03/12/2020 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - 18 đầu sách cho tới thời điểm này chưa phải con số quá lớn. Nhưng, cách mà tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus được lựa chọn và biên dịch đã cho thấy hướng đi nghiêm túc về một nhu cầu có thật: Hiểu thêm diện mạo Việt Nam giai đoạn trước qua tư liệu của người Pháp.
1. Hơn một tuần trước, cuộc tọa đàm có tên Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa đã được tổ chức tại TP.HCM. Đây là cuộc tọa đàm thứ hai, sau cuộc tọa đàm tương tự diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 11.
Chưa hết, một cuộc tọa đàm khác dự kiến cũng sẽ được Omega Plus - đơn vị phát hành cuốn sách - tổ chức tại Huế vào giữa tháng 12 này. Tất cả đều xoay quanh cuốn sách cùng tên (có tiêu đề phụ Huyền thoại đỏ - Huyền thoại đen) của TS Nguyễn Thụy Phương.
Phần nào, việc tổ chức liên tiếp 3 cuộc hội thảo tại 3 miền cũng cho thấy sức hút và sự quan tâm của dư luận với cuốn sách - khi mà trong nhiều năm qua, đánh giá về di sản giáo dục mà người Pháp để lại thường dễ sa vào 2 thái cực: Hoặc e dè với những định kiến của một thời, hoặc nuối tiếc và tô hồng bởi tâm lý của những người vốn thất vọng với nền giáo dục Việt Nam hiện tại.
Dựa trên nguồn tài liệu khai thác từ các trung tâm lưu trữ quốc tế - đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp - TS Thụy Phương có một cách tiếp cận khá cân bằng và cẩn trọng. Thay vào việc bắt đầu cuốn sách bằng mô tả nền giáo dục mà người Pháp xây dựng, chị hướng tới gốc rễ của triết lý giáo dục thời thực dân: Không bao giờ muốn thuộc địa có thể cạnh tranh cùng chính quốc.
Như phân tích, cộng cùng thuyết phân biệt chủng tộc, người Pháp thiết lập ở Việt Nam một nền giáo dục thực dụng, có tính phân hóa cao và rất nhiều rào cản - khi về bản chất, đó vẫn là nền giáo dục rất khó để các gia đình thuần nông hướng tới và lại càng khó để theo đuổi cho tới phần “đỉnh chóp” cuối cùng.
Thế nhưng, tác giả cũng chỉ ra một logic thú vị: Bản chất của một nền giáo dục với những yếu tố khai phóng từ sau cuộc cách mạng Pháp 1789 (dù đã bị “lược bớt” khá nhiều so với chính quốc) vẫn đủ sức dần tạo ra một tầng lớp trí thức hấp thụ văn hóa phương Tây. Để rồi, trước sự lúng túng của nhà cầm quyền, những cá nhân xuất sắc nhất trong nền giáo dục đầy mâu thuẫn ấy đã dùng chính những giá trị của thế kỷ Ánh sáng, của Cách mạng Pháp như tư tưởng canh tân, tinh thần đấu tranh, ý thức độc lập... để làm vũ khí cho cuộc đấu tranh giành độc lập sau này.
2. Cuốn sách của TS Thụy Phương là một trong 2 đầu sách thuộc giai đoạn 2 của Tủ sách Pháp ngữ do Omega Plus phát hành với tên gọi Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ. 16 ấn phẩm của giai đoạn 1 (có tên Góc nhìn sử Việt) được xuất bản lần lượt từ tháng 3/2019 và đều là những ghi chép, biên khảo, nghiên cứu... trên nhiều lĩnh vực của người Pháp Việt Nam (chủ yếu vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX - giữa thế kỷ XX)
Thực tế, trong 2 thập niên gần đây, những cuốn sách thuộc mảng này đã bắt đầu được biên dịch và xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia, các đầu sách này thường được lựa chọn ngẫu hứng và thiếu tính hệ thống. Một phần, điều này đến từ phía xuất bản thiếu cơ chế và điều kiện để thu hút sự tham gia tích cực của giới nghiên cứu có chuyên môn hoặc thẩm quyền. Một phần khác, do vấn đề kinh phí, nhiều đơn vị cũng có xu hướng chọn khai thác những đầu đã hết hạn bảo hộ bản quyền hoặc loại sách du ký ghi chép tản mạn - vốn thường dễ đọc hơn so với các công trình nghiên cứu khô khan.
Trong bối cảnh ấy, Tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus có thể coi là bộ sách được đầu tư và tổ chức một cách có hệ thống nhất của thể loại này.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban biên tập Omega Plus, việc tiếp cận phần tài liệu gốc trong việc tổ chức tủ sách này là khá phức tạp và mất thời gian. May mắn, cùng với sự phát triển của công nghệ, phía xuất bản được Thư viện quốc gia Pháp (Gallica) hỗ trợ khá nhiều các bản tư liệu ở dạng số hóa. Hoặc, từ một góc độ khác, mảng sách này thiên về văn hóa lịch sử nên ngoài khả năng sử dụng thành thạo về tiếng Pháp và tiếng Việt, các dịch giả cũng phải đối mặt với những yêu cầu hiểu biết lịch sử, quen với các thao tác tra cứu và đối chiếu sử liệu, bổ chú thông tin...
“Nói ngắn gọn, việc Omega Plus đang làm là điền vào chỗ trống, lấp vào chỗ thiếu. Trong khả năng của mình, chúng tôi cố gắng mang đến những đầu sách cần thiết về một Việt Nam trong quá khứ” - ông Diệu cho biết - “Một số cuốn trong đó có thể tạo ra những đóng góp mang tính nền tảng cho nghiên cứu hoặc học thuật. Một số khác có thể tạo nên những tranh luận trái chiều, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận và lắng nghe”.
3. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Diệu, Xứ Đông Dương (Paul Doumer) và Tâm lý dân tộc An Nam (Paul Giran) là 2 trường hợp được độc giả quan tâm đặc biệt trong giai đoạn 1 của Tủ sách Pháp ngữ.
Ở đó, ngoài nội dung và tư liệu ảnh, Xứ Đông Dương được đón nhận khá nồng nhiệt nồng nhiệt chính bởi một bất ngờ thú vị, khi tác giả của nó - Toàn quyền Paul Doumer - dành những lời khen rất đặt biệt cho “người An Nam”. Còn với Tâm lý dân tộc An Nam của Paul Giran, những nhận định có phần cảm tính cũng về người An Nam của nhà nghiên cứu này đã khiến hàng loạt khen, chê, đồng tình, phản bác... cùng nở rộ trên báo chí và mạng xã hội, tới mức một cuộc tọa đàm Việt Nam dưới góc nhìn của người Pháp đã được tổ chức ngay sau đó.
“Nhìn chung, đa phần sách về Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ đã được xuất bản tập trung vào những tập du ký, bản tường trình, ghi chép tản mạn… của người Pháp, cung cấp những góc nhìn lạ lẫm từ bên ngoài, cùng với đó là các tư liệu tương đối mơ hồ. Cũng có những nghiên cứu công phu, bài bản dựa trên các nguồn tài liệu phong phú, sơ cấp… nhưng việc khai thác, mua bản quyền, tổ chức dịch ra tiếng Việt hiện nay là rất ít” - ông Nguyễn Quang Diệu nói thêm - “Chúng tôi cho rằng, tranh luận vẫn sẽ diễn ra, khi đó người ta sẽ nói đến các vấn đề như: Tính quan phương, phương pháp nghiên cứu, công tác phê phán sử liệu, tính khách quan tương đối…”
Mở rộng Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2 Thay vì xuất bản nhiều tài liệu du ký hay ghi chép tản mạn của người nước ngoài như giai đoạn 1, Tủ sách Pháp ngữ giai đoan 2 (có tên Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ) sẽ tập trung khai thác sách biên khảo và các nghiên cứu mới, trong đó có nhiều nghiên cứu do các học giả đương đại viết. Chủ đề của Tủ sách cũng được mở rộng: Giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, giải thực văn hóa, bách khoa thư về Nam kỳ, lịch sử Đông Dương, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo... |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất