Kiến nghị khẩn cấp 'cấp cứu' Hoàng thành Thăng Long

19/07/2014 07:45 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Giao cho Viện Khảo cổ tiến hành cứu nguy các hố khai quật, di dời khẩn trương hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại Hoàng thành, thanh tra và làm rõ trách nhiệm liên quan... là những kiến nghị vừa được ngành di sản gửi lên các cấp.

Một cuộc họp khẩn được tổ chức  ngày 18/7 tại Hà Nội với sự có mặt của đại diện Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Khảo cổ Việt Nam để bàn về việc Hoàng thành Thăng Long bị xâm phạm khi thi công đường bao Nhà Quốc hội (TT&VH đã đưa tin trong số báo ngày 16/7).

Đánh giá ban đầu của các cơ quan này cho thấy: phần di sản bị trực tiếp phá hủy nghiêm trọng có diện tích khoảng 700m2, chạy dọc theo 2 hướng Đông và Bắc của Nhà Quốc hội và thuộc khu C, D của Hoàng thành. Tại đây, một bức móng tường bằng bê tông cốt thép đã được xây dựng với độ sâu có nơi tới 3,4m,  kèm thêm một số đoạn đường ống thoát nước được đào sâu vào phần đất của khu di sản. Ở những hố khảo cổ phía trong, việc bị ngập nặng đã dẫn tới xói lở thành hố và chắc chắn gây ảnh hưởng rất mạnh tới hệ thống di tích.


Các nhà vệ sinh lưu động được yêu cầu khẩn trương di dời khỏi Hoàng thành Thăng Long

Ngoài ra, việc công nhân xây dựng tự do hoạt động trong Hoàng thành Thăng Long, dựng lán trại và nhà vệ sinh lưu động đã dẫn tới việc một số hố khảo cổ bị vứt rác thải hoặc ném vật liệu xây dựng xuống một cách bừa bãi. Khá nhiều hố khảo cổ này có những di vật đã xuất lộ, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng cụ thể chưa được thống kê.

Theo khẳng định của các chuyên gia tại cuộc họp, những hiện tượng trên đã vi phạm Luật Di sản Văn hóa và Công ước Quốc tế của UNESCO, thậm chí đặt ra nguy cơ khu di sản này phải nhận khuyến cáo về khả năng bị rút tên khỏi danh sách Di sản thế giới. Bởi vậy, một đơn kiến nghị khẩn cấp đã được 3 cơ quan chuyên môn này soạn thảo để gửi lên UBND TP Hà Nội, Bộ VH,TT&DL cũng như các cấp lãnh đạo cao hơn.

Bên cạnh việc đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giao Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành cứu nguy các hố khai quật bị hư hỏng, kiến nghị này cũng yêu cầu khẩn trương thu dọn toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh công cộng và nhà ở công nhân tại khu C, D để trả lại mặt bằng cho khu di sản, đồng thời đề nghị tổ chức thanh tra, đánh giá mức độ bị xâm hại và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Được biết, theo nguyên tắc bảo tồn, việc cấp cứu cho các hố khai quật bị ngập sẽ trải qua nhiều công đoạn bao gồm hút nước, xử lý chống ẩm triệt để, chụp mặt cắt 3D và lấp cát bảo quản. Với trường hợp Hoàng thành Thăng Long, công việc này còn phức tạp hơn bởi liên quan tới việc quy hoạch và trưng bày các hố khảo cổ khi công viên Lịch sử Văn hóa tại 18 Hoàng Diệu được xây dựng.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm