22/09/2021 20:34 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tại công văn số 3175/UBND-ĐT ngày 22/9, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các sở, ngành, đơn vị của thành phố tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, thiết thực, hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, các ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh việc đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Cụ thể, các ngành tập trung đẩy nhanh đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai; trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai 3,5 và vành đai 4; các trục hướng tâm, các trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm; các công trình giao thông phục vụ đề án xây dựng các huyện thành quận; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông (cầu yếu, cầu đi bộ...).
Việc này nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông là khâu đột phá và đi trước một bước tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và vùng thủ đô nói chung.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, sớm đưa vào vận hành, khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị gồm: tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội. Sở hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến ga Hà Nội-Hoàng Mai, tuyến Văn Cao-Hòa Lạc; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Ngọc Hồi-Thăng Long-Nội Bài; Nam Thăng Long-Nội Bài.
Sở cũng phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh gồm bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng... theo quy hoạch. Bên cạnh đó, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm sử dụng, ứng dụng các công nghệ đỗ xe thông minh, hiện đại; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông tĩnh tại khu vực trung tâm.
Đối với 13 dự án được giao; trong đó có 3 dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ gồm: Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 32 đoạn Sơn Tây - Trung Hà, dự án xây dựng đường cao tốc đoạn từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, thành phố yêu cầu sở tập trung hoàn thiện trình UBND thành phố đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình xây dựng các quy hoạch giao thông vận tải của Bộ Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của thủ đô Hà Nội gắn với quy hoạch giao thông vận tải của cả nước.
Về quy hoạch, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải rà soát Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cập nhật bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; trong đó tập trung rà soát quy hoạch, xây dựng hệ thống bến xe khách liên tỉnh theo hướng chuyển dần ra các huyện ngoại thành nhằm giảm áp lực giao thông khu vực các quận nội thành; xây dựng các kế hoạch hàng năm, đề án, dự án chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố để cụ thể hóa quy hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để thực hiện đảm bảo được các mục tiêu yêu cầu đề ra.
Tại công văn cũng quy định rõ một số nhiệm vụ khác của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong thời gian tới. Đó là Sở tập trung quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, xử lý dứt điểm các vị trí “điểm đen”, điểm mất an toàn giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Hàng năm xử lý 7 - 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải sắp xếp tổ chức và quản lý hè phố, lòng đường; rà soát, điều chỉnh bổ sung, thay thế biển báo giao thông theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, Sở tổ chức các tuyến xe buýt kết nối giữa các bến xe và giữa các bến xe với các khu đô thị, các khu dân cư và trung tâm thành phố cũng như tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới…
Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng hệ thống “giao thông thông minh” trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh, áp dụng công nghệ, kỹ thuật trong tổ chức, điều hành giao thông; xây dựng hệ thống bản đồ số trong công tác tổ chức, điều hành giao thông, tích hợp về Trung tâm điều hành giao thông thành phố để thường xuyên cập nhật, chủ động phân tích đưa ra những cảnh báo, phương án phân luồng giao thông hợp lý trên địa bàn thành phố…
Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ liên quan để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Văn Cảnh - Nguyễn Cúc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất