Những bộ phim nên xem vào đêm Giao thừa

27/01/2017 12:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hình thức giải trí thường được chọn mỗi khi chuẩn bị đón giao thừa là những chương trình tạp kỹ quy tụ nhiều nghệ sĩ, mang lại những tiết tục hài hước, những tràng cười sảng khoái như một khởi đầu để bước sang năm mới thịnh vượng. Nhưng đối với mọi tín đồ điện ảnh nhiệt thành, không có nhiều phim vui xoay quanh thời khắc chia tay năm cũ đón chào năm mới.

Dưới đây là những bộ phim Tết tiêu biểu thuộc nhiều thể loại khác nhau.

HOLIDAY INN (LỮ QUÁN HOLIDAY) – 1942

Lợi thế của bộ phim này là bạn uống rượu được nhiều hơn một chút vào đêm giao thừa. Có lẽ bạn cũng khiêu vũ - và thậm chí có thể bạn phải lòng ai đó. Nhưng có lẽ bạn không ăn chơi kiểu cách như nhân vật Ted Hanover (Fred Astaire), người đàn ông yêu thích ca hát nhảy múa nhưng bị bỏ rơi, để rồi phải nhìn theo từng bước nhảy của Linda Mason (Marjorie Reynolds) trên sàn nhảy. Rồi anh khởi đầu năm mới bằng một chầu nhậu say bí tỉ, khi bị vướng vào một trong những cuộc tình tay ba thú vị nhất trong lịch sử điện ảnh, với Jim Hardy (Bing Crosby).

 “Hãy gọi nó là một tác phẩm kinh điển của Hollywood”, nhà phê bình Christopher Varney viết, “Bộ phim là một lát cắt ngọt ngào thú vị của một thời đại khác trong thế giới giải trí đại chúng”.


THE POSEIDON ADVENTURE (CHUYẾN HẢI HÀNH TUYỆT MỆNH) – 1972

Bộ phim mở đầu với một buổi lễ đón giao thừa trên chiếc du thuyền lộng lẫy sang trọng có tên vị thần biển cả, Poseidon. Con tàu dự định sẽ an hưởng tuổi già trong bãi phế liệu sau chuyến đi cuối cùng này. Nhưng dự định đó không thành hiện thực, vì một con sóng thần đã lật úp con tàu bạc mệnh, đúng khoảnh khắc các hành khách ăn mặc sang trọng vừa hát xong bài hát chia tay năm cũ đón mừng năm mới, “Auld Lang Syne”.

Đây là “quả bom tấn” của năm 1972, và là một trong những bộ phim thảm họa hay nhất mọi thời đại.

WHEN HARRY MET SALLY (KHI HARRY GẶP SALLY) – 1989

Cảnh quay nổi tiếng của cặp đôi (Billy Crystal) và Sally (Meg Ryan) trong nhà hàng Katz’s Delicatessen ở New York thu hút mọi sự chú ý của người xem. Nhưng cảnh cả hai đón đêm giao thừa trong một cuộc liên hoan vui nhộn mới thực sự nổi bật. Đó là lúc đôi tình nhân trái ngang này cuối cùng cũng chịu chấp nhận mối quan hệ của họ một cách dứt khoát.

Bộ phim là điểm nhấn trong sự nghiệp của đạo diễn Rob Reiner và nhà biên kịch Nora Ephron, đúng như lời của Peter Travers (tạp chí Rolling Stone), “Một bộ phim tình cảm hài đặc sắc, thông minh và dí dỏm”.


IN SEARCH OF A MIDNIGHT KISS (NỤ HÔN LÚC NỬA ĐÊM) – 2008

Bộ phim kể câu chuyện của Wilson (Scoot McNairy), một thanh niên bất mãn 29 tuổi có đời sống tình cảm khô khan, và tình trạng tài chính eo hẹp kinh khủng khiến anh cảm thấy buồn bã khi năm mới đang tới gần. Nhưng nhờ sự khích tướng của một người bạn, Wilson đăng một mẩu quảng cáo cá nhân trên trang mạng quảng cáo Craigslist – và, nó đã đưa anh đến với Vivian (Sara Simmonds).

Một kiểu câu chuyện quen thuộc, nhưng người xem có thể đồng cảm vì nó được kể một cách thuyết phục nhờ tài năng của kịch bản và đạo diễn Alex Holdridge. Bộ phim đoạt giải Tinh thần độc lập (Independent Spririt Awards) này, sẽ bổ sung một khẩu vị rất khác lạ cho đêm giao thừa của bạn.

BOOGIE NIGHTS (NHỮNG ĐÊM TRÁC TÁNG) – 1997

Trong phim, nhân vật Little Bill (William H. Macy), đón giao thừa tưng bừng bằng cách… giết vợ mình và tình nhân của vợ – và sau đó tự chĩa súng vào mình. Đối với những nhân vật còn lại trong phim, sự cố đáng sợ này chỉ là khởi đầu của sự trượt dốc không phanh, lún sâu vào mặt trái của xã hội đầu thập niên 1980. Bộ phim vừa thiết lập cho nhà biên kịch kiêm đạo diễn Paul Thomas Anderson vị thế ngôi sao, vừa truyền tải một thông điệp ngọt ngào đến không ngờ.

“Nếu không có sex, ma túy, và bạo lực, thì đây sẽ là một bộ phim lý tưởng để đưa bọn trẻ đến xem. Nó có nội dung rất quen thuộc với gia đình của bạn”, Jeffrey M. Anderson (tạp chí Combustible Celluloid) đã viết.

THE APARTMENT (CĂN HỘ TÌNH NHÂN) – 1960

C. C. Baxter (Jack Lemmon) là nhân viên bán hàng làm việc trong một công ty bảo hiểm khổng lồ ở New York. Các sếp mượn căn hộ của anh để tằng tịu với tình nhân. Quá mềm yếu nên không muốn làm phật lòng cấp trên của mình, Baxter im miệng để được thăng chức cho tới khi anh nhận ra giám đốc nhân sự (Fred MacMurray) của hãng, đang dan díu vụng trộm với nữ nhân viên điều khiển thang máy (Shirley MacLaine) – người mà anh đang thầm yêu trộm nhớ. Điều này dẫn đến một chuỗi sự kiện mà cao trào là đêm giao thừa với nhiều tình huống tréo ngoe hài hước.

 Chủ đề táo bạo so với thời đó, đằng sau những tiếng cười ấy là một thông điệp như nhà phê bình Roger Ebert đã viết, “Không phải ai cũng có thể vui vẻ hay có nơi để đi trong ngày Tết, bộ phim thật xúc động một phần vì khía cạnh bị chôn giấu ấy”.

THE GODFATHER part II (BỐ GIÀ phần II) – 1974

Là một trong những sequel (phim phần tiếp theo) thành công nhất về nghệ thuật và thương mại của mọi thời đại. Cao trào của bộ phim là cảnh “nụ hôn tử thần” khét tiếng trong một buổi tiệc giao thừa, trong khi những vị khách khác đang ăn mừng năm mới, thì Michael Corleone (Al Pacino) chạm trán với ông anh phản bội của mình, Fredo (John Cazale) – người đã tham gia âm mưu ám sát Michael vào đầu bộ phim – bằng một nụ hôn và những lời lẽ làm lạnh sống lưng “Em biết đó là anh, Fredo ạ, anh làm em đau lòng quá”.

Nụ hôn tượng trưng cho sự cắt đứt tình nghĩa huynh đệ của hai anh em nhà Corleone, diễn ra trên nền của dạ tiệc giao thừa mang ý nghĩa hy vọng và đổi mới đã khiến cho bộ phim trở nên bi thảm hơn.

TRADING PLACES (CHỐN THƯƠNG TRƯỜNG) – 1983

Trong phim, Clarence Beeks (Paul Gleason) muốn bán bản báo cáo thu hoạch cam bị đánh cắp. Nhưng khi bị say rượu quắc cần câu trong đêm tiệc giao thừa, anh ta bị hành hung, bị bắt phải đội lốt khỉ đột và nhốt trong một cái chuồng với… một con khỉ đột thật, sau đó bị chở tới Châu Phi!

 Những kẻ phá đám là Billy Ray Valentine (Eddie Murphy), Louis Winthorpe III (Dan Aykroyd) và một con điếm không thể xem thường, Ophelia (Jamie Lee Curtis). Theo lời của nhà phê bình David Nusair, đây là “một trong những bộ phim hài ấn tượng nhất của thập niên 1980”.

END OF DAYS (NHỮNG NGÀY LỤI TÀN) – 1999

Ít tháng cuối cùng của năm 1999 trước khi bước sang 2000 là một khoảng thời gian kỳ lạ. Nào là sự phấn khích trước thời khắc chuyển sang thiên niên kỷ mới, nào là đồn thổi rùm beng rằng cứ sau một ngàn năm thì quỷ Satan sẽ được thả ra khỏi địa ngục để tàn phá dương thế.

Những điều huyền bí có tính chu kỳ này, đã được thể hiện một cách sống động trong bộ phim hình sự hành động siêu nhiên, với ngôi sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger thủ vai Jericho Cane, viên cảnh sát về hưu phải chiến đấu chống quỷ Satan (Gabriel Byrne), để kiểm soát bào thai của Christine York (Robin Tunney) – người phụ nữ được tiên tri sẽ sinh ra đứa con của quỷ Satan vào đêm giao thừa năm 1999.

Bộ phim hấp dẫn này lại không được đánh giá cao.

WAITING TO EXHALE (ĐỢI ĐẾN THỞ DÀI) – 1995

Đối với một số người trong chúng ta, dạ tiệc giao thừa còn hơn cả một cái cớ để ăn tiệc, Đối với những người khác, nó là khoảng thời gian để suy ngẫm và đánh giá lại.

Còn bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách của Terry McMillan này, đã sử dụng ngày Tết để kết thúc một năm xáo động trong đời sống tình cảm của bốn nhân vật chính. Khi bộ phim bắt đầu, Svannah (Whitney Houston), Bernadine (Angela Bassett), Robin (Lela Rochon), và Gloria (Loretta Devine) đều đang ở bước ngoặt hành trình thú vị của cuộc đời.

“Tác phẩm điện ảnh vui tươi này lôi cuốn suốt cả bộ phim”, nhà phê bình Desson Thomson (tờ Washington Post) viết.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm