31/10/2019 11:25 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn từ những vụ việc vừa xảy ra tại Hà Giang, người ta có thể thấy một vấn đề nổi cộm của du lịch Việt Nam: Khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách nóng vội và thiếu hiệu quả, cả ở góc độ kinh tế cũng như tính bền vững về lâu dài. Cách tư duy này cần được thay đổi thế nào?
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Trung Lương (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) về vấn đề này.
PGS-TS Phạm Trung Lương cho biết:
- Hà Giang là nơi có cảnh quan đẹp và cần khai thác để phục vụ du lịch. Nhưng đó chỉ là điểm xuất phát đầu tiên. Bài toán cơ bản sau đó là câu hỏi: Tài nguyên này nên hướng tới phục vụ đối tượng nào - và từ đó, sẽ phải đầu tư để tạo ra những sản phẩm nào?
Với cách tiếp cận như vừa qua, rõ ràng Hà Giang vẫn chỉ nghĩ việc phục vụ lượng khách đại trà. Thẳng thắn thì nhiều địa phương có tài nguyên du lịch cũng đang chọn cách làm này: Không xác định thị trường phù hợp với tài nguyên, không tính toán chuyện được - mất khi khai thác du lịch. Chỉ nói ở góc độ kinh tế, cách làm chạy theo số lượng như vậy là vô cùng lãng phí, bởi nó chỉ hợp với những tài nguyên mang tầm địa phương, không có giá trị vượt trội. Xa hơn, đó là chuyện thiếu bền vững trong việc khai thác.
* Vậy theo ông, khu vực cao nguyên đá Đồng Văn nên được khai thác thế nào?
- Đây là loại tài nguyên du lịch gắn với cảnh quan và địa chất, lại từng được UNESCO công nhận. Quần thể này xứng đáng được đầu tư để hướng tới lượng khách du lịch ở tầm trung hoặc cao cấp, có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Đặc biệt, lượng khách này thường không đông, nên không tạo ra quá nhiều áp lực với các tài nguyên thiên nhiên. Tất nhiên, để làm vậy cần những giải pháp trong cách đầu tư, cung ứng dịch vụ - và đặc biệt là bảo tồn cảnh quan thiên nhiên một cách tối đa.
Để so sánh, tôi tạm lấy ví dụ về trường hợp của bán đảo Sơn Trà. Vài năm trước, để bảo vệ cảnh quan và hệ sinh vật tại đây, chúng ta từng phản ứng rất gay gắt về kế hoạch xây thêm các cơ sở lưu trú. Điều ấy đúng, nếu người ta định ồ ạt xây những tòa nhà cao tầng như ở Mã Pì Lèng. Nhưng, nếu chỉ chọn một số ít vị trí phù hợp, thiết kế những resort thấp tầng hạng sang, thân thiện với thiên nhiên và cảnh quan... thì vẫn nên cân nhắc. Thực tế, khu resort InterContinental Sun Peninsula đã được xây dựng tại Sơn Trà theo hướng này và vô cùng nổi tiếng trên thế giới.
Nhìn chung, cùng một vùng tài nguyên du lịch, chúng ta cần lựa chọn để quy hoạch khai thác, sao cho không tạo ra những xung đột từ các phân khúc khách hàng khác nhau.
* Ông có thể phân tích rõ hơn về cách “phân loại” tài nguyên theo hướng này?
- Việc phân loại tài nguyên du lịch và lựa chọn phân khúc để khai thác không thể đến từ ý muốn chủ quan. Đó là cả một khoa học và phụ thuộc nhiều yếu tố - trong đó có độ “nhạy cảm” của tài nguyên. Ở đó, trên các số liệu hiện có, chúng ta phải trả lời được tài nguyên ấy nên được khai thác tới mức nào, với quy mô nào là vừa đủ.
Chẳng hạn, trong xu hướng du lịch bây giờ, việc được tận mắt thấy các loài động vật hoang dã luôn rất hấp dẫn du khách. Vậy nhưng những loại động vật quý hiếm và đặc hữu ấy nhạy cảm tới đâu với sự tập trung của con người thì lại phải tính. Nếu đông quá, chúng sợ và di chuyển sang khu vực khác - cho dù đang ở nơi cung cấp thức ăn tốt - thì không ổn. Hoặc nếu vào mùa sinh đẻ của động vật hoang dã, anh cứ cho khách vào thăm ồ ạt thì cũng không nên.
Thậm chí, những bãi biển, hang động, núi đá cũng không phải là những tài nguyên vô tri vô giác. Ở mức độ khai thác nhất định, những tài nguyên ấy có thể được bảo tồn - nhưng nếu nhiều hơn, những rác thải, bài tiết sinh thái, khói xăng xe.. cũng có thể gây tổn hại.
Điển hình, tôi muốn nhắc tới một ví dụ nữa về du lịch biển tại Hải Phòng. Như biển Đồ Sơn chẳng hạn, địa phương có thể thu hút du khách tới đây càng đông, càng xôm tụ thì càng tốt. Nhưng đảo Cát Bà thì lại khác. Đó là nơi có loài voọc Cát Bà đặc biệt quý hiếm và nên được phát triển thành một hòn đảo xanh, thân thiện với môi trường và dành cho phân khúc cao hơn...
* Chúng ta vẫn thường giải thích sự yếu kém trong khai thác tài nguyên du lịch bằng việc thiếu quy hoạch…
- Không hẳn vậy. Bởi thực tế, đội ngũ các chuyên gia tư vấn cũng đã khá nhiều lần đóng góp các ý kiến của mình, nhưng việc thực thi những khuyến nghị hoặc quy hoạch đó lại thuộc về mỗi địa phương.
Phú Quốc là một ví dụ. Chúng ta vẫn đang nói với việc quy hoạch hòn đảo này thành một điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng chất lượng cao. Nhưng, cách mà quỹ đất ở đây đang bị băm nát lại cho thấy việc thiếu tôn trọng những công sức và tâm huyết đã bỏ ra để lập quy hoạch du lịch cho nơi này – mà tôi là một trong những người tham gia. Nhiều năm trước, khi lập quy hoạch, tôi đã khảo sát và phân loại các tài nguyên để hướng tới 3 dạng khách cao cấp, trung cấp và đại trà, từ đó đưa ra những đề xuất cung ứng dịch vụ một cách hợp lý. Còn bây giờ, gần như chỗ bờ biển nào còn “hở” là nhà đầu tư cũng có thể bước vào.
Hoặc Nha Trang là một ví dụ khác. Là 1 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, lại “ôm” trong mình Hòn Mun - khu bảo tồn biển đầu tiên tại Việt Nam - và có một đô thị từ thời Pháp, Nha Trang hoàn toàn có thể hướng tới phân khúc cao cấp. Chúng tôi đã nhiều lần khuyến nghị địa phương nên chú ý tới điều này, nhưng không được nghe theo. Để rồi bây giờ, thực tế là khách Tây Âu tới Nha Trang đang giảm khá mạnh - trong khi về bản chất họ là lượng khách có mức chi tiêu lớn, lưu trú lâu, và khá văn minh khi du lịch.
* Vậy, phải chăng vấn đề nằm ở xu hướng phát triển du lịch quá ồ ạt và thiếu tập trung trong những năm qua của chúng ta?
- Tôi nghĩ, đó là lý do chính. Khi mà địa phương nào cũng mong muốn phát triển du lịch, mong muốn thu hút các doanh nghiệp lớn tới đầu tư. Đó là một mong muốn chính đáng, nhưng khó thực thi hiệu quả, khi nguồn lực đầu tư vào du lịch của chúng ta không thể là chuyện một sớm một ngày. Và, khi đã có quá nhiều điểm du lịch được mở ra như thế, việc lựa chọn nhà đầu tư xứng tầm không còn ý nghĩa. Bởi vậy, ở rất nhiều địa phương đã có chuyện thỏa hiệp, chiều đãi doanh nghiệp.
Ở góc độ nghề nghiệp, tôi rất mong có những lãnh đạo địa phương đủ sức nói chữ “không” với doanh nghiệp đưa ra những đề xuất không hợp lý, để từ đó giữ gìn tài nguyên du lịch cho tương lai. Nhưng trong bối cảnh du lịch đang được nhìn như một giải pháp để xóa đói giảm nghèo, chúng ta có làm được điều đó không?
* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất