Khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng lừa 'chạy' công chức ở Sóc Sơn - Hà Nội

13/10/2015 17:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/10, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội) cho biết: Công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng có hành vi lừa đảo, "chạy" công chức tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Qua điều tra, Công an thành phố Hà Nội phát hiện các đối tượng gồm: Trần Văn Ánh, sinh năm 1969, trú tại Trung Kiên, Trung Giã, Sóc Sơn (nhân viên quản lý chợ Nỉ); Ngô Thị Toàn, sinh năm 1960, trú tại Đông Cao, Phổ Yên, Thái Nguyên (giáo viên nghỉ hưu trường Tiểu học Bắc Sơn A - Sóc Sơn); Nguyễn Văn Thuyết, sinh năm 1989, trú tại Xuân Giang, Sóc Sơn và Nguyễn Văn Long sinh năm 1976, trú tại Xuân Đài, Phù Ninh, Sóc Sơn đã tham gia móc nối với một số đối tượng khác, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với chiêu thức "chạy" công chức, "chạy" việc với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho một người.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội)

Trước các chứng cứ rõ ràng, Công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Văn Long, Trần Văn Ánh. Riêng đối tượng Ngô Thị Toàn được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 13/10, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội cho biết, không có chuyện "cò" công chức lộng hành, không hình thành đường dây ổ nhóm và sự đỡ đầu tiếp tay của các quan chức, mà chỉ có một vài đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân huyện Sóc Sơn để lừa đảo trục lợi.

Về thông tin tham gia "cò" công chức có đối tượng làm việc trong cơ quan nhà nước, quan chức cấp huyện, điều này tạo áp lực cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết: "Chỉ có áp lực về thời gian, bởi theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội, vụ việc cần được điều tra và kết luận sớm, trả lời cho công luận biết, có hay không việc "cò" công chức, hoặc có sự tham gia của đảng viên, chứ không hề có áp lực về vùng cấm, ai có tội sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật"- Đại tá Giáp nói. Trong quá trình điều tra, Cơ quan Công an Hà Nội đã làm việc với các bên liên quan như huyện Sóc Sơn, Sở Nội vụ, một số trường học... để có thêm thông tin và nhằm không bỏ sót, lọt đối tượng liên quan.

Năm 2015, thành phố Hà Nội có kế hoạch tuyển 4.414 công chức, viên chức, trong đó tuyển 2.369 giáo viên mầm non. Nhằm tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo "chạy" công chức, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội khuyến cáo, nếu ai có nhu cầu thi tuyển công chức, nên tự mình làm hồ sơ, nộp hồ sơ, ôn tập thi tuyển. Công việc thi tuyển công chức hiện nay rất công khai, minh bạch, khó có kẽ hở cho việc chạy chọt. Chính quyền cơ sở cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chạy công chức, viên chức trong địa bàn thành phố.

Những ngày đầu tháng 9/2015, Báo Phụ nữ Online, ấn bản điện tử của Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng bài phản ánh hiện tượng "cò" viên chức giáo dục tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Bài báo cũng đưa ra một số chứng cứ về việc có đối tượng tham gia "chạy" viên chức mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn với số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng.

Mạnh Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm