Bộ bản đồ Bỉ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

14/05/2014 06:47 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Xuất bản năm 1827, bộ bản đồ cổ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (Bỉ) là tư liệu cực kì giá trị về việc Châu Âu và quốc tế từng ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chiều qua (13/5), bộ bản đồ đặc biệt này đã chính thức được công bố tại Hà Nội.

Người phát hiện ra tấm bản đồ trên là GS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội), cùng một cộng sự đang làm nghiên cứu sinh tại Pháp. Đầu năm 2014, Công ty dược phẩm ECO đã tài trợ cho GS Ngọc sang Châu Âu để nghiên cứu và khảo sát giá trị của bộ bản đồ này, và tiếp đó, tài trợ toàn bộ số tiền để mua một bộ hiến tặng Nhà nước VN.

"Trong chuyến nghiên cứu, chúng tôi đã khảo sát 5 bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen tại các thư viện thuộc Bỉ và Pháp.  Sau khi thảo luận cùng các chuyên gia về địa lý học, bản đồ học, sử học và thư viện học, chúng tôi mua từ một hiệu sách cổ tại thành phố Gent"- GS Ngọc nói. "Đây là bộ gốc được xuất bản tại Bruxelles năm 1827. Rất may, họ giữ được khá nhiều bản gốc nên đồng ý bán".


Ông Ngô Chí Dũng (trái) trao tặng bộ bản đồ cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son

Dày 6 tập, gồm 388 bản đồ chi tiết và tổng quát tại các vị trí địa lý khác nhau, bộ Atlas thế giới được nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen ( 1795- 1869) thực hiện năm 1827. Cơ sở dữ liệu được ông sử dụng là những tấm bản đồ hiện có khi đó, cộng cùng những thông tin quan sát từ thiên văn hoặc khảo nghiệm thực tế. Trong số 388 bản đồ này, tấm bản đồ có tên Partie de la Cochinchine đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa, kèm theo những chú thích ghi rõ khu vực này thuộc " đế chế An Nam".

Được biết, trong giai đoạn từ thế kỉ XVI tới XVIII, nhiều bản đồ thế giới đã đánh dấu địa danh Hoàng Sa giữa biển Đông và thể hiện mối quan hệ của quần đảo này với "vương quốc Đàng Trong" của VN. Tuy nhiên, phải tới đầu thế kỉ XIX, khi nhà Nguyễn tiến hành các biện pháp khẳng định chủ quyền VN một cách đầy đủ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của phương Tây, trường hợp quần đảo Hoàng Sa mới thật sự được nhắc tới qua những tấm bản đồ như Partie de la Cochinchine.

"Tôi chỉ đơn giản muốn đóng góp một bằng chứng hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho Tổ Quốc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng" – ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc ECO, cho biết  khi trao tặng bộ bản đồ cho đại diện Bộ TT&TT chiều 13/5.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm