09/07/2012 14:30 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha
(TT&VH) - Chưa bao giờ kinh tế Tây Ban Nha cần đến bóng đá như lúc này. Trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng, với tỉ lệ thất nghiệp cao nhất từ nhiều thập niên trở lại đây, người TBN đang hy vọng sẽ tìm được những tín hiệu tích cực từ bóng đá, mà chính xác hơn là chiến công của thầy trò HLV Vicente del Bosque tại EURO 2012.
Người Tây Ban Nha hy vọng bóng đá sẽ cứu được kinh tế
Jose Luis Astiazaran - Chủ tịch BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp TBN (La Liga) - hiện đang chuẩn bị cho Đại hội đồng các giải VĐQG châu Âu ở Istanbul vào thứ Tư tới đây, đã không giấu được vẻ ngạc nhiên khi mà những chiếc áo đấu truyền thống của Tây Ban Nha được mặc khắp nơi. Không chỉ người dân TBN, mà rất nhiều du khách cũng chọn chiếc áo đỏ mà thầy trò Del Bosque vừa đưa lên đỉnh cao châu Âu lần thứ hai liên tiếp.
“Điều đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hài lòng về điều này. Sau đó thì sao? Đã đến lúc chúng ta phải biết cách để khai thác sức hút thương hiệu của TBN, và tận dụng điều đó nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang khó khăn”, Chủ tịch Astiazaran đưa ra quan điểm của cá nhân về tình hình kinh tế đang rơi vào cảnh khủng hoảng nặng nề. Cách đây vài tuần, trong hội nghị diễn ra ở Brussels, TBN đã phải xin cứu trợ để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Thực tế, trước khi Astiazaran nêu ý kiến, không ít người trực tiếp điều hành kinh tế ở TBN cũng nghĩ đến điểm này. Với việc thống trị bóng đá thế giới bằng kỷ lục “Triplete”, đang là ĐKVĐ U-21 châu Âu, và được xem như ứng viên sáng giá cho chiếc HCV Olympic 2012, tiếng vang của TBN là rất lớn. Bóng đá đang tạo cho TBN rất nhiều lợi thế để thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Trên thế giới, nếu xem bóng đá cũng là một ngành nghề kinh doanh, thì môn thể thao vua này đứng thứ 17. Đây rõ ràng là một vị trí tương đối cao. Riêng trên lãnh thổ TBN, bóng đá hiện nay chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội. Nghĩa là mỗi năm các hoạt động bóng đá mang về cho đất nước nổi tiếng với những chú bò tót khoản ngân sách lên đến 10 tỷ euro. Ngoài ra, bóng đá còn góp phần mang lại việc làm cho 85.000 người TBN (tính cả công việc gián tiếp). Đi sâu hơn nữa, La Liga là giải đạt doanh thu cao thứ 3 ở châu Âu (sau Premier League và Bundesliga). Mùa 2010-11, các đội bóng chuyên nghiệp thuộc LFP đạt doanh thu lên đến 2,117 tỷ euro. Riêng Real Madrid là đội bóng số 1 thế giới về kiếm tiền.
Tuy nhiên, vấn đề là TBN chưa cho thấy khả năng sử dụng bóng đá như một ngành công nghiệp, và từ đó vực dậy cả một nền kinh tế. World Cup 2010 là một ví dụ điển hình. Sau khi lần đầu tiên đăng quang ngôi quán quân thế giới, TBN vẫn phải chịu cảnh nền kinh tế sa sút không phanh. (Trong khi đó, Hà Lan hưởng lợi từ ngôi á quân World Cup 2010 với việc GDP tăng 0,7%).
Theo Gerard Costa, giáo sư chuyên ngành tiếp thị hình ảnh, TBN hiện tại thiếu nhân lực và chính sách để phát triển kinh tế. Một dẫn chứng được ông đưa ra là TBN cho đến giờ không thể tính toán (hoặc không học cách tính) số lượng khách du lịch. Theo số liệu gần nhất, người ta ước tính có hơn 3 triệu lượt khách du lịch đổ vào TBN, chủ yếu là châu Âu. Con số này thực tế không cao, khi TBN có rất nhiều tiềm năng du lịch, từ các lễ hội truyền thống cho đến thiên nhiên với nhiều bãi biển được ví như thiên đường. Văn hóa TBN chính là một điểm mạnh khác để tạo cú hích cho du lịch nói riêng, và kinh tế nói chung.
“Vấn đề của chúng ta là cả một nền tảng”, giáo sư Costa kết luận sau khi đưa ra bản báo cáo gồm tới 500 luận điểm về kinh tế TBN. Dù bóng đá cực kỳ phát triển, nhưng chính đơn vị quản lý trực tiếp là LFP đang ngập trong khoảng tối. Theo đó, dù có doanh thu cao, nhưng nền bóng đá TBN hiện nay nợ Kho bạc 670 triệu euro; các tổ chức an sinh xã hội là 3,6 tỷ euro.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta chi tiêu nhiều gấp bội khoản thu về” - Jose Luis Cano, chuyên gia tư vấn về lĩnh vực kinh tế thể thao, nhận xét thẳng thắn. “Thành công của đội tuyển TBN đang mang lại tiềm năng lớn về kinh tế. Nhưng nếu không biết cách khai thác thương hiệu mang tính toàn cầu này, đó sẽ là sự phí phạm cực lớn”.
Ngọc Huy
2,117 Trong năm 2011, các đội bóng chuyên nghiệp của Tây Ban Nha (La Liga và Segunda) đạt tổng doanh thu là 2,117 tỷ euro. Trong đó, 54% thuộc về hai CLB Real và Barca. 10 Mỗi năm, bóng đá ở Tây Ban Nha mang về cho ngân sách số tiền tương đương 10 tỷ euro (chiếm 1% tổng giá trị sản phẩm quốc nội). 85.000 Có khoảng 85.000 người Tây Ban Nha đang hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, kể cả những công việc gián tiếp. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất