Khi phim Việt chỉ dành cho giới trẻ: Các 'thượng đế' ngày càng... ít tuổi

16/05/2016 13:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Khoảng 70% khán giả đến rạp xem phim là người trẻ dưới 30 tuổi, vì thế mà phim Việt ra rạp cũng phải... “cưa sừng” theo. Với tình cảnh này, liệu có còn chỗ cho những nghệ sĩ bị coi là già trong một thị trường điện ảnh chỉ tập trung sản xuất phim cho người trẻ?

Khảo sát của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tại 6 cụm rạp ở TP.HCM, 3 cụm rạp ở Hà Nội cho thấy: nhóm khán giả từ 10 – 20 tuổi, 20 – 30 tuổi cộng lại chiếm đến 70%. Tương tự, khảo sát của cụm rạp CGV: độ tuổi 18 – 29 tuổi chiếm 65%. Nhờ lực lượng khán giả này mà năm 2015 điện ảnh Việt đã gần đạt mốc doanh thu 100 triệu USD.

Khán giả trẻ quyết định nội dung

Xu hướng sản xuất phim cho khán giả trẻ ngày càng phát triển, ở cả điện ảnh, truyền hình và môi trường số.

Năm 2014 series sitcom 5S Online đã được bầu chọn là bộ phim được cộng đồng mạng ưa thích nhất tại Giải Ấn tượng VTV. Series này “hot” đến nỗi đạo diễn của nó mấy năm nay chỉ tập trung toàn lực phát triển nội dung, vì chỉ ngơi ra là mất khách. 5S Online đã bước sang mùa 3 và phát trên internet thay vì trên truyền hình như trước.


Với khán giả trẻ, “ngôi sao điện ảnh” trong lòng họ rất có thể lại là ca sĩ Sơn Tùng M-TP, người mới chạm ngõ điện ảnh với bộ phim đầu tiên “Chàng trai năm ấy”

Giải thưởng Cánh diều 2015, bộ phim Tuổi thanh xuân đã giành Cánh diều vàng hạng mục phim truyền hình, đánh bại những bộ phim đề tài chính luận, được đầu tư lớn. Phim này do đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất phía Bắc là VFC (thuộc Đài truyền hình Việt Nam) thực hiện.

Vài năm gần đây VFC đẩy mạnh làm phim đề tài người trẻ. Và thực tế nhiều bộ phim dành cho khán giả lớn tuổi hơn đang phải xếp hàng chờ ngày được chiếu.

Ngoài rạp phim, phim dành cho giới trẻ thống trị, với đủ các thể loại hành động, tâm lý tình cảm, hài, kinh dị...

Phim nội địa Việt Nam nhiều năm nay chỉ chăm chăm học hỏi cách làm phim giải trí từ Hollywood, Hàn Quốc. Nước ngoài có “món” gì, sớm muộn Việt Nam có. Nhưng riêng “món” phim về người già là chưa thấy ai mang về.

Trong khi phim người già như Amour, Nebraska, Youth, The Great Beauty, 45 years... rất được chú ý tại các giải thưởng điện ảnh thế giới, thì ở Việt Nam năm 2015, phim điện ảnh duy nhất nhắc đến người già là Em là bà nội của anh, nhưng trong phim bà lão 70 được trở lại tuổi 20.

Năm 2015, chỉ có vài phim nhà nước như Thầu Chín ở Xiêm, Đường xuyên rừng, Mỹ nhân, Nhà Tiên tri, Người trở về... theo đuổi đề tài chiến tranh, lịch sử mà khán giả lớn tuổi hơn có thể quan tâm. Nhưng đáng tiếc là chưa đủ sức ra rạp cạnh tranh.

Người trẻ chỉ thích phim giải trí?

“Điện ảnh là thứ ngôn ngữ rất phù hợp với người trẻ, nên lực lượng khán giả trẻ chiếm ưu thế là chuyện đương nhiên, thế giới cũng vậy thôi. Nhưng quan niệm làm nhiều phim yêu đương sướt mướt, hài hước nhảm nhí và cho rằng khán giả trẻ chỉ thích vậy là không đúng đâu. Hoàn toàn có thể làm phim về các vấn đề nghiêm túc người trẻ vẫn thích”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ.

Khi hỏi thế hệ đạo diễn của ông có bị áp lực đến nỗi nghỉ hưu sớm vì không thể thích ứng với thị trường không, Nguyễn Vinh Sơn cho biết: “Không hẳn, khi nhà sản xuất chi phối nghệ thuật, bắt chọn diễn viên theo ý họ, nhiều nhà làm phim đã không thể thỏa hiệp”.

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang phát triển khá cực đoan khi những người làm nghề muốn giữ tiêu chí nghệ thuật nhưng không có cơ hội làm phim. Trong khi người có tiền làm phim lại chỉ nghĩ đến đến doanh thu. Nên không khó hiểu khi khán giả trẻ chỉ được “ăn” độc một “món”: phim giải trí.

Khi sản xuất phim chỉ nhắm đến thượng đế là các khán giả ngày càng trẻ một cách đầy thực dụng như vậy sẽ tạo ra nhiều hệ lụy khó lường.

(Còn tiếp)

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm