'Phim' vụ thảm sát tại Bình Phước trên YouTube: 'Vi phạm Luật nhân thân'

13/08/2015 07:35 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 12/8, clip có tiêu đề: Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)” đã xóa, khóa hoặc bị chặn trên tất cả các kênh YouTube. Các website đăng tải video khác cũng đồng loạt gỡ nội dung này.

Trước đó, liên tiếp trong các số báo ngày 11 - 12/8, báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có phản ánh và đăng tải ý kiến các chuyên gia, luật gia về clip: “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)” đăng trên kênh YouTube NhacProTube. PV Thể thao & Văn hóa tiếp tục theo dõi sự việc và ghi nhận các ý kiến của giới điện ảnh.

Ai thu lợi khi phát tán “phim” trên mạng?

Theo đó, các chuyên gia nghiên cứu xã hội cho rằng, hành vi sản xuất và đăng tải “phim” trên là: “Câu view vô nhân tính!”. Còn theo quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng), “phim” trên “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Sáng 11/8, ngay khi bài viết đầu tiên được đăng tải, NhacProTube đã để “ẩn” clip. Song nhiều kênh YouTube và các trang mạng khác đã đăng tải lại “phim” này. Và “phim” vẫn được lan truyền trên mạng.


Các kênh YouTube đăng tải lại “phim” về vụ thảm sát Bình Phước đều đã bị chặn

Tuy nhiên, đến chiều 12/8, khi bài viết thứ 2 được đăng tải trên Thể thao & Văn hóa, tất cả các kênh YouTube đều đã xóa, khóa hoặc bị chặn. YouTube giải thích về lý do chặn clip “phim” về vụ thảm sát Bình Phước: “Đoạn video này chứa nội dung từ Mạng METUB (METUB Network), đơn vị này đã chặn nội dung vì lý do vi phạm bản quyền”.

Theo mô tả của METUB Network trên Website của đơn vị này, đây là một mạng lưới  hỗ trợ các nhà sản xuất Video. Đơn vị này cũng giới thiệu trên trang của mình rằng METUB Network là đối tác của YouTube tại Việt Nam.

Đặc biệt, trên trang web của đơn vị này ghi rõ lợi ích khi tham gia mạng lưới, sản xuất clip, phát hành trên YouTube là được bảo hộ bản quyền và được nhận doanh thu.

Thể thao & Văn hóa đã liên hệ với METUB để làm rõ các thông tin: “Phim” có tiêu đề “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)” đăng trên NhacPro Tube có thuộc mạng lưới của METUB không? Việc đăng “phim” trên NhacPro Tube có thỏa thuận thu lợi nhuận không?

Người trực đường dây nóng đơn vị này hẹn sẽ chuyển tới các bộ phận liên quan để xác nhận và trả lời sau.

Cần xử nghiêm kiểu “lách luật” phát tán phim

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ quan điểm: “Vụ thảm sát tại Bình Phước vừa mới xảy ra gần đây, nỗi đau và sự kinh hoàng trong xã hội vẫn còn quá lớn, khai thác làm clip hay “phim” như người ta nói để câu view thì thật vô cảm.

Poster trong clip Vụ thảm sát số 6

Theo tôi, nếu những người làm phim lấy tên nhân vật trong phim trùng với tên hung thủ và nạn nhân trong vụ án Bình Phước, mà không xin phép gia đình nạn nhân sẽ là phạm luật về nhân thân”.

Cũng theo bà Nhã, luật hiện hành quy định, một bộ phim phải được cấp phép thì mới được phát hành. Nhưng cái cách “lách luật” để phát tán phim trên mạng, có view và thu được tiền cũng cần phải bị xử lý nghiêm.

Bà Nhã cũng nêu ví dụ gần đây có một số phim đã khai thác các vụ án có thật, như Mất xác, Scandal - Hào quang trở lại dựa theo vụ án thẩm mỹ Cát Tường. Tuy nhiên các phim này không khai thác chi tiết, trong phim không có những cảnh mô tả cái ác man rợ, không vi phạm Luật Điện ảnh nên đều được duyệt.

“Luật Điện ảnh không cấm những bộ phim khai thác các vụ án có thật. Nhưng Luật có quy định, cấm khai thác những hình ảnh man rợ, bạo lực” - bà Nhã nói thêm.

Phim Việt lấy chất liệu từ các vụ án có thật
Năm ngoái, Mất xác trước khi ra rạp đã quảng cáo rầm rộ là phim dựa theo vụ án thẩm mỹ Cát Tường, khi vụ án này vẫn còn khiến xã hội chưa hết bàng hoàng. Ngoài ra có Scandal - Hào quang trở lại cũng đề cập đến vụ án này.
Tuy nhiên cả hai phim đều không hề dựa quá nhiều vào vụ án,mà chỉ lấy vụ án làm cái tứ. Đơn cử như Scandal kể câu chuyện một nữ nghệ sĩ đi phẫu thẩm mĩ bị đột tử, đã bị bác sĩ thủ tiêu xác.
Năm ngoái, còn có phim Hương Ga, với nhân vật chính Hương Ga được xây dựng theo nguyên mẫu bà trùm đất Cảng Dung Hà.
Hầu hết các series phim truyền hình đề tài tội phạm, hình sự phát sóng hiện nay đều khai thác chất liệu từ hồ sơ các vụ án có thật, như loạt phim Cảnh sát hình sự trong đó phần phim Cổ cồn trắng khai thác chất liệt từ vụ án Năm Cam; Lãnh địa trắng khai thác từ vụ án Khánh “Trắng”, Chạy án (phần 1) khai thác vụ án Mai Văn Dâu...

Linh Lan

Phạm Mỹ - Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm