Kí sự Nam Phi: Trong ánh nắng cũng có mùi cà ri

30/06/2010 12:50 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)- Tôi ngồi khoan khoái gặm và xé thị gà quay tikka bằng tay trong một quán nhỏ của người Pakistan trên phố Grey. Đấy là một trong những con phố thể hiện rõ nhất những đặc trưng của một thành phố đa chủng tộc của Nam Phi: các màu da và tôn giáo sống chung với nhau một cách hòa bình ngay trên vỉa hè.

Thật khó có thể cưỡng lại được cái cảm giác tò mò và thích thú khi một người khoái đi bụi sà vào một quán ăn Ấn Độ hay Pakistan nào đó trên phố Grey hay phố Queen, vui vẻ ngắm nhìn một hàng kem nằm ngoài cái ngõ chật hẹp và tối như hũ nút mà một cô gái da đen gầy gò đứng bán, hay chui vào một cửa hàng đĩa của một anh chàng zulu trong tiếng nhạc ầm ỹ. Khu phố Grey và khu chợ Victoria chính là những gì thú vị nhất mà cái thành phố cách Johannesburg 600 cây số ấy có thể đem đến cho mọi người. Không phải những bãi biển dài hàng chục cây số qua thành phố, mà ở sân Moses Madhiba, các khán giả xem World Cup có thể nghe thấy tiếng sóng biển ầm ỳ, không phải những Bãi Nam (South Coast) hay Bãi Bắc (North Coast) và thêm 200 cây số nữa là những khu ghềnh đá mà cá voi nhảy nhót, không nốt con đường N2 đẹp mê hồn chạy từ Cape Town. Tôi ngồi trong cái quán của mấy anh chàng Pakistan, nhai đùi gà tikka, uống Coca và lắng nghe những tiếng hỗn độn từ nhạc Ấn xập xình, từ tiếng rao bằng nhiều ngôn ngữ, từ những tiếng xe cộ đi lại trên phố, từ cả những tiếng tông đơ kêu xoành xoạch của mấy anh thợ cạo trong cửa hiệu cắt tóc che tạm bợ bằng bạt ở ngay cạnh, trên có ghi dòng chữ rất kêu “2010 Salon”. Cô bán kem tựa cửa hát lên khe khẽ một bài gì đó và từ cửa hàng bán quần áo của Ấn Độ bên cạnh phảng phất sang mùi hương hoa nhài.


Người dân Nam Phi- Ảnh Getty

Nam Phi hoàn toàn có lí khi chọn thành phố mà nhà thám hiểm Vasco Da Gama đã đặt chân đến vào Giáng sinh 1497 này làm nơi đăng cai một loạt trận đấu của World Cup. Trong tiếng zulu, nơi đây có nghĩa là “điểm tiếp giáp giữa biển và đất”, nhưng có lẽ, gọi đấy là nơi giao hòa giữa Đông và Tây thì đúng hơn, và tính chất của một giải đấu lớn của thời toàn cầu hóa, ở một châu lục đang chuyển mình, ở một thành phố có sự pha trộn hài hòa giữa các màu da và tôn giáo, thể hiện ở chỗ ấy. Đấy là nơi mà mùa đông Nam Phi không hề được cảm thấy, vì Ấn Độ Dương ầm ào sóng vỗ đem đến cho nó sự ấm áp. Ấm áp và thú vị, bởi ở đó có sự kết hợp một cách tuyệt vời giữa rôti và cà ri, giữa truyền thống và bia zulu, giữa những bãi biển đẹp và các khách sạn xa hoa thuộc loại nhất Nam Phi với những khu nhà ổ chuột rách nát của người da đen ở ngoại ô. Người da đen đông nhất, nhưng thành phố lại mang phong vị của gần một triệu người Ấn Độ, con cháu của những người đã đặt chân đến đây từ nhiều thế kỉ trước, trong đó, người ưu tú nhất và vĩ đại nhất có tên Mahatma Gandhi. Lịch sử có tiếng nói của riêng nó. Cuộc sống ở khu đường Victoria và Grey ấy phản ánh chất Ấn mạnh mẽ trong chất Phi châu của người da đen. Pha trộn hài hòa trong những hương vị Á Đông của các quầy bán hương liệu trong chợ Victoria là màu sắc sặc sỡ và choáng lộn của quần áo, của những cửa hàng bán vàng bạc và trang sức, mùi thịt nướng của người da đen, mùi các đồ ăn cay nồng cà ri và thứ bánh cay cay có tên bunny chow của người nhập cư Ấn Độ. Đấy không phải Durban. Khu chợ ấy là một góc New Dehli, với tiếng nhạc uốn éo của người hindu, những biển quảng cáo phim của Bollywood, và vỉa hè, nơi người da đen bán đủ mọi thứ, từ rau quả cho đến giầy dép và quần áo cũ, là một góc Soweto.

Tôi đến Durban vào một buổi tối muộn, sau chuyến đi dài qua những rặng núi của dãy Drakensberg đẹp như thiên đường, nên không kịp xem trận Hà Lan-Slovakia. Nhưng cảm giác tiếc nuối ấy nhanh chóng được khỏa lấp bởi tiếng gió ầm ỳ thổi rung cả cửa kính từ căn hộ thuê nhìn ra biển, từ ánh mặt trời buổi sớm mai xuyên qua cửa sổ, từ mùi cà ri xộc vào mũi khi đi qua khu chợ Victoria và cả mùi khai nồng bốc lên từ những bức tường quanh đó. World Cup không làm thay đổi cuộc sống nhộn nhịp ở nơi đây, ngoại trừ mang đến những khu phố bừa bộn nhưng đầy màu sắc và mùi vị những người thích lang thang như tôi. Không thể không thú vị khi ngồi trong cái quán của mấy anh chàng dễ tính người Pakistan, vừa ngửi mùi gà nướng vừa hít mùi hương đốt (arabati) có vị nhài. Không thể không vui khi nói chuyện với một anh chàng Ghana khăng khăng cho rằng đội tuyển của anh sẽ vô địch World Cup vì thánh Allah phù hộ cho họ. Ở một góc chợ Victoria có ông già tên Joe đặt cược rằng Brazil sẽ vô địch và khẳng định ở khu chợ này, người ta cá độ rất nhiều vào đội bóng của Dunga. Góc khác, có ông chủ bán gia vị Ấn Độ đã pha chế ra thứ bột có tên “Lửa địa ngục dành cho bà nhạc”, với lời giải thích dễ thương, rằng “nếu cậu ghét mẹ vợ cậu, hãy cho bà ta ăn thứ đó. Đảm bảo bà ấy sẽ bị cay không chịu nổi và sẽ không bao giờ cậu thấy mặt bà ta nữa”. Trên hè phố, nơi người da đen chiếm lĩnh, một anh chàng Ghana vừa sửa giày vừa sửa điện thoại (anh cười toét miệng khi tôi hỏi, liệu có mối liên hệ nào giữa hai thứ đó), những cô da đen quảng cáo cho các kiểu tóc bằng cách giơ ra trước mặt mình một loạt ảnh và những thầy lang người zulu (inyanga) rao bán những thứ thảo dược đặc biệt có thể giải quyết được hơn 20 rắc rối khác nhau, từ những trục trặc trong gia đình, tìm người yêu cho đến sinh lí. Có cả quảng cáo ầm ỹ về khả năng kì diệu của một ông bác sĩ đã từng hành nghề khắp 5 châu có tài đuổi ma. Phải, đuổi ma. Trong cái thành phố biển đẹp đẽ này, ma vẫn tồn tại. 80 nghĩa trang của Durban đã phải đóng cửa vì thiếu chỗ: Durban là thành phố bị tác động nặng nề nhất Nam Phi vì đại dịch AIDS.


Durban bây giờ còn mang dấu ấn Trung Quốc. Số người đến đây Trung Hoa đại lục ngày càng tăng trong những năm qua. Hai năm trước, họ đã thắng trong một cuộc chiến pháp lí nhằm đòi được hưởng quyền đối xử không phân biệt màu da, như người da đen đã được hưởng trong bình đẳng với người da trắng khi chế độ apartheid sụp đổ. Nhưng những nhà lập pháp Durban, khi lên danh sách các sắc tộc của thành phố này, vẫn quên những người châu Phi có đôi mắt lá dăm đến từ Trung Quốc xa xôi. Họ chỉ xếp có 4 loại sắc tộc, da trắng, da đen, Ấn Độ và người lai. Hôm ăn tối ở Durban, tôi được ông chủ của một quán Tàu nói cho điều này. Trên tivi đang chiếu trận Brazil-Chile, và cái quán ầm lên tiếng hô “vào” bằng tiếng Hoa khi Brazil ghi bàn. Trên thế giới này, ở đâu cũng có phân biệt đối xử, nhưng trong bóng đá thì không. Niềm vui tột độ khi ăn mừng bàn thắng ở đâu cũng giống nhau.


Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Durban)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm