03/08/2011 11:13 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - Cuộc “khủng hoảng” về điểm Sử của kỳ thi ĐH năm nay đã mở rộng mối quan tâm trong dư luận khắp cả nước. Lo lắng nhất có lẽ là những người chuyên dạy sử và chuyên học Sử. Phóng viên TT&VH đã về Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), ngôi trường có tiếng về chuyên môn vững chắc ở hầu hết các tổ bộ môn của tỉnh Hải Dương, trong đó có bộ môn Lịch sử.
Tính đến năm học 2010-2011 số học sinh đoạt giải quốc gia môn Lịch sử của trường đã lên tới 70 em. Trong đó có 4 giải Nhất, 16 giải Nhì, 36 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Mới nhất trong đợt thi học sinh giỏi quốc gia 2011, các học sinh chuyên sử của trường đoạt 8 giải trong đó có 2 giải Nhất.
Điểm thấp là do ý thức thấp
Chúng tôi tìm đến lớp 10 Sử khi cô Nguyễn Thị Loan, một “chuyên gia” của trường trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử đang đứng lớp. Lớp Sử mà chúng tôi “dự giờ”, các em học theo ca (4 tiếng/ca). Đến trường rất sớm nhưng chúng tôi phải đợi đến hơn 11h, sau khi tan học, mới có thể gặp và trò chuyện với cô Loan và học sinh lớp 10 Sử.
Xin phép cô Loan, chúng tôi hỏi cả lớp một “câu hỏi lớn”: “Các em nghĩ gì khi điểm Sử của các anh chị trong kỳ thi ĐH năm nay rất thấp?”. Mặc dù mới chỉ là lớp 10 nhưng cả lớp hơn 30 em gần như lặng đi. Cái lặng đi dù chỉ trong giây lát đó thể hiện một thái độ, biểu thị ít nhiều lo lắng cho chính tương lai của các em, cho môn Sử mà các em đang theo đuổi.
Cô Nguyễn Thị Loan và hai học sinh đoạt giải Nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi
quốc gia 2011, hai em đều đã đậu ĐH với 8 điểm môn Lịch sử
Em Nguyễn Thị Ngọc Vân bày tỏ: “Em thấy lo lắng sao điểm Sử của các anh chị lại thấp như vậy? Trong khi đó, với cách dạy Sử rất gần gũi, sống động như các thầy cô ở đây dạy cho em, em càng thấy học Sử rất dễ, rất vào và càng yêu thích môn Sử hơn”.
Em Vũ Minh Hằng chia sẻ: “Lịch sử là môn học dài, và như có người đã nói có phần khô khan, cần phải có thời gian và sự kiên trì và chăm chỉ. Bị điểm kém, theo em là do họ không tự tìm hứng thú cho mình với môn Lịch sử, và cơ bản là họ không yêu Sử”.
Còn Phạm Thành Dương thì “rùng mình”: “Mấy ngày qua cứ nghĩ đến điểm Sử của các anh chị mà em đọc được, em lại thấy sợ. Sợ sau này mình đi thi không biết đề thi có khó không, làm bài có được không, mặc dù em rất thích và học cũng ổn môn Sử”.
Mất cơ bản mới có chuyện hàng ngàn điểm 0
Với tư cách là một người trong nghề dạy Sử, cô Loan cho biết cô rất sốc với kết quả điểm Sử ĐH năm nay, dù cô rất tự hào vì 28 học sinh lớp Sử do cô phụ trách năm nay 100% đều đỗ ĐH, phổ điểm của các em đạt từ 7-8 điểm, thậm chí có em được 9, tổng điểm 3 môn khối C các em đạt từ 21-26 điểm.
Lý giải nguyên nhân điểm sử thấp, cô Nguyễn Thị Loan cho rằng không nên đổ lỗi cho đề thi khó, càng không phải lỗi của người dạy vì đó “chưa phải là nhân tố quyết định”.
Theo cô Loan: “Cả cách dạy và học hiện nay hẳn còn có vấn đề thì kết quả mới kém, mới đau buồn đến như thế. Cá nhân tôi đánh giá đề thi năm nay có khả năng phân hóa rất tốt. Đề chỉ xoay quanh vấn đề cũ và lặp lại cách hỏi về những sự kiện lịch sử tương tự như cách đây 3 năm đã ra. Với những em không học thì sẽ bị điểm 0 ngay từ đầu. Nhưng nếu đã học và chỉ cần học những kiến thức cơ bản thì sẽ không có chuyện có hàng ngàn điểm 0 như báo chí đã đưa tin.
Nếu học sinh không có, không trang bị được cái “cốt kiến thức cơ bản”, không biết cách “nhận diện” đề thi thì sẽ không làm được bài. Đó là chưa kể nhiều em đến những ngày áp chót rồi mới xác định thi khối C thì lấy đâu ra kiến thức để làm bài?”.
Về phương pháp dạy Sử, cô Loan cho biết: “Mỗi năm trường tôi tổ chức 5 kỳ thi năng khiếu môn Lịch sử. Với học sinh lớp 11- 12, chúng tôi sẽ tổ chức 3 kỳ thi thử ĐH (cả 3 môn Văn, Sử, Địa). Mấy năm trở lại đây, hàng tháng chúng tôi đều tổ chức “thi thử” ĐH, qua đó kiểm tra kiến thức cơ bản của các em xem kỹ năng phân tích đề của các em “thủng” chỗ nào sẽ “vá” lại chỗ đó. Bởi lẽ, nếu không có kỹ năng phân tích đề tốt thì cũng khó kiếm điểm tốt!”.
Cô Loan cũng khá trăn trở vì sao học sinh học theo ca (4h/ca) vì chương trình Sử khá nặng, nếu học 45 phút/1 tiết học thì rất khó có hiệu quả: “Đã có lần chúng tôi sưu tầm phim lịch sử để chiếu minh họa cho bài giảng, nhưng khi chiếu sẽ phải dừng giảng, dù cách kết hợp đó vô cùng hiệu quả, nhưng thời gian không cho phép nên trường buộc phải quay về cách giảng Sử theo lối truyền thống”.
Đó chưa phải là nỗi trăn trở duy nhất của cô giáo chuyên Sử, cô Loan thổ lộ: “Để vực dậy đam mê Lịch sử cho giới trẻ, nếu chỉ trông cậy vào giáo viên thôi là không đủ. Truyền thông là một cánh tay nối dài nhưng lại làm chưa tốt về vấn đề truyền Sử cho các em. Khi xem ti vi chiếu phim về Lý Công Uẩn, thú thực tôi chỉ nghe tiếng, còn nếu xem hình thì tôi nói thật không có bản sắc lịch sử gì cả. Trong khi nhiều em vanh vách về Sử của nước khác vì nó bị ngấm qua phim ảnh, mạng Internet và vô số luồng thông tin khác”.
Phạm Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất