quảng Trị, mùa Xuân năm 1973) của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành

Bức ảnh sau đó đã được giải thưởng Nhà nước năm 2012. Theo nhà báo Trương Đức Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, bức ảnh Thoát khỏi ngục tù có thể coi là “khoảnh khắc quyết định”.

“Người chụp có thể bấm máy ở khoảnh khắc nhanh hơn hoặc chậm hơn, có thể chọn góc chụp này, góc chụp khác, song khuôn hình ấy, khoảnh khắc ấy là hoàn hảo” - nhà báo Trương Đức Anh nhận xét.

2. Chỉ 2 năm sau, bức ảnh đầy tính dự báo của phóng viên Chu Chí Thành, Đại thắng mùa Xuân 1975 lại là sự kiện được khá nhiều tay máy thuộc TTXVN ghi lại. Họ là những: Trần Mai Hưởng, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành... đã theo Quân đoàn 2 tiến vào trung tâm Sài Gòn và ghi lại giờ phút lịch sử ấy.

Trong số này, bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập của nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN - là tác phẩm được rất nhiều độc giả biết tới.

Theo nhận xét của nhà báo Chu Chí Thành, đây là bức ảnh khá trọn vẹn về giờ phút chiến thắng, khi trong ảnh có chiếc xe tăng cắm cờ Giải phóng, có pháo thủ đứng trong xe ngẩng đầu trên tháp pháo, có bộ binh ngồi bên thành xe, có bối cảnh là cánh cửa sắt, và bóng nắng buổi trưa đổ tròn trên sân…

Còn với phóng viên Đinh Quang Thành, một loạt những tấm ảnh chụp cảnh nhân dân tại Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn lần lượt đổ ra đón chào đoàn quân chiến thắng có thể coi là cuốn "nhật ký" độc đáo nhất về không khí Bắc - Nam hội ngộ trong chuỗi ngày lịch sử. Thế nhưng, câu chuyện đáng nhớ nhất của phóng viên chiến trường này lại đến từ bức ảnh chụp cảnh truy kích tàn quân địch ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện ở độ tuổi 80, nhà nhiếp ảnh kể: Khi thấy tôi bước ra khỏi sân Dinh Độc Lập trong buổi trưa 30/4, một thanh niên Sài Gòn dừng xe máy lại và chìa ra một chiếc đồng hồ nữ khá đẹp, cậu thanh niên đề nghị phóng viên đổi cho mình lấy một đồng tiền miền Bắc với mệnh giá nào cũng được - miễn là có hình Bác Hồ. Anh bảo: Ngồi chờ giây phút giải phóng, cả gia đình đều mong nhìn thấy hình Bác.

"Tôi không nhận đồng hồ, nhưng hứa tặng cậu thanh niên tờ tiền giấy có hình Bác với điều kiện chở mình ra sân bay Tân Sơn Nhất. Tới nơi, bước vào phi trường, 12 kiểu ảnh được bấm vội để thu vào khuôn hình những thân xe tải và máy bay đang bốc cháy, cạnh đó là bước chạy của các chiến sĩ Giải phóng quân" - nhà nhiếp ảnh Đinh Công Thành kể - "Về lại Dinh Độc Lập, tôi rút hẳn 2 tờ 5 đồng và 10 đồng trong túi ra tặng người thanh niên. Đó là một kỷ niệm đặc biệt về tình cảm của những người dân miền Nam với Bác Hồ và cách mạng...".

Như lời nhà báo Chu Chí Thành, những bức ảnh chiến trường của TTXVN là những vỉa quặng, những tư liệu sống động về lịch sử đất nước, là di sản đặc biệt mà mỗi phóng viên đều cảm thấy tự hào vì được đóng góp vào đó phần công sức của mình.

Ngày mai, 15/9, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhất lần thứ hai.

Cúc Đường - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm