Kí sự Nam Phi: Đường N3

01/07/2010 12:28 GMT+7 | World Cup 2010


(TT&VH)- Tôi không muốn quay lại chủ đề này, nếu không gặp anh ở một trạm xăng. Người lái xe có gương mặt đẹp trai như tài tử Denzel Washington ấy nói rằng con đường tôi đi khi trở về Pretoria từ Durban ấy là một trong những con đường đặc biệt nhất Nam Phi. Con đường AIDS.

 
Tôi đã nghe một đồng nghiệp người Italia nói về con đường ấy, nhưng phải đi trên đó trong một chuyến công tác ngày và gặp gỡ một số người lái xe tải hạng nặng dọc ngang vùng đất ấy mới hiểu tại sao người ta lại gọi nó cái tên kinh khủng như thế. Con đường N3 đi từ thành phố cảng Durban đến Johannesburg được gọi là con đường AIDS, bởi đấy là một ví dụ sinh động nhất của việc căn bệnh thế kỉ ấy loang như thế nào, khi các chuyến xe tải chở hàng hóa từ đấy tỏa ra các nước khác của châu Phi khác, theo các tuyến cao tốc sang Harare (Zimbabwe), Gaborone (Botswana), Winhoek (Namibia) cho đến tận Brazzaville (Congo). World Cup làm lưu lượng xe cộ đi lại trên con đường ấy tăng nhanh và không ai dám chắc 100% các cổ động viên trở về nhà sau giải đấu hoàn toàn “khỏe mạnh”.

           

Xe tôi dừng ở gần Harrysmith, nằm giữa tuyến đường N3 vào một buổi tối lạnh buốt. Người lái xe da đen ấy ngồi uống cà phê trong trạm nghỉ ven đường, gương mặt đẹp trai một cách ngạc nhiên, với nụ cười giống hệt siêu sao Denzel Washington. Anh lái một chiếc xe tải hạng nặng trên đường từ đi Johannesburg từ Durban, thành phố cảng lớn nhất của châu Phi và là thành phố lớn thứ 3 của Nam Phi. Simon, tên anh, chạy thường xuyên trên tuyến đường vận tải tấp nập và lưu thông hàng hóa lớn hàng đầu châu Phi ấy trung bình mỗi năm hơn 200 ngày. Anh bảo rằng, anh và các đồng nghiệp sống và chết trên con đường N3, con đường của những khoảng trống đen như hũ nút ở hai bên, mà chỉ những người lái xe đường dài mới có thể nhìn thấy những đốm lửa phập phù như đom đóm. Các cô gái làng chơi hay sử dụng những đốm lửa từ thuốc lá hay marijuana ấy để đánh tín hiệu cho các xe đi qua. Chỉ cần một xe dừng lại, cánh cửa hạ xuống, dăm ba câu trao đổi ngắn ngủi trong giây lát và sau đó, “cuộc vui chóng vánh” bắt đầu ngay trên ca bin của những chiếc cam nhông nặng nề. Mỗi cuộc như thế giá chỉ 50 rand (tương đương 6,5 USD), nhưng ở gần biên giới các nước Botswana hay Zimbabwe, có khi cái giá còn thấp hơn rất nhiều: chỉ một vài bánh xà phòng hoặc một túi muối hay đường. Những người lái xe thích “ghi bàn” mà không cần “giày”. Đa số đàn ông da đen chỉ thích “skoon” (tiếng lóng, “vui vẻ” mà không cần đến bao cao su). Không có gì ngạc nhiên khi AIDS loang ra không thể nào ngăn chặn nổi theo cấp số nhân theo những cây số đường.

   

Con đường N3, cung đường tử thần vì AIDS

        

Tại World Cup này, nước chủ nhà Nam Phi không thích ai đó nói đến những vấn đề liên quan đến AIDS của họ. Một tháng bóng lăn trên sân là một tháng mà họ muốn quên đi những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, thực tại luôn tàn nhẫn và không ai có thể chối cãi sự thật, rằng vào năm tới 2011, số người chết vì AIDS ở Nam Phi sẽ bắt đầu tăng mạnh để đạt con số 700 nghìn vào giữa thập kỉ này. Những số liệu thống kê cho thấy Nam Phi có thể mất 1/4 dân số vì đại dịch trong vòng một thập kỉ tới, và bất chấp những nỗ lực của chính phủ, số người chết không giảm. Simon có thể không biết, rằng trung bình mỗi ngày, có 3 đồng nghiệp của anh qua đời vì AIDS, cũng có thể không rõ rằng, chính huyền thoại Nelson Mandela đã từng nói rằng, đánh giá thấp về đại dịch này là “sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của tôi” (nhưng ông cũng chỉ nói được điều ấy sau khi con trai Makgatho Mandela qua đời năm 2005 vì bệnh này). Chắc chắn anh cũng không hay, rằng có những nơi mà đường giao thông đi qua, AIDS đã quét ít nhất một nửa dân làng. Họ thậm chí không biết là mình chết vì bệnh gì. Sẽ là một điều không hay nếu người viết là tôi đi sâu hơn nữa trong một vấn đề khá tế nhị (và chẳng liên quan gì đến bóng đá) như AIDS. Cũng sẽ là không cần thiết và thiếu nhạy cảm nếu đưa ra những ví dụ về cái cách người ta chống AIDS thế nào ở đây cũng như việc chỉ chi 10% ngân sách quốc gia cho y tế. Đó là việc của họ. Chỉ nói đến World Cup. Thông qua một chủ hộp đêm ở Pretoria, tôi biết rằng trong số 40 nghìn gái làng chơi đổ bộ vào Nam Phi để “hoạt động” trong dịp World Cup, có cả các cô gái người Việt.

           

Tôi đủ tế nhị để không hỏi Simon rằng anh có thích “skoon” không, nhưng trạm nghỉ mà tôi đã qua trên tuyến đường N3 phát bao cao su miễn phí cho các lái xe (thậm chí cô bán hàng còn hỏi tôi có thích dùng không cô cho một cái, ngỡ rằng tôi là một CĐV Nhật Bản). Một tổ chức chống AIDS đã đưa ra khẩu hiệu bằng tiếng zulu “Shayela nge condom” (Lái xe cùng với bao cao su) và phát các tờ rơi cho lái xe, trong đó có Simon. Anh bảo, những người lái xe xa nhà trung bình 200 đến 250 ngày mỗi năm, lang bạt trên những con đường, giống như anh trải đời trên mấy trăm cây số đường N3. Sự cô đơn, lạnh lẽo và cả ham muốn cá nhân “xô đẩy” họ đến ngần ấy cô gái làng chơi trên những chặng đường. Dĩ nhiên, “skoon”. Và không cả những kiến thức cơ bản về AIDS cũng như những điều kinh khủng nó đem đến cho họ và gia đình. Anh bảo, các lái xe tin rằng, chỉ cần ghi tên Chúa toàn năng trên xe là sẽ được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, và những thầy lang người zulu cũng có thể chế ra những phương thuốc bằng thảo dược để chữa AIDS, trong khi vẫn tiếp tục “skoon” với gái làng chơi dọc những tuyến đường. Vợ và hai con anh đang đợi ở nhà, tại ngoại ô Johannesburg. Anh sợ AIDS, nhưng anh không thể thiếu “chuyện ấy” trong những chuyến đi xa. Anh không “skoon”, nhưng anh có một “người tình cố định”, và Chúa sẽ tha thứ cho anh về những tội lỗi của mình.

           

Tôi không biết Chúa có tha thứ cho anh không, nhưng chắc chắn không muốn một ngày nào đó, tin buồn sẽ đến với anh trên một tuyến đường của N3. Toàn bộ cuộc sống của anh và gia đình của anh phụ thuộc vào chiếc xe tải nặng anh đang lái, nhưng số phận của anh lại phụ thuộc vào “skoon” hay không “skoon”. Simon nhấp một ngụm cà phê. Anh chuẩn bị về nhà. Còn 300 cây số nữa. Trên chiếc tivi ở trạm nghỉ, trận Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha đang được chiếu. Chẳng ai biết rằng bên lề của giải đấu ấy, có quá nhiều bóng tối, như bóng tối lạnh lẽo nhưng không ít cám dỗ dọc những con đường Nam Phi. Như N3.


            Bài & ảnh: Anh Ngọc (Đặc phái viên TTXVN tại World Cup 2010, từ Johannesburg)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm