Khi tư nhân làm liên hoan múa quốc tế…

24/11/2013 12:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Được tổ chức bằng nỗ lực riêng của Arabesque, một công ty múa tư nhân, với 4 đoàn, 2 đêm biểu diễn và 3 workshop, dù chưa đạt đến tầm của một liên hoan quốc tế nhưng Liên hoan Múa đương đại quốc tế 2013 đã để lại nhiều hy vọng.

Liên hoan thu hút sự tham gia của đại diện 4 nước: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia vừa kết thúc ngày 22/11.

Nhỏ nhắn và vừa tầm

Ý tưởng tổ chức một liên hoan múa quốc tế tại TP.HCM của cá nhân nghệ sĩ Tấn Lộc nảy sinh từ những lần anh tự túc đưa đoàn múa Arabesque tham dự các festival múa quốc tế ở một số nước châu Á, châu Âu. Ý tưởng này thành hiện thực khi Tấn Lộc vận động được những người bạn và công ty múa mà anh đã đặt quan hệ qua các kỳ liên hoan ở nước ngoài.

 Một liên hoan được thực hiện bằng nguồn kinh phí tự túc của Công ty Arabesque với sự trợ giúp nho nhỏ của một khách sạn 5 sao (giảm 50% giá thuê phòng cho nghệ sĩ) và Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM (giảm giá thuê nhà hát).

2 nghệ sĩ Italia Vincenzo Capasso và Claudio Malangone đến từ Công ty múa Borderline đã giới thiệu một tiết mục đỉnh cao mang đầy hơi thở và tính xu hướng của múa đương đại châu Âu: Brainstorming - Studio N.2. (Ảnh: Việt Cường)

Có lẽ với nguồn kinh phí eo hẹp, không có tài trợ và chủ trương thử nghiệm của Tấn Lộc và Arabesque nên kỳ liên hoan đầu tiên này chưa xứng với tên gọi Liên hoan múa quốc tế mà chỉ vừa tầm với quy mô của một hoạt động mang tính giao lưu. Hoạt động này không khác mấy những hoạt động mà Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã từng tổ chức với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ những công ty múa ở châu Âu. Tuy nhiên, những gì các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu đủ đem lại những ấn tượng mạnh với số lượng khán giả khá hạn chế của môn nghệ thuật này.

Tiền đề cho một liên hoan múa quốc tế

Ở đêm biểu diễn đầu tiên dành cho các đoàn nước ngoài, không quân số rầm rộ, chương trình có 4 tiết mục thì số lượng nghệ sĩ nhiều nhất trên sân khấu của các tiết mục chỉ là 2 người. Nhưng dù solo hay duo, các nghệ sĩ đã giới thiệu đến khán giả những màn trình diễn đỉnh cao đầy tính xu hướng và bản sắc. Đáng chú ý nhất là tiết mục của 2 nghệ sĩ người Italia Vincenzo Capasso và Claudio Malangone đến từ Công ty múa Borderline - đơn vị có hợp đồng cộng tác 3 năm với Arabesque.

Tiết mục của nghệ sĩ biểu diễn bậc thầy người Nhật Kaiji Moriyama, vốn là thầy giáo từng hướng dẫn nghệ sĩ Tấn Lộc những năm anh theo học tại Nhật Bản cũng “thôi miên” khán giả bởi câu chuyện gần gũi và sự hoàn hảo trong việc thể hiện ngôn ngữ múa.

3 workshop với lệ phí tham gia 120.000/buổi tại sân khấu Lệ Thanh là hoạt động thiết thực với những diễn viên múa đang học tập và làm việc tại TP.HCM, bởi họ được những nghệ sĩ giỏi trực tiếp huấn luyện về các chủ đề đang được quan tâm nhất ở lĩnh vực múa đương đại dù số lượng học viên tham gia cũng chỉ giới hạn ở mức 20 người.

Trước thắc mắc tại sao ở liên hoan kỳ này vốn đã ít đoàn quốc tế tham gia lại chỉ có duy nhất Arabesque mà không có các đoàn múa Việt Nam khác tham gia, nghệ sĩ Thanh Phương, đại diện của Arabesque cho biết: “Lần đầu tiên tổ chức, quy mô cũng như năng lực của chúng tôi chưa đủ để có thể mời thêm các đoàn múa khác tham gia nên nội dung cũng giới hạn ở lĩnh vực múa đương đại. Kỳ liên hoan thứ hai diễn ra vào tháng 9/2014, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô với sự tham gia của 7 đoàn múa nước ngoài và thêm nhiều đoàn múa Việt Nam với đủ các thể loại chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực đương đại”.

Hy vọng với thử nghiệm đầu tiên này, Arabesque và nghệ sĩ Tấn Lộc sẽ gây dựng được một liên hoan múa quốc tế thật sự đúng tầm như mong ước của anh lẫn sự trông đợi của công chúng và người làm nghề.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm