11/03/2017 20:39 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn một cách đơn giản, phát triển du lịch chính là việc chào bán sản phẩm quốc gia đến với du khách quốc tế. Hình ảnh trong tâm trí khách nước ngoài là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của thương hiệu quốc gia.
Jordan Vogt-Roberts – đạo diễn phim “Kong: Skull island”
Tín hiệu tích cực
“Kong: Skull Island” không phải là phim nước ngoài đầu tiên chọn Việt Nam làm nơi bấm máy. Trước đó, vào năm 2015, nhờ sự tiết lộ cá nhân của diễn viên Hugh Jackman về “Pan”, dư luận ngỡ ngàng về việc đoàn làm phim này đã đến quay một số cảnh tại Việt Nam. Rõ ràng, đã không có chiến dịch quảng bá theo sau nào được tổ chức trong khi cơ hội ngàn vàng là quá rõ ràng.
Điện ảnh và du lịch nếu kết hợp với nhau có thể tạo nên mối quan hệ tương hỗ đáng kinh ngạc. Bởi không có kênh truyền thông nào tạo cảm xúc nhiều hơn phim ảnh, ngược lại những khung cảnh hùng vĩ là yếu tố mê hoặc khán giả trong các bộ phim. Trên thế giới, ta không khó để tìm ra những vùng đất đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt du lịch sau khi một phim bom tấn đóng máy. New Zealand là một ví dụ quá thành công với “Chúa tể những chiếc nhẫn” và “The Hobbit”, hay Đảo Hashima - Nhật Bản đã chuyển mình từ một hoang đảo trở thành địa điểm du lịch với vô số tour mỗi năm sau “Skyfall” – một phần trong loạt series ăn khách về điệp viên 007.
Trong ngày đầu ra mắt, tất cả các suất chiếu “Kong: Skull Island” đều hết vé. Chẳng mấy khi các rạp chiếu lại được dịp đông vui đến vậy. Lý do kéo khán giả đến rạp, ngoài tình cảm dành cho một King Kong gắn liền với tuổi thơ, đa phần vì sự háo hức muốn thấy những Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình thân thuộc đến quen mắt ấy sẽ biến hóa ra sao dưới bàn tay của một đạo diễn có tiếng Hollywood. Không khó để thấy những ánh mắt, tiếng ô a đầy kinh ngạc và những lời bàn tán hào hứng. Lòng tự hào dân tộc của người Việt là khỏi bàn cãi, nhưng phải chăng chúng ta đang cực đói những chất liệu để các tín đồ thỏa mãn tình yêu nước, khi mà Việt Nam trong bản đồ điện ảnh, du lịch thế giới còn quá mờ nhạt. Những cảnh quay ngoạn mục trong “Kong: Skull island” là minh chứng cho một “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, nhưng tại sao phải đến những lúc thế này, chúng ta mới thấy viên ngọc Việt Nam tỏa sáng?
Rút kinh nghiệm từ quá khứ, các cơ quan lãnh đạo đã cho thấy một sự nhạy cảm và thức thời hơn qua việc bổ nhiệm đạo diễn phim “Kong: Skull Island” làm đại sứ du lịch Viêt Nam. Đâu đó trong lời đánh giá của đại diện Hội đồng bình chọn, ta có thể thấy những mục tiêu và kỳ vọng. Tạm chưa nói đến tính đúng sai của quyết định, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng về sự đổi mới trong tương lai.
Nhiều cảnh đẹp của Việt Nam đã lọt vào ống kính không ít những "bom tấn", trong đó có “Kong: Skull Island”
Chọn Jordan Vogt-Roberts là đúng hay sai?
Hãy cùng xem xét việc quảng bá du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của việc quảng bá thương hiệu quốc gia đến với công chúng mục tiêu, cụ thể ở đây là du khách nước ngoài. Muốn biết việc chọn đại sứ du lịch vừa rồi là đúng hay sai, ta cần hiểu những nguyên tắc khi lựa chọn đại sứ thương hiệu. Theo Chuyên gia Đặng Thanh Vân – người đã có trên 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chiến lược thương hiệu, lựa chọn nhân vật đại diện cho thương hiệu, cần dựa trên mục tiêu, chiến lược thương hiệu và nhiệm vụ của đại sứ, đồng thời cần có một chương trình hành động cụ thể để đảm bảo mọi hoạt động của đại sứ không nằm ngoài quỹ đạo.
Mục tiêu của việc lựa chọn Jordan Vogt-Roberts là quá rõ ràng, chúng ta muốn thông qua điện ảnh để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Nhưng còn chiến lược, vậy với Jordan Vogt-Roberts, ngành du lịch Việt Nam định làm gì?
Theo bà Vân, Việt Nam trước nay vẫn được đánh giá là thiếu định vị, sản phẩm du lịch thiếu bản sắc. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia với lợi thế cạnh tranh nổi bật và mũi nhọn là điều vô cùng cần thiết lúc này. Thông điệp quảng bá du lịch Việt Nam từ năm 2011 là “Vẻ đẹp bất tận” vốn nó đã mang lại nhiều sự mơ hồ, thiếu bản sắc trong khi khẩu hiệu du lịch của các nước rất cụ thể, rõ ràng.
Thậm chí, khó có thể nhận ra một chiến dịch hành động cụ thể nào dựa trên thông điệp định vị trên. Ví dụ, Thái Lan sử dụng khẩu hiệu “Amazing Thailand – Thái Lan gây ngạc nhiên” với ý nghĩa, ở nước này, mọi thứ đều gây ngạc nhiên cho du khách; Malaysia là “Truly Asia” Châu Á đích thực (đến Malaysia hiểu cả châu Á); Hàn Quốc có “Imagine Your Korea” (Hàn Quốc là những gì bạn tưởng tượng).
Giáo sư Phillip Kottler, người được mệnh danh là “cha đẻ” của marketing hiện đại, trong một buổi hội thảo về marketing tại TP Hồ Chí Mình, đã khẳng định rằng “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Có thể trở thành bếp ăn hay không, là do định hướng của người Việt Nam, nhưng đây cũng là gợi ý không tồi cho việc cụ thể hóa định vị thương hiệu quốc gia, từ đó đưa ra chiến lược dài hạn. Có như vậy hoạt động quảng bá mới thực sự hiệu quả, thoát khỏi sự manh mún trong tầm nhìn.
Kể từ năm 2011, chúng ta đã đi qua giai đoạn “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, bông sen giờ đây đã bung cánh khỏi sự e ấp kín đáo, du lịch nước nhà đến hồi thăng hoa, đó cũng là mục tiêu mà lãnh đạo Tổng cục Du lịch muốn truyền tải qua thông điệp mới “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận”.
Chính vì vậy những bước đi mạnh mẽ cùng một thông điệp có sức hấp dẫn là hết sức cần thiết. Việc chọn đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đồng thời tận dụng điện ảnh làm điểm nhấn cho chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong năm 2017, có thể coi đó là một lựa chọn phù hợp.
Tuy nhiên sau năm 2017, cùng với sự hạ nhiệt của “Kong: Skull Island”, bước đi tiếp theo sẽ là gì, đó vẫn là một dấu hỏi lớn khó có thể đoán trước. Liệu sau đây có bộ phim bom tấn nào khác hạ cánh xuống Việt Nam, chúng ta cũng không thể nói trước.
Nhưng dù sao, người dân vẫn có quyền hy vọng vào sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho du lịch Việt Nam, về một sự thay đổi trong tương lai. Hy vọng rằng, với niềm yêu mến Việt Nam cùng tài năng điện ảnh, đại sứ thương hiệu sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin tưởng mà người Việt Nam đã trao.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất