07/08/2023 16:42 GMT+7 | Văn hoá
Dù TP.HCM đang còn mùa mưa, nhưng các sân khấu kịch đã đông vui nhộn nhịp hẳn, lại có món mới ít khi được bày, đó là kịch thể nghiệm. Không hẹn mà nên, các nơi lại "lên món" trong thời gian gần như trùng nhau.
Sau khi Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ mở hàng, trở lại với kịch thể nghiệm với Ái tình ngoài hôn nhân, có ít nhất 2 vở mới nữa đang chuẩn bị ra mắt. Điều đáng nói, góp món vào thực đơn này có một số người quen và vài gương mặt lạ. Người lạ là một nhóm kịch mới, đến từ một nơi không phải là địa điểm quen thuộc của kịch nói: Hội An (tỉnh Quảng Nam).
"Người lạ mặt" diễn kịch phi lý
Chinh Ba, đạo diễn vở kịch đến từ Hội An, xếp tác phẩm của mình vào thể loại kịch phi lý, với tên gọi Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn. Vở đã ra mắt công chúng tại Hội An tháng 5/2022, nay chọn TP.HCM là điểm đầu tiên của tour lưu diễn toàn quốc năm 2023.
Lạ. Vì vở kịch là một chuỗi hội thoại lặp lại với nhiều tần suất, trình tự thời gian, không gian khác nhau của 3 bản dạng giới, nam nữ và một bản dạng không xác định.
Lấy ý tưởng từ Truyện Kiều và vở kịch Furtive Love (tạm dịch: Mối tình vụng trộm) của Brian E Turner, Chinh Ba đã để cho các diễn viên hội thoại với nhau, nhằm bộc lộ tận cùng những sâu thẳm của bản ngã. Những mẩu hội thoại, những mối quan hệ (tưởng như) vô nghĩa của dục vọng, của bản dạng giới, của tình yêu, quyền lực, bạo lực… rượt đuổi nhau trong sự vô lý.
Sân khấu kịch là một không gian mở, nhằm xóa bớt khoảng cách giữa khán giả và diễn viên, thiết kế, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh... có sự hòa trộn giữa các yếu tố sân khấu, thị giác, các phong cách trình diễn. Khán giả có thể tự do chọn điểm quan sát quá trình diễn ở bất cứ chỗ nào, có những giai đoạn có thể ứng tác với diễn viên, hoặc nói cách khác, khán giả được/bị lựa chọn thành người trong cuộc của câu chuyện.
Lạ. Còn vì ở cách "huấn luyện" khán giả. Trước khi kịch công diễn, khán giả sẽ có 2 buổi tập kịch cùng diễn viên, với dẫn dắt của biên đạo - giám tuyển múa Anh Vo từ New York; sẽ trò chuyện với các nghệ sĩ để hiểu hơn về quá trình hình thành vở kịch. Việc mua vé cũng vậy, nếu sớm sẽ được giảm giá, sinh viên học sinh và mua chung từ 5 vé, sẽ giảm thêm 10% nữa.
Vở này sẽ diễn 3 đêm 11, 12, 13/8 tại phim trường Nam Đông (204 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, TP.HCM), nơi chưa từng diễn kịch. Đạo diễn Chinh Ba nói: "Vì vở kịch muốn thoát khỏi cấu trúc sân khấu truyền thống".
Việc chọn phim trường Nam Đông, theo lời đạo diễn, để khán giả được quyền tự do lựa chọn điểm nhìn, góc nhìn, tự do đi lại, di chuyển. Diễn viên tham gia vào dự án đều là những diễn viên không chuyên, nhưng có đời sống thú vị với các thực hành nghệ thuật đa dạng từ thị giác, nhiếp ảnh, phim, trình diễn, xiếc, hài, nghiên cứu về giới...
Chinh Ba cũng tự tin rằng việc đưa vở kịch phi lý Nam tiến như một vị mới bổ sung cho sân khấu kịch ở Sài Gòn, được hứa hẹn là một nguồn cảm hứng mới cho cả các mối quan tâm về sân khấu.
Người quen tái xuất để đương đầu
Nếu như Chinh Ba lần đầu tiên làm đạo diễn kịch phi lý, sau khi là nghệ sĩ thực hành đa thể loại, thì đạo diễn Đoàn Khoa cũng có lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò diễn viên trong vở kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình.
Lần tái xuất sau nhiều năm "ẩn dật", một mình Đoàn Khoa đảm nhận cả 3 vai trò: Tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Đoàn Khoa thừa nhận anh và các bạn diễn trong vở này đều là những người liều lĩnh, chẳng hạn như Hồng Ánh.
Đoàn Khoa kể mình chưa từng có kế hoạch cho dự án này cho tới khi tình cờ gặp lại Hồng Ánh, rồi hứa là nếu có ý tưởng đặc biệt, thậm chí là phiêu lưu, sẽ chia sẻ cùng Hồng Ánh. Nhưng, nếu gặp nhau để làm về những vở kịch sướt mướt, những câu chuyện éo le thường thấy, thì Đoàn Khoa bảo mình không ham. (Trong Mình nói chuyện mình, Hồng Ánh còn là người nắm giữ vai trò giám đốc sản xuất của dự án).
Đây là câu chuyện về những cuộc đời bị đánh cắp, tất cả đều không được sống thật với chính mình. Kịch gói gọn trong 90 phút, với 5 nhân vật Hồi Xuân, Vật Chất, Thành Đạt, Si Tình và "cây đèn đường" do NSND Kim Xuân, Đoàn Khoa, Hồng Ánh, Quang Thảo, Huỳnh Ly thủ diễn.
Đoàn Khoa nói: "Khi bắt tay thực hiện Mình nói chuyện mình, tôi tin điều chúng tôi đang ấp ủ sẽ khác với những gì trước đây người ta đã từng thực hiện". Có lẽ vì vậy mà cả ê-kíp thực hiện chấp nhận đương đầu với sự thách thức về mức độ thành công.
Với Quang Thảo, sự dấn thân này chưa chắc thành công, nhưng "Quang Thảo luôn ủng hộ việc tìm tòi, sáng tạo cho sân khấu".
Với Hồng Ánh, không biết mong muốn thể nghiệm này của ê-kíp có mang lại hiệu quả gì không, nhưng được làm cái gì mới đối với cô cũng là sự tò mò thú vị và thách thức. Còn Đoàn Khoa tự nhận, lo sợ kinh khủng nhất là khi phải đóng vai cây đèn đường, nhưng chính thách thức này lại khiến anh muốn làm cho được, cùng với những đồng nghiệp của mình.
"Tôi biết vở này kén người xem, nhưng không vì thế mà tôi không làm. Đó là thử thách của cả ê-kíp chúng tôi và mong là thử thách này sẽ được đón nhận" - Đoàn Khoa nói.
Ngoài 1 buổi diễn đặc biệt dành cho khách mời, vở chỉ diễn 2 suất tại sân khấu của Trường Múa TP.HCM, cụ thể là 3 ngày 10,11,12/8. Nghĩa là, cũng như vở kịch phi lý, các suất diễn đều khá hạn chế, vừa đủ để các đạo diễn làm quen và thăm dò khán giả, rồi sau đó liệu bề tính tiếp.
Thiên Đăng của Thành Lộc chưa khai trương đã hút vé
Trong một diễn biến khác, món mới mà quen cũng sắp sửa được bày ra: Thiên Đăng, sân khấu kịch của NSƯT Thành Lộc. Dù địa điểm vẫn chưa được công bố, tháng 9 mới khai trương, nhưng theo nguồn tin hậu trường, có ít nhất 6.000 vé đã được bán ra. Sân khấu này có sức chứa 305 ghế, nghĩa là số vẻ đã bán là gần 20 suất, nếu tính bình quân.
Thiên Đăng sẽ hoạt động liên tục 4 ngày, từ thứ Năm đến Chủ nhật, có thể thấy sự tự tin nhất định của Thành Lộc ở sân khấu mới này. Điều này có cơ sở, khi mà các suất diễn có mặt Thành Lộc ở IDECAF trước đây luôn hút vé. Nếu không có gì thay đổi, Tin ở hoa hồng sẽ là vở ra mắt của sân khấu này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất