(TT&VH) - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Thị trường BĐS Việt Nam - Vị trí, vai trò trong nền kinh tế và giải pháp phát triển” diễn ra ngày 26/12 tại Hà Nội.
Theo ông Tống Văn Nga, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, lâu nay chúng ta tập trung chú ý đến căn hộ cao cấp, biệt thự mà những người có thu nhập thấp không tiếp cận được. Theo ông Nga, loại hàng hóa bán chạy sẽ là những căn hộ từ 60 đến 90 m2, vì phù hợp phần đông thu nhập người làm công ăn lương có thu nhập trung bình.“Tôi nghĩ nếu Chính phủ trong gói kích cầu nhằm vào thị trường BĐS phải chú ý đến nhu cầu lớn đó của người dân, vừa giải quyết vấn đề dân sinh vừa tạo đà cho sự phục hồi của thị trường. Tuy nhiên khi hỗ trợ về đất đai, lãi suất vay vốn cho nhà đầu tư vào các khu nhà ở xã hội cần chính sách rõ ràng, tránh phân phối sai địa chỉ”.
Theo ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, trong trạng thái hiện nay, thị trường BĐS với thị trường vốn quan hệ khăng khít với nhau. Nếu có dữ liệu cụ thể (như: nhà đầu tư đã gặt được bao nhiêu lúc thị trường nóng, ai đang thiếu vốn, có thể phá sản cần giúp đỡ.....) thì chúng ta mới có thể tìm ra được giải pháp phù hợp và chính xác. Theo ông Võ “Phần” kích cầu dành cho thị trường BĐS cần dựa trên phân tích kỹ: tính vĩ mô của thị trường, vấn đề giải cứu, kích cầu ở khu vực nào cần được bàn kĩ, giải pháp ra sao mới quan trọng”.
Hiện tại, nếu DN vay vốn từ NH với lãi suất như hiện nay để đầu tư BĐS thì chắc chắn vẫn lỗ. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ vốn cho vay đầu tư BĐS tại các tổ chức tín dụng trong cả nước là trên 115.000 tỷ đồng (chiếm 9,5% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế), trong đó 2 thành phố lớn nhất có tổng số dư nợ chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay BĐS trong cả nước. Đáng chú ý là, thị trường tài chính toàn cầu vẫn trong cơn khủng hoảng, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và đứng trước nguy cơ suy thoái. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam, khiến thị trường BĐS Việt Nam chưa thể phục hồi trong năm 2009.
Mạnh Cường