9 cầu thủ Ninh Bình bị treo giò vĩnh viễn: 'Lọc máu' bằng... thuốc đắng

29/12/2014 10:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không còn là những vụ việc đơn lẻ vì nếu xâu chuỗi lại toàn bộ scandal bán độ thì rõ ràng đây là thứ "trọng bệnh" kéo dài hủy hoại không chỉ danh tiếng mà cả "sức khỏe" của nền bóng đá quốc gia. Thứ "trọng bệnh" mà để vượt qua cần phải có... liều thuốc đắng!

Bóng đá Việt có tiêu cực từ bao giờ? Có lẽ ít ai trả lời được câu hỏi ấy bởi đơn giản, ít ai còn nhớ (hoặc biết) năm 1981, tức là ngay ở giải vô địch quốc gia thứ hai được tổ chức đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực khiến BTC giải phải 2 lần thay đổi điều lệ. Tiêu cực ngày đó thường được gọi dưới cái tên "com-bin" mà thực chất là chuyện móc ngoặc, chia điểm giữa các đội bóng và dù cũng có không ít án phạt như: Trừ điểm, cấm thi đấu... kể cả không tổ chức thi đấu lên xuống hạng, nhưng tình trạng tiêu cực thì vẫn chẳng hề thuyên giảm bởi nó mang tính hình thức nhiều hơn là tính răn đe thực sự.

Từ án "suốt đời" của của Mùi "cống"...

Tuy nhiên, ở thời kỳ này, bóng đá Việt Nam cũng có 1 quyết định cấm thi đấu suốt đời đình đám. Đó là vụ Liên đoàn "xử" trung vệ thép Chu Văn Mùi, cầu thủ gốc Hải Phòng khoác áo CA.TPHCM với cái tên "tục" - Mùi "cống" với án treo giò vĩnh viễn sau mùa giải 1996.

Trận chung kết mùa giải VĐQG 1996 diễn ra trên sân Cao Lãnh giữa chủ nhà Đồng Tháp - CA.TPHCM không chỉ chìm trong cơn mưa lớn mà còn chìm cả trong bạo lực. Ngay sau tiếng còi chung cuộc, Chu Văn Mùi đã đấm thẳng vào mặt trọng tài chính Nguyễn Tuấn Hùng (nay đã mất) để mở đầu cuộc xô xát "tập thể" trên sân.

Thời bóng đá bao cấp cũng có 1 án treo giò vĩnh viễn khác, đó là của trung vệ Lã Xuân Thắng đội CAHN sau cú "nã lưới nhà" trong trận gặp An Giang tại giải VĐQG trên sân Hàng Đẫy năm 1997. Nhưng cũng giống như Chu Văn Mùi trước đó, Lã Xuân Thắng cũng đã ở thời điểm chia tay với bóng đá đỉnh cao.

Tới những án kỷ luật "ngỏ"

SLNA mua chức vô địch (2001); Nghi án bán độ tại Cup JVC 2003; Bán độ tại Cúp C1 Đông Nam Á 2003; Hàng loạt trọng tài "nhúng chàm”  mùa 2004... đỉnh điểm là đại án bán độ ở SEA Games 23 năm 2005! tiêu cực không còn là "chuyện riêng" của bóng đá thời lên chuyên mà đã trở thành những hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy thì tại sao tình trạng tiêu cực vẫn chẳng hề thuyên giảm, mùa nào cũng có những nghi án và cho tới mùa 2014 vừa qua, còn là 2 vụ bán độ của các cầu thủ Ninh Bình và Đồng Nai bị cơ quan công an điều tra, phát giác? Có quá nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là những quyết định kỷ luật kiểu... để "ngỏ" từ Liên đoàn, tổ chức chuyên môn quyền lực nhất.

Điển hình như vụ trung vệ Như Thành bị treo giò tới 5 năm sau nghi án Cup JVC, nhưng mới thụ án được 1 năm đã... giảm xuống còn 2 năm rưỡi! Hay vụ Lương Trung Tuấn dính bán độ ở Cúp C1 Đông Nam Á bị treo 3 năm, sau đó xuống hai năm rưỡi và cuối cùng chỉ còn một năm rưỡi, nhưng lại được chơi bóng ở... Thái Lan! Ngay cả "đại án SEA Games" sau này nhiều cầu thủ cũng được giảm án để trở lại với bóng đá.

Cần liều thuốc đắng

Tất nhiên, việc mở đường trở lại không chỉ mang tính nhân văn, mà còn giúp cầu thủ sống được bằng cái nghề của mình. Thế nhưng, nếu những án phạt vẫn không đủ tính răn đe, cảnh báo thì bóng đá Việt Nam vẫn không thể thoát nổi vấn nạn đáng quan ngại này.

Vì thế, việc VFF cấm thi đấu vĩnh viễn với 9 cầu thủ Ninh Bình, có thể là "nặng tay" dưới góc độ con người, nhưng là "liều thuốc đắng" cần thiết để "lọc máu" nhằm trị cơn "trọng bệnh". Sự ủng hộ ngay của dân trong nghề, hay đông đảo người hâm mộ với quyết định mạnh tay này là minh chứng, dù xét cụ thể, có trường hợp có thể là quá nặng.

Còn với 9 cầu thủ "dính án", cái giá phải trả là quá đắt khi thứ họ bán chính là đạo đức nghề nghiệp, bẻ gãy chính cái "cần câu cơm" của mình. Có thể có những người sẽ chia tay với bóng đá để tìm kế sinh nhai, nhưng có thể có người vẫn còn cơ hội trở lại với bóng đá, bởi lẽ mọi con đường vẫn mở, giống như cuộc sống vẫn còn tiếp diễn.

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm