Kí sự Nam Phi: Nỗi sợ hãi hậu World Cup

22/06/2010 12:56 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Hôm chủ nhật, những nhà thờ Thiên chúa trên đất Nam Phi đã đồng loạt cầu nguyện cho đội Bafana Bafana chiến thắng Pháp và có được một điều thần kì nào đó để vào vòng knock-out. Nhưng liệu Chúa có đứng về phía họ trên chính mảnh đất Nam Phi và điều gì sẽ xảy ra sau khi giấc mộng tan vỡ?

Hôm ấy, ngày mà nhiều các con chiên ngoan đạo đến nhà thờ hành lễ trong chiếc áo đấu màu vàng của đội Bafana Bafana, Hội đồng giám mục Nam Phi đã yêu cầu nhà thờ trên toàn cõi Nam Phi hãy cầu nguyện cho đội tuyển cho trận đấu với Pháp. Trong buổi cầu kinh ấy, một nội dung quan trọng mà các con chiên Nam Phi đã cầu nguyện trước Chúa, là Người hãy giúp đội Bafana Bafana làm nên một điều thần kì khi vượt qua vòng bảng, và phù hộ cho World Cup an lành. Nếu Chúa thấu hiểu những gì mà người Nam Phi nói, có lẽ điều thần kì ấy sẽ xảy ra, hoặc có thể sẽ xảy ra chỉ một nửa, và những câu thần chú của các vị phù thủy của hàng triệu người da đen sẽ làm nốt phần còn lại. Khi không đủ niềm tin vào một điều gì đó, người ta thường cầu viện đến một sức mạnh siêu nhiên sẽ cứu vớt linh hồn họ. Trên con thuyền của bóng đá châu Phi đang chìm xuống dòng nước xiết của World Cup, hình như vị Noah cũng đã bỏ rơi Nam Phi. Nếu ngài có đoái thương Bafana Bafana, thì cũng có thể, ngài sẽ cho họ một chiến thắng trước Pháp để làm kỉ niệm, khi Les Bleus bây giờ không còn là một đội bóng nữa.


Những niềm vui này sẽ tan vỡ sau đêm nay?

Khi niềm tin vào Bafana Bafana đã mất đi và niềm hy vọng vào thành công của bóng đá châu Phi ở World Cup cũng đã tan vỡ, người ta bắt đầu cảm thấy mọi thứ tuột khỏi tay và trở lại với thực tại. Bafana Bafana chưa bao giờ vượt qua được vòng bảng trong lịch sử 2 lần dự World Cup trước kia vào các năm 1998, 2002. Sau chức VĐTG giành được cùng với Brazil năm 1994, những đội bóng mà Alberto Parreira dẫn dắt chưa cũng từng thắng bất cứ trận nào ở một VCK World Cup. Trọng tài vẫn luôn nương nhẹ với các đội chủ nhà World Cup, trừ lần này, và điều bấu víu cuối cùng vào bàn tay của những người cầm còi cũng không còn nữa khi một trọng tài đuổi thủ môn của Nam Phi ở trận thua Uruguay 0-3. Sau trận thua vỡ mặt ấy, tình yêu bóng đá của người Nam Phi dường như đã chuyển sang một thái cực khác. Từ yêu thương và mơ mộng hết mực đến chỗ chỉ trích thậm tệ chỉ cần 90 phút.

Đè lấp những bài bình luận và đánh giá hiếm hoi có phần lạc quan nhất vào một “phép màu” mà Chúa mang đến, là những dòng trách móc của dư luận với chính Parreira, người từng là vị thánh trong mắt họ, là những lời tố cáo với chính giới trọng tài, và lần đầu tiên những ngôi sao như đội trưởng Mokoena hay số 10 Pienaar bị lên án là “không có tinh thần yêu nước” và “không nhiệt tình chiến đấu”. Người ta không ngần ngại chỉ trích cả tổng giám mục Desmond Tutu, người đã nói “World Cup có mặt trên đất Nam Phi là nhờ ý Chúa”. Trên tờ Citizen Press, cây bình luận Mseleku viết: “Sau thất bại, bao giờ cũng cần phải tìm ra một kẻ thủ phạm đã giết chết giấc mơ của hàng triệu người. Quá dễ để chỉ ra đó là HV Parreira và các cầu thủ Bafana Bafana. Vấn đề là chúng ta sẽ đi đến đâu từ sau World Cup này. Câu hỏi ấy sẽ được đặt lên bàn của LĐBĐ Nam Phi. Họ phải trả lời”.


Nhưng giới trí thức có lương tâm lại nghĩ khác. Ông nhà báo già có tên Mokoena ở Soweto mà tôi quen qua anh bạn người zulu Rendani thì bảo rằng, ở Nam Phi, điều người ta lo sợ nhất sau World Cup này không phải là Bafana Bafana sẽ ra sao, mà là cả một đất nước, đặc biệt là những người da đen nghèo, phải trở lại với thực tại. World Cup đem đến cho họ sự thừa nhận và được thế giới để ý. Bafana Bafana là nguồn cảm hứng to lớn nhất. Nhưng khi đội bóng này đứng trước 99% nguy cơ bị loại, cái cảm giác tay trắng và vỡ mộng lại hiện ra. Ông viết cho tôi: “Sau khi chế độ apartheid sụp đổ, người da đen có được những quyền bình đẳng với người da trắng. Họ có tự do, dân chủ, nhưng họ không có tiền. Người da trắng vẫn kiểm soát hầu hết nền kinh tế và những khu vực then chốt trong xã hội, giáo dục và y tế. Người da đen nắm chính phủ và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đem lại nhiều quyền lợi hơn cho quảng đại quần chúng nghèo. Nhưng bất công không giảm, nghèo đói vẫn tăng lên trong những năm qua khi cách biệt giàu nghèo càng lớn”. Ông chỉ ra rằng, chính phủ coi World Cup là một liều thuốc vờ nhằm chữa những căn bệnh trầm kha của đất nước và sử dụng đội Bafana Bafana như công cụ để đưa người da đen đói rách đến những thắng lợi tinh thần, trong khi không cho họ việc làm, sức khỏe và an ninh. Việc Bafana Bafana bị loại sớm cũng là một cú sốc với chính họ, những người đã từng mong đội tuyển góp phần đoàn kết dân tộc và kích thích tinh thần nhân dân.


Nam Phi vẫn muốn kéo lại những cảm giác sôi nổi và hào hùng của giải đấu trên quê hương mình, cũng như niềm hạnh phúc được cổ vũ Bafana Bafana. Cho trận đấu cuối cùng với Pháp, người ta muốn biến sân cỏ trở thành sân khấu của một lễ hội lớn của màu vàng và tiếng vuvuzela. Thêm một lần nữa, rồi kết thúc và trong khi chờ World Cup chấm dứt, họ tìm kiếm một đội bóng nào đó để gửi gắm niềm tin. Bây giờ, đội bóng mà họ yêu thích nhất là Argentina và sau đó là Brazil. Họ sẽ sống một tháng đẹp nhất trong đời, và sau đó là một câu chuyện khác. Trước mắt, họ cầu Chúa, trong khi bản thân Nelson Mandela mơ một điều thần kì. Những điều ấy xem ra có vẻ hơi xa vời đối với chính Chúa và không ít người nghèo khổ khác. Như ở một ngôi làng nhỏ tại tỉnh Limpopo, nơi nghèo nhất Nam Phi, người ta chỉ mong World Cup không bao giờ kết thúc để có điện và được xem tivi. Nhờ có World Cup, họ có điện và được chính quyền xã lắp một tivi màn hình lớn để cả làng cùng xem các trận đấu. Khi hết World Cup, điện sẽ lại bị cắt, và cũng sẽ không còn tivi.

    
Bài và ảnh: Anh Ngọc
ặc phái viên của TTXVN tại World Cup 2010, từ Pretoria)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm