Nghệ sĩ hài Minh Vượng: Tôi cũng là một “kép Tư Bền”

01/12/2008 08:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Một sao hài cứng, một người “độc thân vui vẻ”, một “cô gái xấu xí” nhưng lại không có mặt trong Những người độc thân vui vẻ lẫn Cô gái xấu xí - những “chiếu hài” đang thế chỗ Gặp nhau cuối tuần. Người đã hết thời? Lửa nghề đã nguội? Hay tiếng cười nào cũng đeo nước mắt ở phía sau?... Nghệ sĩ hài Minh Vượng trò chuyện với TT&VH Cuối tuần về... chữ “bi” trong nghề và cuộc sống.

Thà thiếu vắng, còn hơn thiếu... nắng

* Thời của tiểu phẩm hài hình như đã tạm khép, ít ra là trên sóng truyền hình và ngay cả trên không ít chiếu kịch vốn trước đây nó từng nở rộ? Một Minh Vượng sồn sồn, phốp pháp, “phổi bò”, “ruột để ngoài da”; một Minh Vượng “chí cha chí chép khua giày dép, đen thủi đen thui cũng lượt là”... từng “gây ồn” trên những chiếu hài lâu nay - do đó - cũng như đi vắng...

- Có “lên gân” quá không nhỉ, khi một nghệ sĩ như tôi lại ngồi bàn chuyện ... lạm phát lúc này, khi những khó khăn chung của thế giới, của đất nước, phần nào đó, cũng đang ít nhiều tác động lên sân khấu. Giống như ngọn thủy triều, sân khấu hài có thể đã đi qua phút “triều cường” của nó, đi qua cái thời “nhà nhà làm hài, người người làm hài”. Khi khán giả đã quá no đủ, liệu họ còn cần đến vai trò “đầu bếp” của người nghệ sĩ? Cảm giác làm khán giả phải chép miệng: “Lại Minh Vượng, lại vẫn dạng vai này!” với tôi thật đáng sợ! Thôi, vậy tốt nhất trong khi chưa đủ điều kiện làm mới hình ảnh của mình thì hãy tạm “lánh mình” đi chỗ khác. Thà để khán giả thấy thiếu vắng mình, còn hơn để khán giả thấy mình “thiếu nắng”!

* Vậy lâu nay chị đi “gửi nắng cho ai”?

- Cho những “búp trên cành”. Lúc này, tự dưng ưa làm nhiều chương trình thiếu nhi, nhất là cho các em ở các tỉnh xa. Trung Thu năm nay vì vậy là một Trung Thu vất vả và đáng nhớ: tối 14 diễn tại Hà Tĩnh, phục vụ các em nhỏ khuyết tật, rồi ngay trong đêm lại tất tưởi trở ra Hà Nội để kịp lên sóng truyền hình trực tiếp.

* Dọa “lánh mình” mà thấy chị vẫn chạy sô ác đấy chứ?
 

- Nhầm! Nếu là để chạy sô, tôi chỉ cần cắm chân ở Hà Nội, kiểu gì cũng được 5- 7 sô, chứ tội gì phải vượt cả chặng đường hơn 800 cây số cả đi lẫn về ngay trong ngày. Với một sao hài, Trung Thu là cữ “đắt hàng”. Đây, toàn bộ cát-sê đêm diễn tại Hà Tĩnh, tôi đem ủng hộ hết cho các khán giả nhỏ thiệt thòi của mình... Rồi thì tôi thường xuyên đi đến các trường tiểu học để giúp các em thành lập những ban kịch nhỏ, hay giúp các cô giáo (tôi vốn có rất nhiều bạn học làm giáo viên) biến những bài thực hành khô cứng thành những tiểu phẩm hài vui vẻ để giúp các em thấy giờ học trở nên nhẹ nhàng...

* Có câu nói rằng: Một tuổi thơ không có búp bê là một tuổi thơ thua thiệt. Vậy mà chị thì lại có cả một bộ sưu tập búp bê và thú nhồi bông ở tuổi trung niên. Lòng trắc ẩn hẳn là đến từ đó?

- Thương người đôi khi phải xuất phát từ chỗ biết thương mình. Cũng chính là vì phải trải qua một tuổi thơ nghèo không búp bê dưới thời bom đạn mà khi về già, tôi mới “nảy nòi” chơi búp bê đấy chứ! Trò đời, phàm con người ta cứ thiếu cái gì là mơ cái đấy. Không có búp bê thì mơ búp bê. Đến khi có búp bê thì lại thương những người không có được búp bê, và thương cả cái người về già mà... còn phải chơi búp bê. Tôi chưa có gia đình, chưa từng được làm mẹ, vì vậy tôi yêu trẻ con cũng là lẽ đương nhiên. Cũng là lẽ đương nhiên, khi tôi luôn thấy mình cần trả nợ đời...

Không sống được bằng nước lã, thì cũng đừng là nước lã

* Thay vào Minh Vượng trên sóng truyền hình, đang là một Minh Vượng của sóng phát thanh?

 
- Ừ, cứ mỗi thứ Tư hàng tuần, tôi và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lại lên sóng FM tiếp chuyện bạn nghe đài, chương trình Khát vọng sống. Cái tên chương trình, nghe thì vui vậy thôi, nhưng để đi đến “khát vọng”, lắm khi người ta phải trải qua nhiều nỗi tuyệt vọng lắm. Mà mình đây, chỉ mỗi ngồi nghe và chia sẻ không thôi, cũng đã đủ thấy rát lòng. Nói gì đến trải qua. Làm nghề bao năm, từng sống qua bao cảnh đời, thân phận, mà thực sự, chính tôi cũng không ngờ hết ngoài cuộc đời, nhiều bi kịch sống còn chua chát hơn nhiều, nhiều tiếng khóc còn ai oán hơn nhiều. Công việc những tưởng là nhẹ nhàng mà hóa ra lại nặng trĩu là vậy! Thế nên, nhiều hôm, xong buổi thu, tôi phải thở hắt bảo với anh Hoàng Nhuận Cầm: “Thế này thì tôi và ông đến chết sớm mất thôi!”.

* Qua những cảnh đời nghe được, chị thấy bi kịch nào là phổ biến nhất hiện nay?

- Không nghi ngờ gì, đó chính là nạn bạo hành gia đình và bên cạnh đó, là sự vô cảm... Nhiều câu chuyện chạy ra ngoài sức tưởng tượng đến nỗi khiến câu nói “người với người sống để yêu nhau” lắm khi chỉ còn là một khát vọng mỉa mai. Tham gia chương trình với tư cách là một nghệ sĩ hài, phần việc của tôi nhẽ ra là mang tiếng cười đến cho thính giả. Nhưng rốt cuộc, không ngờ chương trình lại lấy đi của người nghệ sĩ hài quá nhiều nước mắt...

* Song bù lại, có bao giờ là cảm giác thở phào: “nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống chả ai bằng mình”?

- Với một người đã từng hai lần suýt đi qua “cửa tử” vì trọng bệnh như tôi thì đến một lúc nào đó, việc “nhìn lên” hay “nhìn xuống”, thở phào hay thở dài hình như không còn mấy quan trọng nữa. Hai lần đi qua cửa tử, cũng là hai lần tôi ngộ ra hơn bao giờ hết câu dạy: “Vua Ngô Ảnh: Nguyễn ba sáu lọng vàng - Chết xuống âm phủ chả mang được gì”. Đã đành không ai uống nước lã mà sống được, nhưng cũng cần phải biết sống thế nào để đừng là một thứ “nước lã”, đừng là một thứ dễ tan biến như tiền: xé là rách, đốt là cháy...

Chỉ cần 4 chữ: “Con này sống được!”

* Làm thế nào để thu xếp được cho mình một cuộc sống “độc thân vui vẻ”?

- Ôi làm nghề này thì thiếu gì cách! Tôi thường bảo: người ta có thể vui buồn giống nhau, nhưng khác nhau là ở cách hưởng thụ và giải thoát. Nếu phải cảm ơn cuộc đời thì trước hết tôi phải cảm ơn nó đã cho tôi được làm một cái nghề mà nhờ nó, tôi luôn tìm thấy cách giải thoát mình ra khỏi tuyệt vọng. Nếu không thế, làm sao tôi có thể vui vẻ bước lên sàn diễn sau khi uống 13 loại thuốc/ngày, tiền lương mỗi mua thuốc cũng đã chưa đủ (có tin không, sau hơn 30 năm theo nghề, đến nay tiền lương cộng tất cả các khoản khác của tôi cũng chỉ được có hơn 2 triệu). Ít ai biết rằng để có được một đêm diễn ở tỉnh cùng anh em với mức cát-sê 100 nghìn đồng/buổi, tôi đã phải dùng tới một viên thuốc (An Cương - điều hòa khí huyết của Trung Quốc) lên đến tận 800 nghìn đồng. Sưu tầm búp bê, thú nhồi bông, hàng ngày lôi chúng ra “tắm táp”, kỳ cọ cũng là một cách giúp xả stress. Mỗi một con thú mình mua được tại những nơi mình đi qua là một thứ “kỷ niệm chương” cho mỗi chuyến lưu diễn của mình. Hàng đêm, tôi đi ngủ với tưởng tượng vui về những trận “đại náo thiên cung” mà bầy thú nhồi bông của tôi sẽ gây ra trong khi tôi ngủ...

* Nhưng hình như chị không hẳn sống độc thân, mà thậm chí, còn có tin đồn liên quan đến... giới tính của chị?

- Đúng, tôi không sống độc thân mà sống cùng một người chị họ (con bà bác). Tin đồn à? Chả sao cả! Tôi sống thế nào thì những người thân của tôi và anh em trong nhà hát, trong nghề đều biết cả. Câu nói mà tôi tâm đắc nhất là của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Phẩm giá của con người là thành quả lao động của họ”. Cố sống sao cho khi nằm xuống, mọi người đi qua bảo: “Con này sống được!” - Với tôi, chỉ cần 4 chữ đó thôi là mình nhắm mắt được rồi!

* Xuân Bắc từng định nghĩa về chị: “Minh Vượng là người mà nếu trong giới có ai hay chơi xấu, kiểu gì cũng được chị báo ngay cho anh em biết!”. Đấy nhé, chẳng cần phải đợi đến lúc “cái quan định luận” đâu, cũng đã có người khen chị “sống được” rồi!

Minh Vượng nói, phần nào đó, chị cũng là một kép Tư Bền - nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, khi không ít bận trong đời, người nghệ sĩ hài ấy cũng đã phải nuốt buồn nuốt tủi vào trong để mua vui cho khán giả. Rồi lúc tạm rời sân khấu để “đi chơi chỗ khác”, đến lượt nước mắt người đời lại đeo vào chị, như một “nghiệp chướng”, và chị chợt nhận ra rằng: chả riêng gì chị, cuộc đời này không ít kép Tư Bền...

- À, đó là cái tật “ngứa mồm” đấy mà! Và nói, cũng không chỉ để anh em tránh, mà còn để người ta biết đường mà sửa. Ở đời, người ta ưa nhớ cái tốt cái đẹp của mình, chứ mấy ai biết mình xấu, mình dở. Làm nghề này, vui thì vui nhưng lắm lúc cũng bạc, cũng tủi lắm, anh em không thương nhau thì thương ai. Đấy, cứ nhìn Xuân Hinh đi! Ai cũng bảo cái tướng đấy thì rõ là “mồm chó, vó ngựa” đứt rồi! Nhưng năm 2000, khi tôi bị đột quỵ, đã chẳng có ai như Xuân Hinh, đến cầm tay tôi bảo: “Mình thích đi bệnh viện nào tôi đưa mình đi!”. Trông chao chát thế thôi, nhưng kỳ thực sống rất tình cảm. Rồi thì Tự Long cũng thế. Không mồng 8/3, 20/10 nào mà quên gọi điện, nhắn tin, chúc mừng chị Vượng, dù có bận chạy sô đến mấy...

* Có phải vì hai chữ “sống được” ấy mà có vẻ như chị rất ngại nhận vai phản diện, dù ngoại hình chị rất dễ vào vai... Tú Bà và lẽ ra, cũng cần đa dạng hóa vai hơn?

- Trước khi nói “không”, tôi cũng đã từng có mấy lần “trót dại”. Mỗi một lần như vậy, là một lần tôi... gây thất vọng cho người thân. Trước khi qua đời, mẹ tôi từng bảo tôi: “Mẹ không muốn con đóng những vai ác”. Để hình ảnh của mình bị bóp méo trong mắt người thân là điều mà từ đó tôi luôn cố tránh, dù tôi biết tạng tôi, nếu vào vai phản diện chắc chắn sẽ rất đạt. Thì mình cứ suy từ mình ra là biết. Đến như Tiến Đạt là người bạn tôi chơi rất thân, vậy mà có một lần sau khi xem một vai diễn của anh, tôi cũng sinh bực, bảo: “Từ giờ em chả mời anh đi uống café được nữa đâu!”. Thấy chưa, tệ hết chỗ nói!

Thư Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm