07/03/2014 13:09 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 7/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Hội đồng xét xử gồm 3 người, do thẩm phán Nguyễn Bích Ngân làm chủ tọa. Hai hội thẩm nhân dân là bà Ngô Thị Yến và ông Phan Quân.
Cả 9 bị cáo đều được tại ngoại
Ra trước vành móng ngựa trong vụ án này có tổng cộng 9 bị cáo đều nguyên là cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức. Trong đó, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm và Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Thị Nhiên, bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 1 - Bộ Luật Hình sự.
7 bị cáo còn lại gồm: Vương Thị Kim Thành (nguyên Trưởng khoa xét nghiệm), Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vương Thị Lan, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Xuyên (nguyên là kỹ thuật viên trưởng, kỹ thuật viên, nhân viên kỹ thuật hợp đồng, nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức) bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại Điều 281, khoản 1 - Bộ Luật Hình sự. Cả 9 bị cáo đều được tại ngoại.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội là Kiểm sát viên Hà Thị Diễm giữ quyền công tố trước Tòa.
Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập đại diện Sở Y tế Hà Nội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức, Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức cùng một số nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác đến phiên tòa.
Trong số 9 bị cáo, chỉ có 2 bị cáo mời luật sư bào chữa là bị cáo Nguyễn Trí Liêm mời luật sư Lê Văn Thiệp; bị cáo Vương Thị Kim Thành mời luật sư Bùi Ngọc Chất tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa. Các bị cáo còn lại tự bào chữa cho mình.
Vụ án gây chấn động dư luận xã hội này được bắt đầu từ ngày 5/6/2013, khi bà Hoàng Thị Nguyệt (nhân viên Khoa xét nghiệm) cùng một số nhân viên Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, tố cáo ông Liêm để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân, nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu khác để gắn trả cho nhiều người.
Ăn cắp tiền bảo hiểm
Qua điều tra, Cơ quan Công an xác định: Dù quy định của Bộ Y tế, của Bệnh viện đối với công tác tại Khoa xét nghiệm rất cụ thể nhưng trong quá trình điều hành, ông Liêm đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho bệnh viện (bệnh viện hưởng 30% số tiền bảo hiểm y tế). Số tiền này hàng quý được chia vào khoản hỗ trợ tăng thêm cho cán bộ, nhân viên bệnh viện.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu rõ: Trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2012 đến 31/5/2013, có 7 bị cáo là Thành, Ngà, Trang, Nhung, Lan, Sơn, Xuyên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định. Cụ thể, các bị cáo đã làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm (mẫu máu), sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho các bệnh nhân, rồi đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế với tổng số 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống. Trong đó Thành có 18 phiếu xét nghiệm huyết học khống, Ngà có 209 phiếu, Trang có 188 phiếu, Nhung có 161 phiếu, Lan có 132 phiếu, Sơn có 45 phiếu, Xuyên có 18 phiếu.
Hành vi vi phạm này của các bị cáo đã bị Viện Kiểm sát xác định là đã vi phạm Quy chế Bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức – Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội 16.569.000 đồng. Mặc dù thiệt hại về mặt tiền bảo hiểm xã hội không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào tổn hại về sức khỏe do sử dụng các kết quả xét nghiệm trùng, nhưng hành vi sai phạm của bị cáo Thành và các đồng phạm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế nói chung và Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng, gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ y, bác sỹ, gây dư luận xấu trong xã hội.
Đối với Nguyễn Trí Liêm và Nguyễn Thị Nhiên, với vai trò là lãnh đạo của Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm và ký duyệt các chứng từ, quyết toán với cơ quan Bảo hiểm y tế. Viện Kiểm sát xác định 2 bị cáo này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động của khoa xét nghiệm hoặc kiểm tra nhưng không phát hiện ra những sai phạm có hệ thống, diễn ra trong thời gian dài tại khoa xét nghiệm.
Hai bị cáo này đã không phát hiện được hồ sơ không hợp lệ, không hợp pháp trong khi ký thanh toán và đã được Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức chi trả tiền bảo hiểm cho các phiếu xét nghiệm trùng, các xét nghiệm ký không đúng thẩm quyền, gây hậu quả và dư luận xấu trong xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân…
Bắt đầu phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Vương Thị Lan (nguyên là nhân viên Khoa xét nghiệm Bệnh viện) là người đầu tiên được Tòa thẩm vấn. Lan thừa nhận việc làm của mình là sai, việc bị Viện Kiểm sát truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là hoàn toàn đúng. Lan cho rằng hành vi của bị cáo xuất phát từ việc không hiểu biết nhiều về pháp luật, nghe theo sự chỉ đạo của cấp trên nhằm tăng thêm thu nhập cho nhân viên trong bệnh viện… Vì vậy, Lan mong muốn được Tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Khác với bị cáo Lan, bị cáo Xuyên khai việc làm của Xuyên là do bị cáo tự làm theo nể nang, không theo chỉ đạo của cấp trên, các kết quả xét nghiệm này chỉ là xin giấy khám sức khỏe đơn thuần, không làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân. Xuyên thừa nhận mình sai và xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
4 bị cáo Sơn, Trang, Nhung, Ngà đều là các nhân viên hợp đồng, làm việc theo sự chỉ đạo của cấp trên. 4 bị cáo này đều biết việc làm của mình là sai nhưng vẫn phải làm do chỉ là nhân viên hợp đồng, không dám cãi lệnh cấp trên. Các bị cáo thừa nhận việc mình bị đưa ra xét xử như thế này là đúng và xin Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình..
Nguyên Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức Vương Thị Kim Thành cho rằng, lời khai của bị cáo Sơn không đúng. Thành không trực tiếp chỉ đạo Sơn làm việc này và việc sai phạm trên là do nể nang nên mới làm. Tuy vậy, Thành cũng buộc phải thừa nhận việc in khống các kết quả xét nghiệm trong khoa là có, riêng Thành đã in 18 phiếu xét nghiệm huyết học khống, lấy kết quả xét nghiệm của người này cho người khác, lấy kết quả xét nghiệm của người già cho trẻ con… Không tiến hành xét nghiệm nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm để trả. Các kết quả xét nghiệm này lấy ngẫu nhiên ở trên máy tính. Việc này Thành cho rằng xuất phát từ việc hiểu biết pháp luật của bị cáo còn hạn chế, chưa ý thức được các hậu quả có thể xảy ra và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Lãnh đạo viện không nhận tội
Nhóm 2 bị cáo nguyên là Giám đốc và Phó Giám đốc bệnh viện bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Khai tại Tòa, bị cáo Nhiên cho rằng không phát hiện được việc in khống các phiếu xét nghiệm này của các nhân viên, do vậy không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bị cáo Liêm không nhận tội và cho rằng bị cáo đã làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình, bị cáo không phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" như Viện Kiểm sát đã truy tố.
Làm rõ nội dung này, Hội thẩm nhân dân Ngô Thị Yến đã đặt câu hỏi: “Bị cáo làm nhiệm vụ quản lý chung thì quản lý cụ thể cái gì?”. Bị cáo Liêm cho rằng bị cáo quản lý chung toàn bộ hoạt động của bệnh viện, bị cáo đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng phòng, ban chuyên môn theo nhiệm vụ cụ thể và tiến hành kiểm tra các hoạt động đó. Trong quá trình kiểm tra các bị cáo đã không phát hiện những sai phạm xảy ra tại khoa xét nghiệm như trong bản cáo trạng đã nêu. Do vậy, với tư cách là giám đốc, bị cáo Liêm cho rằng bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm của khoa xét nghiệm. Mà trách nhiệm thuộc về chính các cán bộ trực tiếp thực hiện hành vi sai phạm này tại khoa xét nghiệm.
Trả lời câu hỏi của Hội thẩm nhân dân Ngô Thị Yến về việc làm sai trái của khoa xét nghiệm, bị cáo Liêm cũng đã thừa nhận việc làm của khoa xét nghiệm là sai. Vị hội thẩm đã nhấn mạnh: “Bị cáo để cấp dưới làm sai trong một thời gian dài mà không phát hiện được thì là cấu thành tội thiếu trách nhiệm chứ còn gì?”.
Cũng tại phiên tòa, 2 nhân chứng là Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Oanh cho biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Khoa xét nghiệm, chị Nguyệt và chị Oanh đã phát hiện sai phạm trong việc in khống kết quả xét nghiệm và đã báo cáo lãnh đạo Khoa và Giám đốc Bệnh viện, song không được xem xét giải quyết. Do vậy, 2 nhân chứng này đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Kim Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất