(TT&VH) - Hôm qua, 10/9, Hội đồng chung khảo Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội đã họp phiên cuối và đã chọn được 2 tác phẩm để trao giải thơ và giải tiểu thuyết cùng 1 tác giả để trao giải Thành tựu. (Còn giải sách dịch và lý luận phê bình bỏ trống). Năm nay Giải Thành tựu đã được trao cho cố tác giả Lưu Quang Vũ.
1.Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển tập thơ của Lưu Quang Vũ được NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam xuất bản năm 2010, với 250 trang, gồm 100 bài và đây được coi là lần đầu tiên một tuyển tập khá đầy đủ thơ của Lưu Quang Vũ được xuất bản. Thông cáo báo chí của Hội Nhà văn Hà Nội nêu rõ: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi cho người đọc một cái nhìn bao quát về sự nghiệp thơ của một con người đa tài. Tình yêu với thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên, tình yêu đôi lứa, tình yêu với đất nước vừa đem đến niềm tự hào vừa xót thương vô hạn... thực sự lay động được cảm xúc của người đọc. Sự hồn nhiên và nồng nhiệt của cảm xúc đã nhiều lúc biện hộ cho một giọng thơ miên man như không có điểm dừng, cho một câu thơ hay như bị phân vân giữa ngồn ngộn chữ nghĩa, cho cấu tứ dường như buông lỏng của những bài thơ dài hơi”. Lưu Quang Vũ thời trẻ và tập thơ được trao giải Thành tựu
Với 9/12 phiếu, Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải Thành tựu về thơ cho Lưu Quang Vũ qua tuyển tập được biên soạn khá công phu này để khẳng định thành tựu của Lưu Quang Vũ riêng trong lĩnh vực thơ, cũng như tính cập thời còn nóng hổi trong thơ ông.... Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục Đất nước giống con thuyền xuyên gió mạnh Những mối tình trong gió bão tìm nhau. Qua mọi điều, ngọn gió có qua đâu Luôn luôn ra đi, luôn luôn mới đến Thơ em viết về một vùng cát biển Cỏ mặt trời trong lốc bụi lăn đi... (Trích Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi) Nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) có những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, nhưng có thể nói thơ là nơi ông ký thác đời sống tinh thần của mình, nơi bộc lộ rõ nhất lý tưởng, lẽ sống và tình yêu của nhà thơ. Cũng chỉ với thơ, Lưu Quang Vũ thể hiện được nhiều hơn sự tài hoa và lịch lãm của nghệ sĩ gắn bó với Hà Nội. 2. Cùng với tập thơ của Lưu Quang Vũ, những tác phẩm vào chung khảo được sàng lọc trong số rất nhiều tác phẩm của hội viên gửi đến hội, được lựa chọn từ những tác phẩm có dư luận trên báo chí, được người đọc quan tâm, kết hợp với sự phát hiện và giới thiệu của hội viên. Hội đồng chung khảo đã làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, đã trao đổi và tranh luận thẳng thắn trên tinh thần dân chủ và mang tính chuyên môn. Sự nhất trí tương đối cao đã thể hiện trong kết quả cuộc bỏ phiếu kín. Đạt 11/12 phiếu, tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai (NXB Hội Nhà văn, 2010) đã giành được giải thơ và tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương (NXB Hội Nhà văn và Công ty Hà Thế, 2010) đã giành được giải Tiểu thuyết với 8/12 phiếu. Tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai được chú ý giữa những giọng thơ trẻ. Một giọng thơ biết tiết chế để khi chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào bé nhỏ, vụn vặt. Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc. Tác giả cũng chứng tỏ một bản lĩnh thơ trẻ, không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không sa vào ngôn từ dễ dãi, cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm. Những bài thơ về Hà Nội dễ nhận được sự chia sẻ nhờ một cách nhìn hiện đại, một cách nghĩ, cách cảm trẻ trung và khá mới lạ. Trao giải cho tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định sự thành công bước đầu của một giọng thơ trẻ, đồng thời cũng mong chờ sự bứt phá của tác giả trong thời gian tới, trên cơ sở gia tăng độ mỹ cảm cho ngôn ngữ, nghiêm khắc hơn trong kỹ thuật và nghệ thuật thơ. Về văn xuôi, tiểu thuyết Nhân gian của Thùy Dương là đóng góp của một nhà văn nữ trong việc khám phá và tái hiện đời sống theo một cách nhìn khác. Cõi nhân gian trong tác phẩm không chỉ là cõi người, mà người đọc còn được dẫn dắt vào cõi của người đã khuất. Thêm một cõi nữa mang tính nửa âm nửa dương: chuyện về những người đi tìm hài cốt liệt sĩ, những con người luôn bị ám ảnh và đời sống luôn trăn trở về những kiếp người đã chuyển sang cõi âm. Góc nhìn hiện thực trong tác phẩm được thay đổi xoay quanh ba cõi này và tay nghề của tác giả cũng được thử thách trong quá trình dẫn dắt câu chuyện theo một cấu trúc phân mảng. Thách thức thì lớn và không phải lúc nào tác giả cũng vượt qua một cách ngoạn mục: có lúc chị đã sa vào những chuyện kể chi li làm giảm tính biểu tượng và khái quát của tác phẩm. Ngôn ngữ thuần thông tin trong tác phẩm tiểu thuyết cũng là một sự lựa chọn không hẳn đắc địa, ảnh hưởng đến sức nặng lẽ ra có thể hàm chứa nhiều hơn trong tác phẩm. Giải thưởng này cũng là một ghi nhận đối với lao động nghề nghiệp nghiêm túc của nhà văn Thùy Dương trong thời gian qua. Đông Mỹ