21/09/2015 13:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Bại não”, “thiểu năng” là những từ nhiều người dùng để mạt sát những người họ cho là ngu ngốc. Chưa chắc họ biết thế nào là “bại não” thực sự, chẳng hạn, như Lư Tô Vỹ, một đứa trẻ Đài Loan có IQ 70 về sau trở thành người thành đạt.
Lư Tô Vỹ sinh năm 1960, năm 8 tuổi bị viêm não Nhật Bản dẫn đến bại não. Chỉ số IQ của ông tụt xuống 70, mức “kém phát triển trí tuệ dạng nhẹ” và cần sự trợ giúp trong cuộc sống. Sau này, Lưu Tô Vỹ viết về cuộc đời của mình trong cuốn tự truyện đầy nhân văn Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác.
Viết được sách có nghĩa Lư Tô Vỹ không còn là người kém phát triển trí tuệ nữa. Chẳng có phép mầu nào làm nên thay đổi đó, lý do đơn giản gói gọn trong chữ “nhân văn”.
Thông thường, những người thiểu năng trí tuệ không chỉ vấp phải sự kỳ thị từ xã hội, họ còn bị kỳ thị từ chính cha mẹ mình. Đau đớn, nhưng là sự thực: không ít bậc cha mẹ có con thiểu năng coi đó là sự thất bại của cuộc đời, một nỗi hổ thẹn.
Cha mẹ Lư Tô Vỹ thì không. Cách hành xử nhân văn của họ đã cứu cuộc đời đứa trẻ, và lớn lên, Lư Tô Vỹ viết cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác để thức tỉnh nhiều bậc cha mẹ khác.
“Mục tiêu lớn nhất của giáo dục là tạo ra con người nhân văn” (Giáo sư Ngô Bảo Châu). Nếu giáo dục chỉ vì mục tiêu phục vụ thị trường lao động hay đạt được các thành tích cụ thể, thì những đứa trẻ bại não như Lưu Tô Vỹ sẽ vĩnh viễn bị đẩy ra rìa xã hội, trở thành đối tượng của những hoạt động từ thiện vì lòng thương hại. May mắn của Lư Tô Vỹ là cha mẹ ông đã không từ bỏ.
Họ ngợi khen khi con được điểm 0 (“Vỹ nhà mình cũng có điểm này, điểm khác với các bạn nhưng đều là điểm tốt”), và thưởng đùi gà cho điểm 1 đầu tiên của con trai. Bởi, với những đứa trẻ khác, điểm 9 có thể là thất bại, nhưng với một đứa trẻ bại não, bắt đầu học lại từ con số 0 thì điểm 1 là thành công. Nếu đứa trẻ không có bước tiến đầu tiên, nó mãi mãi không thể tiến lên, hoặc là lùi xuống.
“Không có lý do gì chúng ta không tự hào về những nỗ lực lương thiện cho dù kết quả không cao” (cũng Giáo sư Ngô Bảo Châu). Triết lý giáo dục nhân văn rất đáng để theo đuổi. Nếu như nó tạo ra cho xã hội những con người có ích thay vì gánh nặng, tại sao không?
Và thực ra, thế giới cũng qua rồi cái thời tất cả quay cuồng quanh chỉ số IQ. Qua rồi cái thời mọi thành công, thất bại đời người đều được lý giải bằng IQ cao thấp. Bởi suy cho cùng, biết phân tích logic không phải là kỹ năng cần thiết duy nhất để sống giữa người và người.
Lớn lên, Lư Tô Vỹ trở thành chuyên gia về khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn ở con người ở Đài Loan. Ông viết 50 đầu sách, trong đó Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác đã in và tái bản 60 lần.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất