KTS Bùi Anh Phú Ninh: Hoàng thành Thăng Long cần bảo tồn hơn 'khoe áo mới'

10/07/2014 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm bản thiết kế cuối cùng cho Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long chưa được lựa chọn, phương án của KTS Bùi Anh Phú Ninh đang được các chuyên gia chú ý bởi khả năng dễ điều chỉnh khi triển khai và đặc biệt là ý tưởng đề cao tối đa việc bảo tồn Di sản Thế giới này.

So với 2 giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thiết kế do UBND TP Hà Nội tổ chức, phương án giành giải Ba này là trường hợp hoàn toàn được thực hiện bởi một tác giả Việt Nam. Đang là KTS trưởng của một công ty xây dựng, Bùi Anh Phú Ninh cũng là người từng nhận giải thưởng Kiến trúc sư của năm 2013 do mạng Ashui bình chọn. Anh nói:

- Với tôi, Hoàng thành Thăng Long là biểu trưng số một về sự độc lập và sức sống của VN trong hơn 1.000 năm qua. Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh với đế chế phương Bắc, cụm kiến trúc này vẫn tồn tại tuyệt đối như một trung tâm quyền lực, văn hóa và chính trị để người Việt hướng về. Trên thế giới, rất hiếm có những di sản gắn liền với số phận của quốc gia trong một thời gian dài như vậy.

Thiết kế khu vực này để giới thiệu với du khách quốc tế hay giáo dục thế hệ trẻ thì cũng là để hướng tới những giá trị ấy một cách trọn vẹn, chứ không phải khoác thêm cho nó những lớp giá trị có thể pha loãng, hoặc gây ảnh hưởng tới di sản. Bởi thế, phương án tôi đưa ra hướng về ý tưởng tôn trọng Hoàng thành Thăng Long một cách tuyệt đối và lấy việc bảo tồn làm trung tâm.


KTS Bùi Anh Phú Ninh

* Để rõ hơn, anh có thể phác qua phương án thiết kế của mình?

- Tôi sử dụng hệ thống mái nhỏ để tạo ra một công viên với các không gian khác nhau. Các mái che phải có khả năng dịch chuyển để phục vụ công tác khảo cổ sau này, đồng thời phải nhẹ để giảm trọng tải lên mặt lớp đất chứa các tầng di sản. Tương tự, kết cấu  tường treo phải có khoảng cách trụ lớn, hạn chế tác động trực tiếp xuống đất. Cây xanh trong công viên cũng được trồng vào các bồn lớn, vừa dễ xê dịch phục vụ khảo cổ khi cần, vừa tránh sự phát triển của hệ rễ xuống phía dưới.

Đặc biệt, để di sản được bảo tồn nguyên trạng tại vị trí cố định theo yêu cầu của UNESCO, các hướng đi trong công viên phải đặt ở những "tầng khác nhau". Phía dưới lòng đất, trục tuyến tham quan của công trình được đặt song song với trục của các móng kiến trúc cổ để tránh "đè lên" di sản khi xây dựng. Ở lớp vỏ kiến trúc trên mặt đất, các tuyến đi lại xoay theo hướng khác, cùng với trục của nhà Quốc hội.

* Nhưng chúng ta có thể vừa  nỗ lực tối đa để bảo tồn "ở dưới", vừa có thể dựng lên những kiến trúc ấn tượng "ở trên" không, thưa  anh?

- Thật ra, trong quá trình tìm ý tưởng, tôi cũng mất thời gian dựng ra những hình thái kiến trúc theo kiểu ấn tượng, bắt mắt hay có những đường nét mềm mại để phô diễn hình thức. Nhưng, càng tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long, tôi càng nhận ra sự sa đà theo hướng ấy chắc chắn  không thể tránh khỏi nguy cơ tạo nên những ảnh hưởng trực tiếp lên di sản.

Nói chung, những tìm tòi về hình thức thì phù hợp với thể loại công trình bảo tàng, nôm na là tạo ra một không gian để đặt hiện vật bên trong. Còn với di sản, hiện vật là thứ có sẵn, kiến trúc không gian phải là phần vỏ "bám theo" hiện trạng, thậm chí phải biến đổi để phục vụ nhu cầu khảo cổ. Di sản quyết định kiến trúc chứ không thể áp đặt, quan điểm của tôi là vậy.

* Có vẻ, hướng đi ấy có phần "khiêm tốn" khi thể hiện cá tính của KTS - trong khi  nhiều người cho rằng, dù sao công viên Hoàng thành cũng phải có một kiến trúc "bắt mắt" để chiêm ngưỡng cho xứng với giá trị dưới lòng đất của nó. Điển hình, một số giám khảo đã nhận xét rằng phương án của anh có tính khả thi cao nhất về mặt bảo tồn, nhưng nếu triển khai thì cần chỉnh sửa lại lớp "vỏ"...

- Chuyện gây ấn tượng tới đâu sẽ phụ thuộc vào từng cách nhìn. Chẳng hạn, trên thế giới cũng có những quan điểm kiến trúc gắn bó với tự nhiên hoặc những thứ có sẵn, đề cao tính địa phương, nguyên thủy và sự đa dạng hóa không ngừng.

Khi thiết kế, tôi cũng lựa chọn xu hướng này. Với các tuyến đường khác nhau, du khách có thể tham quan khu di sản  ở 3 cấp độ không gian (cận, trung và toàn cảnh) và có những xúc cảm đa dạng nhờ những điểm nhìn và trường nhìn đặc biệt. Hơn nữa, mỗi giai đoạn trong quy trình tham quan sẽ khác hẳn nhau, bởi không gian được phát triển theo dòng thời gian và theo quy trình khai quật.

* Hiện tại, thiết kế khu bảo tồn Hoàng thành Thăng Long chưa được lựa chọn, anh có hy vọng nhiều vào phương án của mình không?

- Hội đồng giám khảo cuộc thi có tổng kết rằng các phương án dự thi được triển khai theo 2 xu hướng kiến trúc hữu cơ và kiến trúc hình học. Còn với góc nhìn của tôi, tôi nghĩ nên chia thành 2 xu hướng kiến trúc thiên về hình thức và tôn trọng di sản thì hợp lý hơn. Nếu việc lựa chọn đặt yếu tố bảo tồn làm trọng tâm, tôi tin mình sẽ có cơ hội.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm