Kí sự Nam Phi: Trên chuyến tàu cắt Nam Phi làm hai nửa

02/07/2010 12:22 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Sbulelo (nhân vật cầm lon bia) là một anh chàng vui tính. Anh bảo những người xhosa như anh, con cháu của Nelson Mandela vĩ đại, một người xhosa, đều như thế. Chuyến đi của tôi trên con tàu “chợ” từ Johannesburg đến Cape Town vì thế mà không ngớt tiếng cười.

Tôi có lẽ phải cám ơn anh vì những tiếng cười trên con tàu chật chội và nóng bức ấy. Như một sự trùng lặp, tên anh trong tiếng xhosa cũng có nghĩa là “cám ơn”. Người thanh niên ấy nói không ngừng, kể đủ mọi thứ chuyện về Nam Phi, về dân tộc của anh, về “ông nội” anh, Nelson Mandela, nói dường như không có “chấm, phẩy”. Sự vui tính và cởi mở của Sbulelo đã làm hành trình của tôi dường như ngắn lại. Làm bạn đồng hành với người da đen thật thú vị. Chỉ trong nửa tiếng kể từ con tàu cũ kĩ của hãng Shosholoza Meyl rời khỏi nhà ga Johannesburg Park có vẻ không an toàn lắm, với cảnh đánh đập tàn bạo một hành khách trên tàu trong phim bộ phim Nam Phi “Tsotsi” đoạt Oscar năm 2005 cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vẫn là nỗi ám ảnh đối với tôi, người bạn thông thái ấy đã dạy cho tôi một vốn từ vựng vừa đủ để giao tiếp với những người xhosa dân tộc anh, những người zulu, sotho hay twane, thậm chí cả tiếng Afrikaan người da trắng vẫn dùng. Mấy anh chàng Nam Phi lai trắng đi qua xin chụp ảnh chung bằng thứ tiếng Anh nhão nhoét vì say (tek pikcha). Một ông nói giọng Cape Town cứ mỗi lượt đi ngang qua toa lại kêu lên bằng tiếng Afrikaan: “Đang World Cup mà sao cái toa này yên lặng thế?” làm tất cả cùng cười. Con tàu thỉnh thoảng rung lên trên đường ray, trong tiếng trẻ con khóc léo nhéo, tiếng Sbulelo nói chuyện với một cô gái zulu khá xinh ngồi ở hàng ghế bên, tiếng lũ thanh niên rủ nhau uống bia và tiếng gió ùa vào qua khung cửa sổ.


Có lẽ đã phải hơn 10 năm có lẻ trôi qua kể từ cái hôm cuối cùng tôi lắc lư cùng trên một chuyến tàu hỏa từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh như thế. Vẫn nhớ tiếc còi tàu tu tu, tiếng bánh xình xịch chạy trên thanh ray, cái khung sắt  như nhà tù ở cửa sổ và mùi khai nồng của nhà vệ sinh. Con tàu Nam Phi tôi đang đi trên đó bỗng nhiên gợi nhớ một cách da diết cái thời đó, từ việc hàng rong đi qua đon đả mời chào khách, những người soát vé cười toe toét với tất cả, cái nhà vệ sinh hôi rình và xả chất thải xuống đường, cảnh người nằm ngồi trong các toa. Chỉ khác con tàu tôi của tôi không có ai mắc võng nằm chung với vịt lợn gà. Để đến Cape Town, “thành phố mẹ” của Nam Phi-vì đấy là nơi những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này-chúng tôi mua vé hạng bét, vì không có đủ tiền để khoan khoái ngồi trên những toa sang trọng của đoàn tàu Blue Train hay Rovos Train, mà vé còn đắt hơn  vé máy bay, cũng không kịp đặt vé nằm. Nhưng chính việc đi bụi trên con tàu chợ của hãng Shosholoza Meyl, dù không tiện nghi, không có giường nằm, và phải mất đến 27 tiếng để đi hành trình hơn 1400 cây số từ Johannesburg đến Cape Town, lại cho tôi một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất tôi đã có trong đời phóng viên lang bạt đó đây (“Shosholoza Meyl” nghĩa là trải nghiệm tuyệt vời, trong tiếng zulu).

Tuyệt vời, bởi trong một chuyến đi bụi, tôi được gặp những người như Sbulelo trong toa, những người tôi có thể gọi là “umhlobo” (bạn) chỉ sau vài phút trên con tàu cũ kĩ khởi hành trễ, được ngắm những tấm biển chỉ đường có tên chữ hoa của những địa phương được giữ lại từ thời apartheid, như Hazel, Latou, Acacia, những nhà ga xây bằng gạch khi tàu chạy qua có tên Whitehill, những nhà ga khác không có ai chờ đợi, những Shebeen (quán rượu lậu) của người da đen gần đường tàu. Tuyệt vời, một khi biết rằng lịch sử của Nam Phi được viết trên những tuyến đường sắt mà thực dân Anh đã xây để khai thác thuộc địa. Năm 1893, một luật sư gốc Ấn Độ trẻ đã bị cảnh sát đuổi khỏi tàu ở Pietermaritzburg, cách Durban 60 cây số, chỉ vì ông từ chối rời khỏi toa tàu được dành riêng cho người da trắng. Người thanh niên ấy về sau trở thành lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Người ấy có tên Mahatma Gandhi. 69 năm sau, lãnh tụ của người da đen Nelson Mandela bị bắt ở gần nhà ga của chính thành phố ấy, và sau đó bị kết án tù 27 năm ở một hòn đảo có tên Robben nằm ngoài khơi thành phố Cape Town mà tôi đang đến. Tuyệt vời, bởi trên tàu được gặp vài CĐV Argentina cũng trên đường xuống Cape Town để chứng kiến đội bóng của Maradona chiến đấu ở gần Mũi Hảo vọng để tin rằng chiếc Cúp vàng thế giới không phải là một ảo vọng. Thú vị hơn nữa khi được nói chuyện với những người bạn mới quen về World Cup trên quê hương họ. Sbulelo bảo, anh tự hào vì có một World Cup ở trên đất nước mình và sung sướng khi được gặp các phóng viên đến Nam Phi viết về giải đấu và quê hương anh.

Những chuyến đi dài đằng đẵng trên đường sắt từng một thời là sản phẩm của thời apartheid, khi chỉ có những người da đen đi trên những chuyến tàu hạng bét, trong khi những người giàu mới có tiền để đi máy bay. Bây giờ vẫn thế, trừ việc sau khi chế độ apartheid sụp đổ, không còn nữa những toa dành riêng cho người da trắng. Những con tàu vẫn chia nửa Nam Phi. Chỉ có người du lịch giàu mới đủ tiền đi những chuyến xuyên lãnh thổ đến Cape Town trên các toa hạng sang, trong khi người da đen nghèo cũng vẫn ngồi chật cứng những toa tàu hạng ba. Giao thông công cộng hầu như chỉ tồn tại với người da đen. Người da trắng không đi taxi, không đi xe bus mà đi xe của riêng họ. Chỉ có người da đen ngồi trên những chiếc xe chở khách nhỏ và bụi bặm mà họ gọi là taxi. Nhiều lái xe taxi da đen cao tuổi bây giờ thậm chí vẫn lạc đường ở những nơi như Johannesburg, khi họ không nhớ đường vào nhiều khu phố, do ở apartheid, những người da đen bị cấm vào. Nhưng hiện tại, những người da đen không đi trên những con tàu hạng bét một mình. Dân đi bụi như tôi không ngán ngại mệt mỏi và thích phiêu lưu cũng ngồi chung với họ. Không phải tôi không vội vàng đến Cape Town, mà muốn tận dụng hơn 20 tiếng ngồi tàu đến ê lưng ấy để ngắm Nam Phi qua khung cửa sổ. Với giá hơn 30 USD, thật khó kiếm đâu ra trên thế giới này chi phí rẻ đến vậy cho một chuyến đi lãng mạn và đầy phiêu lưu, khi thực đơn của hành khách là cảnh vật đẹp bất tận ở ngoài khuôn cửa sổ, một buổi hoàng hôn với mặt trời đỏ ối phía chân trời, là một vùng bán sa mạc có tên Karoo trải dài trên 1/3 diện tích Nam Phi và một vùng rượu bát ngát sản sinh ra một vài loại vang ngon hàng đầu thế giới.


Sbulelo hát cho tôi nghe bài hát về Shosholoza của Johnny Clegg, có biệt danh zulu người da trắng. Clegg hát bằng tiếng zulu. “Con tàu Shosholoza lên núi cao, vượt qua vực sâu và đèo thẳm, đến những vùng đất xa xôi”. Tôi không biết điều gì đang chờ tôi phía trước, khi tàu dừng bánh, nhưng cái cảm xúc được sống một ngày đêm trên con tàu bình dân chạy trên con đường chia nửa Nam Phi trong quá khứ và hiện tại rất mạnh mẽ, như tiếng hát của Sbulelo. Sẽ ê ẩm một chút vì lát nữa phải ngủ ngồi và trời sẽ lạnh khi đêm xuống, nhưng vui vẻ và thấy lòng thanh thản, trên con tàu thỉnh thoảng xộc mùi khói máy, mùi mồ hôi của hành khách và cả mùi khai đến ám ảnh của cái toilet.




Anh Ngọc (trên chuyến tàu “chợ” từ Johannesburg đi Cape Town)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm