Không chọi trâu thì tổ chức 'Hội thi trâu khỏe có đối kháng'

24/02/2017 13:50 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là chia sẻ của đại diện Sở VH, TT&DL tỉnh Tuyên Quang xung quanh việc tỉnh này vừa bị thanh tra Bộ VHTT&DL phạt 7,5 triệu đồng về việc tổ chức lễ hội chọi trâu không phép ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu năm 2017 diễn ra sáng nay (24/2) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã nghe báo cáo sơ kết của Cục Văn hóa cơ sở, nghe ý kiến phát biểu của các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện các Sở VH, TT&DL các tỉnh thành.

Theo báo cáo tổng kết của Cục Văn hóa cơ sở, đầu xuân Đinh Dậu, Bộ VH, TT&DL đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra, thanh tra bộ lập 6 đoàn kiểm tra tại 14 tỉnh thành với 41 điểm di tích có tổ chức lễ hội. Nhìn chung, hoạt động lễ hội đầu xuân Đinh Dậu diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, đáp ứng như cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, những hạn chế từ những năm trước đến nay đã cơ bản được khắc phục.

Nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội), lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), Lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội đền Trần Thương (Hà Nam), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)… đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.


Khai ấn nhầm ấn bút không phép ở Quảng Ninh

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành nghi lễ; hội Phết Điền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, giới hạn khu vực chơi; hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu; lễ hội Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu, 90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang (Quảng Nam) bỏ tục đâm trâu, lễ hội đền Trần (Thái Bình) không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước.

Tuy nhiên, còn một số địa phương buông lỏng công tác quản lý trên địa bàn, vi phạm các quy định về quản lý lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn (Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang) và ở huyện Lục Yên (Yên Bái); tổ chức khai ấn, phát ấn tại hội xuân Đinh Dậu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung (Nghệ An); vẫn còn để ra nhưng hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội), phát lộc, cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội), tranh cướp bạo lực tại hội Phết (Hiền Quang, Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại Hội Lim (Bắc Ninh)…


Cảnh tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội)

Báo cáo về việc thanh tra bộ yêu cầu dừng chọi trâu ở Yên Sơn (Tuyên Quang), nhưng tỉnh này vẫn tiếp tục tổ chức, đại diện Sở VH, TT&DL tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Dừng lễ hội là không thể vì tâm lý đám đông bị ảnh hưởng, đại biểu phải làm gương cho dân. Lãnh đạo bảo dân tổ chức chọi trâu là bạo lực, nhưng thi đấu quyền Anh đấm nhau be bét trên truyền hình thì có phải bạo lực không?”

Đại diện Sở VH TT&DL tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng đã cấm chọi trâu thì phải cấm toàn quốc. Đã cấm thì phải cấm triệt để, chỗ này cấm chỗ kia lại được phép, chúng tôi không biết giải thích với bà con ra sao? Hai con trâu chọi nhau về bản chất vẫn như thế, có chỗ chọi trâu được vinh danh, có chỗ lại không được phép. Chỗ cấm chỗ không sẽ sinh ra hiện tượng không thể kiểm soát được…”.

Tương tự như Tuyên Quang, tỉnh Yên Bái cũng diễn ra lễ hội chọi trâu không phép ở huyện Lục Yên (Yên Bái) và đại diện Sở VH TT&DL tỉnh này cho biết “rất tiếc đã để xảy ra”. Tuy nhiên, tỉnh này đã kịp thời chấp hành nghiêm, không "treo cổ trâu" ở đền Đông Cuông, mà chỉ giết mổ thông thường.


Cảnh lễ hội chọi trâu không phép ở Tuyên Quang

Xung quanh chuyện “chọi trâu” không phép, đại diện sở VHTT&DL Bắc Ninh kiến nghị, tỉnh này từng được “bật đèn xanh” để tổ chức “Hội thi trâu khỏe có đối kháng”, do vậy "việc cấm chọi trâu hay không cấm cần được xem xét nghiêm túc”.

Phát biểu tại hội nghị, GS Đặng Văn Bài cho rằng chọi trâu có truyền thống thì phải giữ, cũng như việ khai ấn ở đền Trần (Nam Định) còn lại việc tự ý tổ chức phát ấn như ở Quảng Ninh, Nghệ An… là phải xử lý, bởi nước ta có đến 8.000 lễ hội lớn nhỏ, nếu không xử lý triệt để, hết hiện tượng tiêu cực này sẽ đến các hiện tượng tiêu cực khác xuất hiện.


Cảnh người dân chen nhau xin ấn ở đền thờ Quang Trung (Nghệ An)

Còn GS Lê Hồng Lý nhấn mạnh: “Những chuyện phản cảm xảy ra thời gian qua cũng như việc phát sinh các lễ hội chọi trâu, phát ấn cần phải được nghiên cứu, giải thích để người dân biết, còn nếu áp đặt cấm đoán, dân sẽ làm chui. Lễ hội với tư cách là truyền thống, nhưng qua thời gian có sự thay đổi là việc hết sức bình thường, nhưng việc nơi này có chọi trâu, khai ấn, nơi kia cũng muốn tổ chức bằng mọi giá thì tôi hết sức phản đối”.

Xung quanh kiến nghị của các tỉnh về việc tổ chức chọi trâu, Bộ trưởng bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sắp tới sẽ tổ chức hội thảo và đưa ra giải pháp chung cho các lễ hội chọi trâu.

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm