12/11/2019 15:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 12/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có hiệu quả kinh tế cao
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.
Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc giao cho ACV đầu tư, khai thác là hợp lý, ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.
Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng một số vấn đề như diện tích thu hồi đất, số vốn mà ACV huy động ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án… Một số đại biểu khác đặt vấn đề về diện tích đất tăng thêm được tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1. Theo đó, quy hoạch ban đầu có 5.000 ha đất dành cho dự án. Nay Chính phủ cho rằng cần thu hồi thêm 136 ha đất để làm thêm đường kết nối với sân bay, lại nằm ngoài ranh 5.000 ha. Điều này theo nhiều đại biểu sẽ gây khó khăn hơn cho việc giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá cao việc Chính phủ và các cơ quan liên quan đã chuyển đến Quốc hội báo cáo khả thi giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cũng như nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra mà Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội.
Mặt khác, đại biểu Thành so sánh tổng mức đầu tư Dự án này với hai công trình sân bay hiện đại nhất thế giới và mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc), diện tích 4.700 ha (tương đương với Long Thành), thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hoá thì vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ USD; sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD.
“Trong khi Long Thành thiết kế chỉ 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mà vốn đầu tư là 16 tỷ USD, rõ ràng rất cần được xem xét, so sánh”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành băn khoăn.
Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng giải trình đối với ý kiến của các đại biểu về dự án này.
Bộ trưởng cho biết, sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay. “Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị đấy phải hiện đại nhất trong thời điểm đó” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2.
“Hiệu quả kinh tế của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất cao. Các tổ chức nước ngoài hoàn toàn yên tâm khi hỗ trợ ACV” – Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội về việc huy động nguồn lực trong nước trước - chỉ khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.
Bộ trưởng cho biết, khi sân bay này vừa hoàn thành có thể đạt ngay 20 – 25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp. Riêng sân bay Long Thành vừa xây xong sẽ đảm bảo lượng khách tới 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, phía tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Bộ sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.
Đảm bảo hệ sinh thái khi triển khai dự án hồ Ka pét
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Các đại biểu cho rằng đây là dự án thực sự cần thiết với tỉnh Bình Thuận, bởi huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên chịu khô hạn, khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Việc xây dựng hồ sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pet để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam, tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Do Dự án có sử dụng 162,55ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông nên căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp thì Dự án Hồ chứa nước Ka pét thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi tuy là 162,55 ha, chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần nhưng thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng lượng rừng khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Khu vực sẽ là lòng hồ trong tương lai không có dân cư sinh sống (không phải di dân tái định cư), không có tài nguyên khoáng sản, di tích lịch sử văn hóa và công trình kiến trúc phải bảo vệ, bảo tồn. Đồng thời, 3 khu vực dự kiến trồng rừng thay thế đều là diện tích đất trống nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp của tỉnh, không có tranh chấp, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, nêu ý kiến về vấn đề trồng rừng thay thế phần rừng phải phá bỏ do dự án hồ Ka pét, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, đáng lưu ý là trong dự án có diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi là 162,55 ha.
"Chỉ qua khảo sát một mô tiêu chuẩn trong dự án đã có 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và hai họ khác nhau; trong đó có hai loài trong danh mục Sách đỏ quý hiếm; tám loài thuộc loại thực vật quý hiếm IA,... Trong khi đó, phương án trồng rừng thay thế bằng phương thức trồng rừng hỗn giao gồm cây keo lai, bạch đàn,... Nên tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ lại phương án trồng rừng thay thế này bởi lẽ, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có mật độ cây dày, với thảm thực vật đa dạng, phong phú, nếu thay thế bằng những loại cây như keo lai, bạch đàn có nguy cơ không đảm bảo yêu cầu về hệ sinh thái" - Đại biểu kiến nghị.
Trả lời các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng địa điểm của dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng; xác định các giải pháp khả thi nhất, trong đó có tính diện tích rừng phải chuyển đổi.
"Về giá trị của rừng đặc dụng bị mất do triển khai dự án, thì diện tích này thuộc phân khu phục hồi sinh thái, chủ yếu là rừng phục hồi, chứ không phải rừng giàu, không có loại động vật hoang dã, quý hiếm. Gỗ ở đây hầu hết ở nhóm 8, với đường kính nhỏ. Diện tích này đã được tính toán, và sẽ tạo môi trường tốt cho hạ du, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái" - Bộ trưởng cho biết.
Về dự án hồ Ka Pét, đa số đại biểu nhất trí cho rằng dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này.
Xuân Tùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất