04/05/2018 12:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 4/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Báo Văn nghệ (1948-2018) - cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam; trao giải Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ 2015-2017.
Tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chúc mừng thành công mà cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Văn nghệ đã đạt được trong 70 năm qua. Báo Văn nghệ là địa chỉ văn hóa tin cậy trong suốt chặng đường kháng chiến cứu quốc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng để báo Văn nghệ tiếp tục tồn tại, phát triển, giữ vững được chuẩn mực văn chương, đạo đức trong thời đại mới, yếu tố con người cần được đề cao hơn nữa bên cạnh tài năng và nhiệt huyết. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn các bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Văn nghệ cần nhìn thẳng vào những vấn đề đang tồn tại để có những bước tiến vững vàng hơn trong tương lai.
Tháng 3/1948, sau chiến thắng Sông Lô, số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ đã ra mắt bạn đọc. Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vượt qua nhiều khó khăn, Tạp chí Văn nghệ đã ra được 56 số… Những tác phẩm văn thơ, nhạc họa kiệt xuất viết về cuộc kháng chiến chống Pháp còn lại đến ngày nay đều được công bố lần đầu tiên trên Tạp chí này. Một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu dần hình thành, tập hợp xung quanh Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ. Tiếp nối nhà thơ Tố Hữu, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… đã lần lượt đứng đầu Tạp chí Văn nghệ.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhiều cơ quan báo chí mới đã ra đời. Tháng 3/1957, sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, bên cạnh việc tiếp tục xuất bản tạp chí Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam được phép xuất bản một tờ báo riêng, tiếp nối truyền thống của Tạp chí Văn nghệ. Thời gian đầu, Hội Nhà văn Việt Nam lấy tên là Báo Văn, sau đổi tên thành Báo Văn học. Đến tháng 5/1963, Tạp chí Văn nghệ được sáp nhập với Tuần báo Văn học, trở thành Tuần báo Văn nghệ trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tuần báo Văn nghệ dần định hình, trở thành một diễn đàn quan trọng nhất của văn nghệ sĩ nước nhà. Sau này, Tuần báo Văn nghệ được giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý, vẫn giữ vững tôn chỉ, mục đích “luôn trung thành với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, kế thừa vững chắc và ngày càng có chiều sâu truyền thống của tạp chí Tiên phong, tạp chí Văn nghệ.
Với phương châm “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước”, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến cao trào, Hội Văn nghệ Giải phóng với cơ quan ngôn luận là tờ Văn nghệ Giải phóng cũng ra đời… Nhiều nhà văn, nhà thơ từ miền Bắc, từ Báo Văn nghệ đã lên đường vào chi viện chiến trường miền Nam, cho văn nghệ miền Nam. Chính tại những chiến trường ác liệt ấy, nhiều tác phẩm nổi tiếng đã ra đời, trong đó không ít tác phẩm được in trên Báo Văn nghệ tại Hà Nội được gửi từ miền Nam ra hoặc thư từ tiền tuyến đã góp phần kết nối văn nghệ hai miền cùng tiếp lửa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc...
Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 29/1/1977, Báo Văn nghệ hợp nhất với Báo Văn nghệ Giải phóng. Từ đây Báo Văn nghệ được tăng cường thêm đội ngũ, động lực, mở rộng phạm vi hoạt động để thực sự trở thành một tờ báo văn nghệ của cả nước, cùng cả nước bước vào thời kì xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất... Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Đoàn và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ hoàn thành tốt nhiệm vụ, là diễn đàn chính, địa chỉ tin cậy để tập hợp, xây dựng đội ngũ các nhà văn Việt Nam. Trong đội ngũ những người làm báo tại Báo Văn nghệ luôn xuất hiện những cây bút xuất sắc, tác giả tiên phong trong việc khám phá đề tài, vùng đất, con người mới. Bên cạnh đó, còn có sự trưởng thành của hàng ngàn cộng tác viên của Báo Văn nghệ trên khắp đất nước, trong đó hàng trăm cộng tác viên nòng cốt của Báo Văn nghệ đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn nghệ cho biết: Đồng hành cùng dân tộc trong những năm tháng kháng chiến, các nhà văn Việt Nam, trong đó có đội ngũ những người làm Báo Văn nghệ đã bắt nhịp cùng đất nước trong sự nghiệp đổi mới. Báo Văn nghệ đã trở thành cơ quan ngôn luận nhanh nhạy, hiệu quả, có tính chiến đấu cao, bắt nhịp được với "hơi thở" của xã hội. Khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, các sáng tác trên Báo Văn nghệ thiên về kiếm tìm những nét đẹp mới trong tâm hồn người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Báo Văn nghệ đã nỗ lực trụ vững, không thỏa hiệp trước xu hướng thương mại hóa, kiên quyết giữ vững tôn chỉ mục đích, chuẩn mực đạo đức, nghệ thuật, lý tưởng xã hội mà các thế hệ những người làm Báo Văn nghệ trong 70 năm qua...
Nhân dịp này, Báo Văn nghệ đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích cho các tác tác giả có tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ giai đoạn 2015-2017. Giải Nhất cuộc thi thuộc về tác giả Nguyễn Trường với các truyện ngắn: "Quà tặng tương lai"; "Vương quốc mộng mơ"; "Mùa thanh long".
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất