Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris: Kỷ vật "kể chuyện"

24/01/2013 07:09 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ chưa bao giờ, hai tiếng Paris được nhắc nhiều đến vậy giữa lòng Hà Nội. Hơn thế, tên những con phố, những dãy nhà, những người bạn Pháp chí tình cùng những câu chuyện ở Paris năm tháng ấy cũng được kể lại đầy xao xuyến.

Hôm qua, 23/1, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), khai mạc triển lãm Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật quý và có sự tham gia của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ VH,TT&DL...  

"Phòng hạnh phúc"

Bên cạnh những kỷ vật, nhân chứng hào hùng, Triển lãm gây ấn tượng đặc biệt bởi sự xuất hiện của đoàn chuyên viên chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn và bảo mật thông tin của hai phái đoàn ta tại Paris ngày đó. Họ cũng là những “người hùng thầm lặng” tới tận hôm nay.

Triển lãm thu hút sự chú ý đông đảo công chúng trong và ngoài nước

Đại tá Phạm Trường Sơn (chuyên viên bảo vệ đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) chia sẻ với TT&VH: “Hồi đó, tôi làm phụ trách bảo mật thông tin. Khi phái đoàn ta mới nhận khách sạn tại Paris, việc đầu tiên chúng tôi làm là kiểm tra bảo mật. Không lâu sau, chúng tôi phát hiện được tới hơn chục thiết bị nghe trộm được gắn khắp nơi”.    

Dù đã cảnh giác cao, những cuộc họp kín của hai phái đoàn vẫn bị thiết bị tối tân của các lực lượng khác thu được. "Và chúng tôi nghĩ ra kế hoạch lập "phòng hạnh phúc" để họp riêng. Kế hoạch tối mật tới mức, ngay cả các bạn "chủ nhà" Đảng Cộng sản Pháp cũng không biết chúng tôi lập phòng này. Chúng tôi âm thầm tỏa đi các ngả, mua những tấm gỗ dày, bọc quanh phòng để cản sóng từ các thiết bị nghe trộm. Đồng thời, phòng còn có một lớp tre đan chống lọt ánh sáng để “vô hiệu hóa” các thiết bị ghi hình từ bên ngoài. Trong khi hai phái đoàn của ta họp kín, chúng tôi cũng bố trí một chiếc đài cassette bật nhạc và đổi sóng liên tục để gây nhiễu" - Đại tá Trần Hữu Diệt, chuyên viên bảo vệ phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể.

"Phòng hạnh phúc" đã thành công trong việc bảo mật thông tin của phái đoàn ta tại Paris. "Bằng chứng là nhiều luận điểm của ta chuẩn bị trước trong cuộc họp kín đã khiến phía bên kia sững sờ. Khi báo chí Mỹ cố tình hỏi ác ý Chính phủ Cách mạnh Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: "Các ông bảo các ông là chính phủ độc lập và có vùng giải phóng. Vậy ông có thể chỉ cho chúng tôi xem vùng giải phóng của các ông ở đâu trong bản đồ Việt Nam này?". Ông Lý Văn Sáu - phát ngôn viên của phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam - vừa cười vừa nói: "Cần gì bản đồ. Các ông cứ thấy máy bay Mỹ dội bom ở đâu, vùng giải phóng của chúng tôi ở đấy. Nghe đâu dạo này máy bay Mỹ dội bom quanh ngoại thành Sài Gòn rồi đấy!". Cả hội trường đứng bật dậy vỗ tay không ngớt trong sự bẽ bàng của nhà báo đặt câu hỏi và phái đoàn Mỹ” - ông Diệt kể thêm.

Bản gốc Hiệp định Paris được trưng bày

Và chuyện chiếc xoong quấy bột giữa phòng hội nghị

Đứng trước chiếc bút phớt đen tận tay đi mua tại Paris năm ấy, ông Lưu Văn Lợi (phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) kể: “Bốn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gồm:Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Mỹ (William P.Rogers), Việt Nam Cộng hòa (Trần Văn Lắm) ngồi vào bàn. Mỗi người ký vào 32 văn bản của Hiệp định, lại có cả Nghị định thư nên tất cả cần 36 chữ ký. Phía Mỹ chuẩn bị sẵn mỗi chữ ký mỗi bút. Sau tôi được biết những cái bút này đem bán đắt tiền lắm.

Chiếc xoong dùng để nấu xi đóng dấu niêm phong tại Hội nghị Paris

Tôi là người trực tiếp đi mua những chiếc bút ký Hiệp định đang được trưng bày tại đây cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồi đó, tôi cũng mua 36 chiếc bút phớt đen. Sau tất cả cũng đều được đưa vào viện bảo tàng, nhà lưu niệm."

Trầm ngâm trước chiếc xoong nhôm được trưng bày tại triển lãm, ông Lợi kể tiếp: “Trước ngày ký Hiệp định, ta chuẩn bị cẩn thận lắm. Nhưng do điều kiện đất khách lại không thực dư dả tài chính nên cũng lắm chuyện vui. Khi Hiệp định ký xong, bên Mỹ dùng con dấu đóng xi niêm phong rất bài bản. Còn ta mang cả chiếc xoong quấy bột trẻ con này để đun chảy xi và đóng ngay giữa hội nghị”.

Triển lãm cũng bày 140 bức ảnh, 21 lời trích, 23 hiện vật, 3 tài liệu, 8 cuốn sách, bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cuốn sổ tập hợp 10.000 chữ ký của nhân dân Cuba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam…

(Còn nữa)

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Một người Rumania đặc biệt

Triển lãm đã thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng Thủ đô và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, tôi bắt gặp một người Rumania đã hòa cùng nhóm sinh viên Hà Nội vỡ òa trong niềm vui vô bờ khi nghe tin Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết.

Ông là Valeriu Arteni, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện là Trưởng Đại diện ngoại giao Rumania ở Hà Nội. Ông kể: "Tôi sang Hà Nội học vào đầu thập niên 1970, khi đất nước các bạn đang trong chiến tranh chống Mỹ. Trong 12 ngày đêm Hà Nội đối mặt với B-52 của Mỹ, tôi cùng những người bạn trong lớp sơ tán trong một ngôi làng ở Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay - PV). Chúng tôi ở tại một ngôi chùa, ngày ngày học bài, cày cuốc và nghe tiếng mõ, tiếng cầu kinh yên bình. Trong khi đó, nhiều bạn khác trong lớp tôi đã tình nguyện ở lại bảo vệ đất trời Thủ đô, một số không nhỏ khác cũng đang chiến đấu trong các chiến trường miền Nam.

Các bạn không thể hình dung được những tháng ngày êm đềm ở ngôi làng Hà Bắc đó, chúng tôi đã phấp phỏng về Hội nghị Paris thế nào. Vì hội nghị ấy liên quan trực tiếp tới đất nước, thành phố chúng tôi thương yêu.

Khi bom Mỹ dứt, chúng tôi về Hà Nội. Một vài người bạn của chúng tôi đã không còn, một vài người khác bị mất đi một phần cơ thể. Song khi nghe tin Hiệp định Paris đã được ký chúng tôi đã vỡ òa trong niềm vui. Vẫn biết, Hiệp định Paris chỉ là bước ngoặt quyết định tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng tôi nhìn thấy trong mắt những người bạn Việt Nam của tôi như có một chân trời mới. Từ lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, họ đã ánh lên những khát vọng dựng xây.

Vừa rồi, tôi có về thăm lại làng quê ở Hà Bắc, nơi tôi sơ tán khi xưa. Ngôi làng khang trang hơn, đường sá khang trang tới độ tôi chẳng thể nhận ra nơi tôi đã từng ở. Song lòng người vẫn vậy: cởi mở, lạc quan và ân tình. Và tôi nghĩ, đó là cội rễ văn hóa Việt Nam.

Sau khi học tập ở Việt Nam về, tôi có làm ở ngành ngoại giao và làm nhiệm vụ ở nhiều quốc gia. Nhưng khoảnh khắc cùng nhóm sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp hồi hộp đợi tin về Hiệp định Paris qua chiếc radio nhỏ và ôm chầm lấy nhau khi biết Hiệp định đã được ký kết tôi không bao giờ quên. Tôi quyết định theo ngành ngoại giao một phần cũng vì những ấn tượng về Hội nghị Paris ấy.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm