Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên mầm non không đủ năng lực, phẩm chất

06/06/2018 11:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn.

Tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non

Nêu hiện tượng tiêu cực xảy ra nhiều thời gian gần đây với hệ thống giáo dục mầm non, ảnh hưởng xấu, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, làm cản trở niềm tin đối với ngành giáo dục, đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chỉ rõ những hạn chế của giáo dục mầm non: Chất lượng giáo dục mầm non không ổn định, mạng lưới chính sách chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư thấp, cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho rằng bức xúc hiện nay của xã hội đối với giáo dục mầm non là rất lớn, đại biểu mong muốn Bộ trưởng đưa ra giải pháp quyết liệt.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đây là vấn đề nổi cộm gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua. Hiện nay toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon với 337.000 giáo viên. Về cơ bản, các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non tư thục. "Những trường hợp bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, giải pháp căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. “Hiện nay, chế độ cho giáo viên mầm non quá thấp, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng/tháng thì các cô rất khó khăn, đây là lý do gây áp lực”, Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này.

Về hạn chế trong hệ thống giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải do chuyển từ tư thục sang công lập dẫn đến nhiều nơi chuẩn bị chưa kịp đội ngũ giáo viên; nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển mạnh dẫn đến không đủ giáo viên, xảy ra việc bạo hành trẻ.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo nơi giữ trẻ an toàn, nhất là cho con em người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, ngành rất quan tâm đến đối tượng này. Tới đây, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, chỉnh sửa điều lệ về trường mầm non để làm sao các nhóm trẻ, nhà trẻ độc lập đảm bảo có đủ điều kiện, thực hiện tốt công tác chăm sóc, tránh những hiện tượng đáng tiếc.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Bà Rịa -Vũng Tàu Phạm Đình Cúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tăng cường giám sát cơ sở giữ trẻ tư thục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thêm, hệ thống pháp lý nhằm xây dựng môi trường an toàn thân thiện, phòng chống bạo lực cho trẻ cơ bản đã có, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát các cơ sở giữ trẻ tư thục.

Các tổ chức chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt chính quyền phường, xã phải vào cuộc giám sát, cùng đồng hành với ngành Giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất trường lớp, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng để không tạo áp lực.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Vấn đề xuống cấp đạo đức giáo viên khá cá biệt. Các đại biểu Quốc hội mong muốn cả hệ thống chính trị xã hội, các ngành các cấp phải vào cuộc, không chỉ riêng ngành giáo dục.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể để xảy ra những việc như vậy hiệu trưởng có biết hay không? Giáo viên có biết hay không? Chính quyền địa phương có biết hay không? Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo".

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn thành viên Chính phủ 4 nhóm vấn đề

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn thành viên Chính phủ 4 nhóm vấn đề

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, bắt đầu từ ngày 4-6/6, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành tại hội trường. Nội dung quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi.

TTXVN/Phan Phương – Hiền Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm