29/06/2011 11:02 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Đời sống khó khăn, nhà ở tạm bợ, lương công nhân không đủ chi phí sinh hoạt trong khi lạm phát tăng cao khiến số vụ đình công, ngừng việc tập thể gia tăng. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) lần thứ 16 khai mạc hôm qua 28/6, tại Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐVN, tình hình việc làm những tháng đầu năm 2011 có nhiều biến động. Trước những tác động của lạm phát, nhiều doanh nghiệp không có khả năng mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển lao động giảm so với thời điểm năm 2010, nhất là lao động phổ thông. Hầu hết các doanh nghiệp thời điểm hiện nay chỉ tập trung tuyển lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật cao như ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Đặc biệt, nhiều công nhân, lao động trong ngành xây dựng, giao thông không có việc làm do các dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ vì giá nguyên vật liệu và lãi suất ngân hàng tăng cao.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại hội nghị
Nhiều lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hòa Bình, cùng với việc giảm việc làm mới thì tình trạng thất nghiệp cũng tăng cao. Đã có hàng ngàn công nhân, lao động đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động do điều kiện lao động khó khăn, thu nhập quá thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình, thời gian làm việc căng thẳng, giá cả tiêu dùng liên tục tăng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tiếp tục xảy ra ở nhiều ngành, địa phương. Mặc dù mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã được tăng song thực tế, vẫn còn quá thấp không đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm. Trong khi đó, các cơ quan bảo hiểm xã hội hiện chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện các đơn vị vi phạm, chưa có chức năng thanh tra, xử phạt.
Hiện nay, ở nhiều địa phương đã xuất hiện một hiện tượng mới, là tình trạng thất nghiệp “ảo”. Mặc dù đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng thực tế người lao động vẫn đang làm việc tại doanh nghiệp khác, nhưng không khai báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, sau đó ít tháng lại quay trở lại doanh nghiệp cũ để làm việc.
Đời sống người lao động còn nhiều kho khăn do giá cả gia tăng. Ảnh có tính chất minh họa
Đời sống bấp bênh
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng cho rằng, một trong những vấn đề bức xúc nhất của công nhân là tiền lương dù được tăng theo lộ trình của Chính phủ, nhưng do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên giá trị tiền lương thực tế giảm. Điều đó dẫn đến đời sống của người lao động rất khó khăn, nhất là công nhân, lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mức lương thấp tập trung chủ yếu ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều lao động như da giày, chế biến thực phẩm, dệt may...
Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Các khu nhà ở tập trung được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp vẫn còn thấp. Trong số 1,6 triệu lao động trực tiếp tại hơn 170 khu công nghiệp, có tới 51,6% phải tự thuê nhà trọ với chất lượng rất tạm bợ. Hầu hết phòng trọ rất chật hẹp, từ 2 - 3m2/người, không đảm bảo điều kiện tối thiểu về vệ sinh, môi trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết tháng 6, cả nước xảy ra gần 450 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tại 23 tỉnh, thành phố, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Các vụ đình công tập trung chủ yếu tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM xuất hiện tình trạng một số đối tượng kích động công nhân đình công. Thậm chí có đối tượng ngăn cản không cho công nhân vào làm việc khi doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu của công nhân nhằm “tống tiền” doanh nghiệp và người lao động.
Trước thực trạng trên, Đoàn chủ tịch yêu cầu công đoàn các cấp tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời sắp tới, Công đoàn các cấp sẽ chú trọng hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyễn Phương Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất