Vụ khủng bố Boston: Chechnya lọt vào tâm điểm chú ý

23/04/2013 07:17 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Vụ khủng bố Boston vừa diễn ra đã khiến thế giới ngạc nhiên bởi 2 nghi phạm khủng bố có gốc tới từ Chechnya và nhiều khả năng đã chịu ảnh hưởng từ các tư tưởng cực đoan của nơi này. Vấn đề nằm ở chỗ tại sao lại là Chechnya, một vùng đất vốn có những lợi ích ít liên quan tới Mỹ.

Khi Dzhokhar Tsarnaev (một trong 2 nghi phạm đánh bom Boston còn sống) chào đời vào năm 1993, một nhân vật có cùng tên với hắn ta là Dzhokhar Dudayev đang chuẩn bị lãnh đạo các phiến quân Chechnya tổ chức các cuộc chiến lớn chống lại người Nga.

Sóng ngầm cực đoan ở Chechnya

Trước đó, vào năm 1991, ngay khi Liên Xô mới sụp đổ, Dudayev đã tuyên bố độc lập ở Chechnya và đã mường tượng ra việc ông ta ly khai vùng đất này thành công khỏi Nga và biến nó thành một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, Dudayev đã bị quân Nga dùng tên lửa tiêu diệt vào năm 1996 và nỗ lực ly khai của các phiến quân đã dẫn tới cuộc chiến Chechnya tàn khốc.

Chiến tranh đã khiến vô số các tay súng Hồi giáo kéo tới Chechnya và nơi này vô tình trở thành một thỏi nam châm thu hút những kẻ cực đoan, muốn đánh bại không chỉ nước Nga mà cả phương Tây. Trong tâm trí của những kẻ cực đoan Chechnya, Nga và Mỹ là các đồng minh trong một chiến dịch chung nhằm chống lại Hồi giáo.

Chính quyền Obama dường như đã làm gia  tăng sự thù địch khi liệt thủ lĩnh phiến quân Chechnya Doku Umarov là "khủng bố". Nhân vật này chính là kẻ đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức các vụ đánh bom tự sát hệ thống tàu điện ngầm Moskva làm 40 người chết hồi năm 2009.

Hai kẻ khủng bố Boston là Tamerlan (trái) và Dzhokhar có gốc Chechnya, nhưng hoạt động khủng bố của chúng bị nhiều chuyên gia xem là không có liên quan tới phong trào ly khai ở vùng đất này.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khôi phục quyền kiểm soát của Kremlin ở Chechnya. Mặc dù bị suy yếu mạnh, hoạt động phiến loạn vẫn tiếp tục diễn ra. Tới năm 2007, một sự dịch chuyển quyền lực đã diễn ra khi cái gọi là Caucasus Emirate (Tiểu vương quốc Caucasus) được thành lập.

Mục tiêu của tổ chức mới là đoàn kết các nhóm phiến loạn khác nhau, điều chỉnh lại phong trào đấu tranh ly khai để nó không còn bó hẹp trong phạm vi Chechnya mà mở rộng ra khu vực Caucasus, liên quan tới cả phong trào đấu tranh của Hồi giáo toàn cầu.

Sự ra đời của Caucasus Emirate có dẫn tới việc tăng vọt số các vụ tấn công khủng bố ở Ingushetia, Chechnya và sau đó là tại Dagestan. Các vụ tấn công do các nhóm phiến quân liên quan tới Caucasus Emirate thường nhắm tới các mục tiêu là người Nga và chính quyền liên bang Nga.

Tuy nhiên nhiều đoạn video có cảnh các nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công các mục tiêu phương Tây, đã được các đăng tải lại trên các mạng xã hội ở Chechnya. Đổi lại, các thông điệp ủng hộ hoạt động của những nhóm chiến binh liên quan tới Caucasus Emirate, cũng xuất hiện trên các trang web quen thuộc của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Việc này khiến cho phong trào ly khai ở miền Nam Nga bộc lộ xu hướng có sự liên quan của các lực lượng xuyên quốc gia.

Trong năm 2009 và đầu năm 2010, Ingushetia trở thành điểm nóng của hoạt động ly khai. Ở giai đoạn này, nhà chức trách Nga đã bắt và giết được nhiều thành viên Caucasus Emirate hoạt động tại Ingushetia.

Song nhiều lực lượng khác đã xuất hiện và mang theo nó các tư tưởng chống phương Tây rõ rệt hơn. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Liên minh Thánh chiến Hồi giáo (IJU), một nhóm tách ra từ Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, vốn đã đứng chung hàng ngũ với Taliban.

IJU là một mạng lưới kết nối lỏng lẻo các phong trào Hồi giáo hoạt động bí mật nằm dọc trên khu vực Trung Á và có quan hệ gần gũi hơn với lực lượng khủng bố Al Qaeda. Một số thành viên của IJU đã bị bắt tại nhiều nước châu Âu và cả tại Afghanistan, nơi chúng đã tham gia các hoạt động tấn công khủng bố.

Ra tay vì mục tiêu xuyên quốc gia?

Hiện nay thông tin về hai nghi phạm trong vụ đánh bom Boston vẫn chưa xuất hiện đủ nhiều để khẳng định chúng liên quan tới các nhóm phiến loạn Chechnya. Các chuyên gia nói rằng các vụ đánh bom như anh em Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev thực hiện có thể xem là tấn công liều chết. Thông thường, 90% các vụ tấn công như thế này có động cơ bởi phong trào chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là tại những nơi bị nước ngoài chiếm đóng. Ví dụ như các tay súng Taliban đã tìm cách đánh đuổi lính Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Thế nhưng dù anh em là Tsarnaev có gốc Chechnya, hiện có ít lý do để cho thấy vụ đánh bom do chúng thực hiện có liên quan tới vùng đất này. Ví dụ như không có chứng cứ cho thấy chúng có các hành động ủng hộ phong trào ly khai ở Chechnya, ngoài việc Tamerlan dẫn một vài đoạn video liên quan tới Chechnya lên trang YouTube của hắn ta. Bản thân các phong trào ly khai Chechnya cũng bác bỏ sự liên quan tới vụ khủng bố Boston.

Thay vì thế, hoạt động của hai anh em nhà Tsarnaev bộc lộ nhiều dấu hiệu về việc đã tự cực đoan hóa bản thân, thù ghét nước Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung. Các chuyên gia nói rằng sự thù ghét nước Mỹ của chúng có thể hình thành từ cảm giác tức giận trước suy nghĩ rằng những người anh em Hồi giáo ở Afghanistan và Iraq đang bị quân đội phương Tây chiếm đóng đối xử bất công.

Về mặt này, những kẻ đánh bom Boston khá giống những kẻ đánh bom tự sát ở London hồi năm 2005. Một trong những kẻ tham gia đánh bom là Mohammad  Khan đã để lại một thông điệp nói rõ động cơ tấn công của cả nhóm: "Chính quyền dân bầu của các người đã liên tục kéo dài hoạt động diệt chủng chống lại người dân của ta trên khắp thế giới. Và sự ủng hộ của các người khiến các người có trách nhiệm trực tiếp, cũng như ta có trách nhiệm trực tiếp trong việc bảo vệ và báo thù cho những người anh em chị em Hồi giáo... Chúng ta đang trong một cuộc chiến và ta là một chiến binh".

Tay khủng bố Shehzad Tanweer thì nói: "Những gì các người vừa chứng kiến chỉ là điểm bắt đầu của hàng loạt vụ tấn công, sẽ tăng lên và kéo dài cho tới khi các người rút hết quân khỏi Afghanistan và Iraq…Các người sẽ không bao giờ có hòa bình cho tới khi con cái của chúng ta ở Palestine, các bà mẹ và chị của chúng ta ở Kashmir, các anh em của chúng ta ở Afghanistan và Iraq, cảm thấy được hòa bình".

Tóm lại, các tay đánh bom Boston được cho là có những đặc điểm rất giống những kẻ đánh bom London. Đó là những tên khủng bố nội địa và ra tay vì mục tiêu xuyên quốc gia. Gốc gác Chechnya của chúng sẽ khó có thể là một cơ sở để đổ trách nhiệm cho vụ khủng bố.

Nghi phạm đánh bom Boston không thể nói

Dzhokhar Tsarnaev, nghi phạm còn sống sau vụ đánh bom Boston làm 3 người chết vào ít nhất 176 người bị thương, đã tỉnh trong bệnh viện và dù không thể nói nhưng đã giao tiếp với nhà chức trách thông qua viết chữ. Cục điều tra liên bang Mỹ đang chuẩn bị để thẩm vấn nhân vật này.

Tsarnaev đã được bảo vệ chặt chẽ tại Trung tâm Y tế Trợ tế Beth Israel ở Boston và vẫn còn trong tình trạng nguy kịch với nhiều vết thương trên người, gồm một vết đạn bắn trúng cổ. Các nhà điều tra tin rằng vết thương này, xuất hiện sau khi tự sát bất thành, đã khiến nghi phạm 19 tuổi vĩnh viễn mất khả năng nói.


Tường Linh (Theo MSNBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm