(TT&VH) - Thông tin của Văn phòng Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long về bộ phim liên quan đến Lý Công Uẩn sắp bấm máy khiến nhiều người “bật ngửa”. Những tưởng sau vụ dừng dự án phim trăm tỷ Thái tổ Lý Công Uẩn, chỉ còn duy nhất bộ phim hoạt hình Chuyện về người con của rồng với nhân vật trung tâm là Lý Công Uẩn thời nhỏ tham gia kỷ niệm đại lễ 1.000 năm (không kể bộ phim truyền hình Trần Thủ Độ). Sau sự ngạc nhiên trước thông tin về bộ phim mới này, nhiều người lại tỏ ý lo ngại với câu hỏi thường trực: Chất lượng sẽ ra sao? Thời gian 1 năm liệu có đủ để làm phim? Và tại sao phải “lặng thầm” đến giờ mới công bố.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát |
TT&VH đã trao đổi những điều này với bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc đơn vị sản xuất bộ phim.
Đã huy động được 60 tỷ
* Công bố của Văn phòng Kỷ niệm 1.000 năm về dự án phim Lý Công Uẩn đã nhanh chóng làm “hạ nhiệt” những lùm xùm liên quan đến dự án phim truyền hình Trần Thủ Độ. Cho thấy, dư luận rất quan tâm đến dự án phim truyện nhựa này. Có gì liên quan giữa dự án vừa công bố và dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn đang tạm bị ngừng?
- Trước hết phải đính chính lại lời công bố của ông Nguyễn Trọng Tuấn - Chánh văn phòng 1.000 năm Thăng Long: tên phim là Chiếu dời đô chứ không phải Thái tổ Lý Công Uẩn. Đây là dự án phim mới, không liên quan gì đến phim Thái tổ Lý Công Uẩn trước đây. Tác giả kịch bản gốc là Triệu Tuấn. Anh ấy viết kịch bản này với tình cảm riêng đối với Hà Nội và sự đam mê với đề tài lịch sử. Viết và để đấy, vì không biết có thể làm phim hay không. Đầu năm 2009, tôi tình cờ đọc được kịch bản này. Cảm nhận của tôi về kịch bản là hay và hấp dẫn. Vì thế, tôi chuyển cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh đọc, sửa chữa nâng cao với sự tham gia góp ý biên tập của tôi.
* Lý do gì mà bà và các tác giả âm thầm thực hiện dự án, trong lúc thời gian, tiền bạc đều là những thách thức không dễ vượt qua?
- Lý do rất đơn giản: Đó là lòng đam mê. Không có nó sẽ chẳng làm được gì. Có nó, dù làm công việc gì, dù khó khăn vất vả mấy cũng sẽ vượt qua được. Như mọi người biết đấy, việc xin kinh phí cho một dự án phim
mất nhiều thời gian và cũng khá phức tạp. Nếu làm phim bằng ngân sách Nhà nước thì kịch bản phải duyệt với một hội đồng hàng chục người. Duyệt rồi sửa chữa, nâng cao, lần 1 chưa được thì duyệt lần 2, lần 3; rồi
duyệt phân cảnh, duyệt giá, nâng lên, đặt xuống, nhanh cũng phải mất vài tháng, thậm chí hàng năm. Và như thế, nếu muốn hoàn thành phim vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long là điều không khả thi.
Vì thế, chúng tôi xác định không làm Chiếu dời đô theo cách này mà huy động vốn từ xã hội hóa. Luật điện ảnh cho phép phim sản xuất không từ nguồn ngân sách của Nhà nước thì không phải duyệt kịch bản. Chỉ duyệt đầu ra, nghĩa là chỉ duyệt phim sau khi đã làm xong trước khi cho trình chiếu rộng rãi. Chả có lý do nào khiến chúng tôi âm thầm chuẩn bị dự án này ngoài lý do duy nhất là muốn làm một bộ phim lịch sử để thử sức mình trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
* Nghe nói, số tiền huy động từ xã hội hóa đã lên đến 60-70 tỷ. Trong số này, có phần nào hỗ trợ của chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long không?
- Dự toán của phim khoảng 60 tỷ và đến nay chúng tôi đã huy động được số kinh phí này. Ngoài nguồn kêu gọi xã hội hóa thì Hà Nội mới chỉ hỗ trợ về mặt chủ trương và rất “hoan nghênh tinh thần xã hội hóa”! Hà Nội cũng giao trách nhiệm cho Hội Trí tuệ Thăng Long ( thuộc Hội Tri thức KH&CN trẻ VN), Hội Truyền thông Hà Nội và Hãng phim Hội Điện ảnh VN cùng phối hợp với Văn phòng 1.000 năm tìm nguồn xã hội hóa. Thế cũng là quý lắm rồi...
Bức cuốn thư "Chiếu dời đô" ở đền Đô (Bắc Ninh) vừa hoàn thành
“Sự lãng mạn không phải của riêng ai!”
* Được biết Chiếu dời đô sẽ được bấm máy vào tháng 2/2010 và công chiếu vào 19/8/2010. Như vậy, chỉ còn khoảng hơn nửa năm để chuẩn bị cho phim. Liệu có gấp quá không, khi mà bối cảnh chưa có, việc casting diễn viên cũng chưa tiến hành...?
- Do thời gian không còn nhiều nên chúng tôi phải chuẩn bị ngày đêm. Các bộ phận ai vào việc nấy âm thầm làm việc từ mấy tháng nay mà không ai (chưa ai) đòi hỏi chút thù lao nào. Tất cả đều bảo “để sau”. Đây là một điều rất hiếm xảy ra trong làng điện ảnh. Tôi thường nói vui với các bạn trong đoàn phim này là: “Sự lãng mạn không phải của riêng ai!”. Quả thật là chúng tôi đang rất lãng mạn... khi lao vào dự án đầy thử thách này.
Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho dự án. Tôi đã mời nhà văn Hoàng Quốc Hải cố vấn về ngôn ngữ; nhà sử học Nguyễn Hải Kế và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc tư vấn về lịch sử. Tháng 8 tới sẽ tiến hành casting diễn viên. Tháng 9 chốt diễn viên chính. Phim được làm theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế; sẽ quay tại Hà Nội, một số tỉnh ở miền Bắc Việt Nam và một số cảnh ở trường quay Hoành Điếm - Trung Quốc.
* Bà tin tưởng, bộ phim sẽ kịp ra mắt trong dịp kỷ niệm đại lễ?
- Như tôi đã nói, chúng tôi làm Chiếu dời đô với niềm đam mê và một tình yêu với Hà Nội. Chúng tôi không chịu bất cứ một áp lực nào và cũng đã tính nát nước để đưa ra một kế hoạch sản xuất phim gọn gàng, xinh xắn với tổng dự toán khoảng 60 tỷ. Mọi việc đang triển khai đúng tiến độ và chúng tôi sẽ cố gắng không làm khán giả thất vọng vì sự chờ đợi.
* Xin cảm ơn bà!
Nguyệt Nhi (thực hiện)
Cảm ơn... Chiếu dời đô
Trong khi dư luận đang hết sức lo ngại về bộ phim Trần Thủ Độ - rất có thể sẽ không kịp chiếu dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì sự “xuất hiện” một bộ phim mới với cách làm tự huy động vốn, tự “cháy với chính mình” đến hết mình, vì non sông đất nước, vì nghệ thuật thì quả là một sự an ủi lớn lao...
Chưa thể nói lên được điều gì bởi “thành công” của bộ phim chỉ được khẳng định sau nhiều tháng nữa. Điều đáng bàn ở đây là cách nghĩ, cách làm mà dư luận cả nước đang chờ đợi và không ít lần khắc khoải; dường như đang được hóa giải để thăng hoa thành sự thật rõ ràng.
Điều trước tiên là bộ phim Chiếu dời đô, tự nó là một cái tên thật hay - nếu không muốn nói là hay nhất trong tất cả các tên phim hướng tới Thăng Long - Hà Nội. Ai đã từng một lần cầm bút, một lần trăn trở với chữ nghĩa hẳn đều biết rằng, khó nhất của một tác phẩm là chuyện đặt tên. Một cái tên sâu sắc, mới lạ, đúng với nội dung; gần như đã quyết định đến 70% sự thành công của một bài báo, một kịch bản hay một thiên tiểu thuyết. Phải trăn trở, phải tâm huyết và, phải có tài năng thật sự thì cả đời viết lách mới có được vài cái tên sách (bài) đáng nhớ, đáng tự hào.
Điều tiếp theo là phải có sự tự tin, lòng quyết tâm ghê gớm mới không “nhờ vả”, trông chờ vào cái bầu sữa ngân sách - cho dù không ai không biết rằng, mỗi dịp “cúng cụ” đều là “thời cơ vàng” để tìm đến “bầu sữa” không khó vắt là ngân sách! Những người chung tay nghĩ và làm Chiếu dời đô đã chấp nhận mọi khó khăn và dám “đặt cược” cả cuộc đời nghệ thuật của mình vào “cột số không” của kinh tế thị trường. Nói như thế để thấy, cả những nhà làm phim lẫn những Mạnh Thường Quân đều rất hiểu nhau, tin vào nhau để cùng nhau cộng hưởng, thăng hoa.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thay mặt cho Lưu Trọng Ninh, Triệu Tuấn... khẳng định rằng nhất định bộ phim Chiếu dời đô sẽ không làm cho những người sinh ra nó phải xấu hổ; thậm chí nó còn là bộ phim hay, đẳng cấp, sang trọng. Đó là lời hứa mà rất nhiều người dân cả nước sẽ không quên. Và tất cả chúng ta đều chân thành cảm ơn những con người dũng cảm đó. Chỉ xin góp ý thêm một điều: Để bộ phim thành công như mong ước của tất - cả - mọi - người, rất mong các nhà làm phim huy động nhiều hơn nữa trí tuệ về các lĩnh vực đa ngành, chuyên biệt. Phim lịch sử - nhất là lịch sử 1.000 năm đòi hỏi phải có những cái đầu tinh chiết đủ và đúng tri thức của cả hàng ngàn năm.
Xin cảm ơn những tác giả, đạo diễn của Chiếu dời đô với niềm tin tưởng rằng có thể làm tất cả bằng sức lực và tình yêu của mình với lịch sử...
Tô Vĩnh Hà |