Nam Phi có gì lạ?

30/06/2010 07:05 GMT+7 | Du lịch đời sống

(TT&VH Cuối tuần) - Nam Phi có gì vui, Nam Phi có gì lạ? Đứng ở mũi Hảo Vọng, nơi phân chia hai đại dương, cảm giác được điều gì? Chưa biết, nhưng biển ở đấy hai bên hai sắc nước khác nhau, thò chân xuống biển bên nóng, bên lạnh. Ở Nam Phi, không ít lần bạn sẽ bắt gặp cảm giác ấy.

Du hành trong mây

Đến Nam Phi bạn sẽ được Cape Town đón trong nắng vàng và sẽ gặp mưa khi lên đến Pretoria, Johannesburg. Chuyến bay của Hàng không Malaysia vắt qua gần hai ngày, từ Hà Nội xuống Kuala Lumpur, từ Kuala Lumpur sang Jo’burg (Johannesburg), rồi từ Jo’burg mới đến Cape Town. Cape Town, thành phố đất mũi nổi tiếng. Nơi đây, bờ biển chạy một đường cong như ổ bánh mì trải từ Tây Nam sang Đông Nam, lại gần thì sẽ thấy vô số vịnh nhỏ khoét sâu vào đất liền, và đầy những mũi đất là mũi đất. Mập mạp, sắc nhọn, những mảnh đất mũi lúc nhô ra Đại Tây Dương, lúc lại vươn mình tới Ấn Độ Dương.

Cape Town làm gợi nhớ một thời thuộc địa với từng dãy villa biệt thự có muôn vàn giàn hoa giấy, hoa lan tiêu rực rỡ. Thành phố nhiều cao ốc nhưng vắng vẻ, khó mà hình dung nó chứa đến 3-4 triệu dân và mở rộng nhà đón thêm hai, ba triệu người nữa cho World Cup 2010. Ven biển Tây Nam Cape Town có một rặng núi dài, trải từ thành phố xuống tận phía Nam, núi Mặt Bàn nổi tiếng, một trong những biểu tượng của Cape Town. Núi giống như một chiếc khăn do một cô gái nhón tay cầm một đầu và căng ra trước gió, phẳng lừ. Dù có lái đi đâu ở Cape Town, chúng tôi cũng không thoát khỏi cái dáng trườn dài vừa kiêu hãnh, vừa bảo thủ ngang ngạnh này của nó. Ừ, bảo thủ quá đi chứ, núi gì mà gần như không có đỉnh. Ở cái đầu khăn bị nàng nhón tay cầm, rặng núi hơi nhô lên một chút, có lẽ là dấu vết ngọn núi từ xa xưa. Hăm hở lên đỉnh, đón chào chúng tôi là sương mù. Ngay cả những chiếc máy ảnh tốt nhất cũng không xuyên qua được màn sương dày đặc vần vũ để chụp được toàn cảnh Cape Town. Thay vào đó, chúng tôi chụp được một rừng sao sa những ánh đèn thành phố, khi trời đã chạng vạng. Chúng lấp lánh như những viên kim cương Nam Phi quý giá. Ở dưới chân núi là 300C, nhưng trên đỉnh, trên cái mặt bàn này, là 40C. Sương mù trên đường lên núi mịt mùng, nhiều khi thời tiết không đủ tốt, cáp sẽ ngừng hoạt động. Phải mất một lúc, ai nấy mới hiểu rằng mình đang ở trong mây chứ không phải sương mù chóng tan, chúng tôi lang thang như thể đang viễn du trong một tảng mây châu Phi, ngay trên đầu Cape Town. Thật thú vị khi uống rượu vang trong khung cảnh ấy, những ly rượu vang cho ngày đầu tiên gặp gỡ Nam Phi. Vang Nam Phi cũng lấp lánh trên thị trường thế giới như những viên kim cương đắt giá.


Mũi Hảo Vọng
Hôm sau là ngày của mũi Hảo Vọng. Muốn gặp Hảo Vọng phải chạm ngõ Cape Point (mũi Điểm). Sườn Đông Nam của Cape Point chính là nơi mà từ đây những tấm ảnh đẹp nhất về mũi Hảo Vọng thường được chụp. Trong các điểm mang danh mũi Đất, Cape Point có chiếc mũi nhọn nhất, vừa hung tợn vừa gây gổ, gió lồng lộng thổi, và hai tháp hải đăng sừng sững trấn ngay đầu mỏm đá cheo leo, một trên đỉnh, một dưới thấp nhìn chằm chằm vào nhau. Muôn vàn hòn đá nhỏ xếp chồng lên nhau ở Cape Point, đương đầu với gió cả hai đại dương thổi suốt ngày suốt đêm. Hoa thơm cỏ lạ nở bạt ngàn đường đi, lũ chim biển bay qua kêu inh ỏi.

Mũi Hảo Vọng cách Cape Point chỉ hơn một cây số. Dù sao mũi đất này cũng thật đẹp trong các truyền thuyết bi hùng về những con tàu qua đây va phải đá ngầm, sóng dữ, bị đắm vô số kể, cho đến tận bây giờ với đầy đủ các phương tiện du hành hiện đại mà vẫn còn đắm. Truyền thuyết về con tàu ma người Hà Lan bay mà bộ phim Những tên cướp biển đã từng nói đến, nghe nói con tàu đã biến mất ngay tại mũi này, rồi truyền thuyết về cái tên cũ mũi Bão Táp vì sóng quá to, gió quá lớn, sau này được nhà vua Bồ Đào Nha đổi thành mũi Hảo Vọng với hy vọng chấm dứt những tai nạn tàu bè thảm khốc. Ở đây thật ra không có mũi đất nhọn hoắt nào cả, chỉ có bờ biển lổn nhổn đá sắc hồng, sóng đập vào mãnh liệt như thể dù nơi này toàn đá tảng thì chúng cũng quyết đập tan cho thành đá vụn. Người ta dựng một tấm biển trên bãi đá ngổn ngang như một công trường đó để chỉ rõ đây là Mũi Hảo Vọng ở 18028’26’’ vĩ độ Đông, 34021’25’’ kinh độ Nam.


Nữ cảnh sát Nam Phi
Bất ngờ Nam Phi

Trái với hình dung của nhiều người, Nam Phi có một hệ thống đường sá cực kỳ tốt. Đường nhựa phẳng mịn, dân cư ở cách xa đường cái. Ở Cape Town, xe cộ đông đúc, xe Harley các loại đủ màu sắc dựng đầy đường. Tôi có một cảm giác như thế giới ngày và đêm ở đây phân chia cũng rõ ràng, ban ngày là của cuộc sống công khai, phát triển; từ 6 giờ tối trở đi, người ta khuyến cáo không nên ra đường. Một số khu vườn nom rất yên bình đề biển cấm người ngoài đột nhập, mặc dù chúng gần như chẳng có hàng rào. Có lẽ nếu bạn bước vào khu vườn ấy ban đêm, chắc chắn là chuông báo động sẽ reo ầm ĩ. Dọc đường lái xe đi, không ít chặng không có một bóng người, trừ những chiếc xe phóng ngược chiều nhau vun vút. Bên ngoài những dải rừng bảo tồn đặc sắc với muôn loại thảo mộc, chim muông, những cảnh đẹp hùng vĩ, villa biệt thự và phố phường đầy xe Harley, Nam Phi vẫn có một thế giới riêng bí ẩn mà chúng tôi có thể lờ mờ cảm thấy, nhưng gần như không chạm vào được, chỉ nghe qua những tiếng đồn, cũng không đủ thời gian để dừng lại và đi sâu vào nó.

Để đến được mũi Kim – Cape Agulhas, chúng tôi dừng ở Bedasdorp một đêm. Ở đây chúng tôi may mắn tìm được một bà chủ nhà tốt bụng, cái giá bed & breakfast (trọ cùng chủ nhà, có ăn sáng) của bà hạ từ 250 rand xuống 80 rand (1 rand = 2.800 VNĐ) cho bốn đứa gần như là không hề có trong cả hành trình.


Ban nhạc hát để bán CD ở đường phố Nam Phi
Cuối cùng thì cũng đến với đường ranh giới thật sự được công nhận giữa hai đại dương. Nơi này được các thủy thủ Bồ Đào Nha thời cổ gọi luôn là Mũi Kim - Cape Agulhas - vì khi tàu đến nơi, mọi kim địa bàn của họ đều chỉ đúng về hướng Bắc trên địa bàn không chệch một ly nào. Đây mới là mỏm cực Nam của châu Phi. Trong này, người ta dựng một tấm biển hình dạng cổ chỉ ra rằng bạn đang ở nơi phân chia giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, thậm chí còn xếp một con đường sỏi làm ranh giới: đặt chân bên này, bạn đang ở phía Đại Tây Dương, đặt chân bên kia, bạn đang ở phía Ấn Độ Dương rồi. Ngoài kia, biển trộn lẫn sóng của hai đại dương với nhau trong một vũ điệu cuồng nhiệt với những con sóng xanh biếc, tuyệt đẹp và trong vắt ngay cả khi vừa đập vào bờ và sủi bọt. Không biết những con sóng kia, con nào đến từ phương Tây, con nào đến từ Ấn Độ? Những cây rong dài như cả mớ dây thừng trôi vật vờ, đen sẫm, chốc chốc lại bị sóng vứt lên bờ càng tăng vẻ hoang vu cùng cực của vùng đất cực Nam lục địa đen. Ở gần Cape Agulhas, người ta xây một bảo tàng “Xác tàu đắm” với đầy đủ tượng cổ, ghế cổ, đồ đi biển cổ của không biết bao nhiêu con tàu đã tan xác vì đá ngầm, gió, bão khi đi qua mỏm cực này. Ngay trong ngọn hải đăng mũi Kim cũng có một bảo tàng. Chúng tôi bần thần ngắm mãi tấm bản đồ của Cape Agulhas với hình vẽ chi tiết đủ loại thuyền cổ từ thời những người du hành Phenician 1.000 năm trước công nguyên, cho đến những tàu buôn của người A-rập, người Trung Quốc, rồi muôn vàn hải đội của Vasco De Gama và Magenlang sau này.

Thế giới thật vĩ đại biết bao và thật tự hào làm sao khi chúng tôi đã ở đây, bước một bước nhỏ theo chân những người anh hùng đam mê khám phá thời cổ đại.

Nghiêm Thúy Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm