Bộ phim 14 ngày phép gây tranh cãi

27/04/2009 10:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - 14 ngày phép sau khi ra mắt đã bị những phản ứng có phần khá gay gắt, tập trung vào việc bộ phim phản ánh hiện thực đen tối của thành phố, hình ảnh nhân vật chính chưa thuyết phục, tình tiết khiên cưỡng, phim không có cao trào... Có người đã quy kết bộ phim “chỉ toàn mùi bia rượu, vũ trường, thuốc lắc và con người VN là những cô gái trẻ hám tiền, lẳng lơ; những người đàn ông thành đạt trong xã hội, đã có gia đình, lấy gái bia ôm làm thú vui”.

Đúng là có vũ trường, quán bar, thuốc lắc, “ca-ve”…

Cho rằng đó là cái nhìn lệch lạc và lạc hậu về xã hội VN hiện đại của những người Việt xa xứ trở về nước mà không thấy được những mảng sáng, mặt tích cực của thành phố, nhiều người đã kết tội đạo diễn ấu trĩ khi phản ánh câu chuyện hôm nay mà tưởng chừng như cách đây hàng chục năm...

Quả là bộ phim dành thời lượng đáng kể, phải đến 1/2 phim, để đưa khán giả cùng Dũng, chàng Việt kiều kỹ sư công nghệ thông tin khám phá Sài Gòn theo dẫn dắt của người bạn thân là Lâm. Vũ trường, quán bar, thuốc lắc, “ca-ve”, gội đầu thư giãn... đều hiện diện rõ nét trong phim. Ngay cả một đứa trẻ đánh giày cũng trở thành kẻ lừa đảo khi giả vờ đánh giày rồi chôm luôn đôi giày mới của Dũng.
 
Cảnh Dũng đê mê giữa vòng tay của các cô "ca - ve"
trong 14 ngày phép
 

Tuy vậy, các nhà làm phim cũng tỏ ra biết dừng đúng lúc chứ không đi sâu miêu tả mặt trái của xã hội. Cảnh Lâm đòi quan hệ với “ca-ve” Thảo chỉ được miêu tả qua lời kể của Lâm với cánh tay chảy máu do bị Thảo cắn kháng cự. Cảnh Dũng sau khi bị Lâm cho cắn thuốc lắc và có đến hai em ngồi cạnh cũng chỉ chỉ dừng lại ở động tác ve vuốt. Cảnh quay khá bạo là khi Dũng và Thảo đã cảm mến nhau (nhưng về độ sexy thì còn... thua xa nhiều phim VN ra rạp mấy mùa Tết vừa rồi) nhưng lãng mạn và chân thực.

Một chàng trai dù sống ở Mỹ nhưng nhút nhát và suốt ngày vùi đầu vào công việc thì mức độ khám phá Sài Gòn, dù có bị Lâm thúc ép hay lôi kéo, vẫn chỉ dừng lại ở một chừng mực nhất định. Cảm nhận cuộc sống mới bằng ánh mắt tò mò và đến lúc tự Dũng nhận ra những mặt tiêu cực của nó. Dũng không còn hoàn toàn tin Lâm, anh nói Lâm không phải là bạn tốt. Anh tự tìm được những ngày phép có ý nghĩa hơn. Đó cũng là cách bày tỏ thái độ của các nhà làm phim khi phản ánh cái xấu. Đứng từ góc nhìn này sẽ hiểu diễn biến câu chuyện và cả dụng ý của nhà làm phim.

Câu chuyện tình yêu bất ngờ của Dũng với Thảo, dẫu motive làm quen rồi yêu nhau sau một lần tình cờ gặp lại không mới nhưng có độ hồn hậu, chân thực chứ không rơi vào sáo mòn. Chưa kể cặp đôi Hiền - Hà Tiên trẻ trung, hạnh phúc và thành đạt, biết hưởng thụ cuộc sống nhưng không quên nề nếp gia đình và chăm sóc con cái, đối lập với thế giới hào nhoáng và xô bồ của sàn nhảy, quán bar và những tụ điểm ăn chơi... 
 
“Không đến mức khiến người nước ngoài hiểu nhầm về VN"

Đọc những bài viết về phim, có cảm giác những người phê phán bộ phim đã xem không kỹ, xem phim với thường trực nỗi ác cảm về phim Việt kiều và áp đặt cái nhìn có phần chủ quan và phiến diện của mình vào phim. Trong khi, bộ phim thể hiện quan điểm và cái nhìn của một người Việt xa xứ. Không sai lệch, không phản cảm và còn đưa ra được nhiều kiến giải mới mẻ với câu chuyện tưởng chừng đã cũ. Bộ phim được kể với tiết tấu nhanh, hình ảnh đẹp, ấn tượng, diễn viên đều thể hiện rõ nét tính cách nhân vật, đặc biệt MC, luật sư Trịnh Hội lần đầu về nước đóng phim đã thể hiện đúng hình ảnh một chàng Việt kiều hồn hậu và chân thành. Nhiều tình huống và câu thoại hóm hỉnh khiến câu chuyện phim gần gũi và nhẹ nhàng.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia chia sẻ với TT&VH: “14 ngày phép là phim tâm lý - tình cảm có hướng tới mục tiêu giải trí và giới thiệu du lịch VN. Vì có yếu tố nước ngoài nên cái nhìn trong phim có thể không như mình nghĩ. Hội đồng duyệt thấy mục đích của những người làm phim là trong sáng khi phản ánh một khoảnh khắc, một lát cắt của hiện thực. Các cảnh quay tập trung vào một vài tụ điểm giải trí ở TP.HCM và quay cảnh hẹp. Tôi nghĩ, phim không đến mức khiến người nước ngoài hiểu nhầm về VN dù mỗi người một quan điểm khác nhau. Liều lượng các cảnh này có thể chấp nhận được chứ không vượt quá so với hiện thực, không bôi đen và quan trọng là mở ra “ánh sáng cuối đường hầm”.

Ông Minh phân tích: “Cuối phim, chàng trai Việt kiều sống trong văn hóa miệt vườn đầm ấm, con người hòa mình vào thiên nhiên... Tôi nhấn mạnh, quan trọng là con người tìm thấy cái đẹp ở nơi mình đến chứ không bế tắc. Trong nghệ thuật, sợ nhất là bế tắc và quan điểm của hội đồng duyệt thì đây không phải là phim bế tắc”.

14 ngày phép là phim giải trí đúng nghĩa. Nó không cứng nhắc, gượng gạo, không có lời tuyên ngôn to tát nào mà ít nhiều cũng gây xúc động.

H.Đông


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm