Khi chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ

09/07/2016 18:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa được NXB Hà Nội ấn hành, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (dịch giả Nguyên Ngọc) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi, tác giả của nó, nhà văn Svetlana Alexievich (Belarus) là chủ nhân giải Nobel Văn chương 2015, với những cuốn sách về chiến tranh dưới góc nhìn đặc biệt của mình.

Tác phẩm là tập hợp những câu chuyện kể, nhưng không phải là văn học hư cấu. Và Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ cũng không phải là một cuốn sách về lịch sử.

Đó là câu chuyện riêng tư của hàng trăm hàng nghìn phụ nữ, có đầy đủ tên tuổi và quê quán.

Phần đầu cuốn sách, Svetlana kể về cách những người phụ nữ Nga bước vào chiến tranh. Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, họ là những cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, được động viên để bảo vệ nước Nga.

Đó là những cô bé mới 16 tuổi, hàng ngày chầu chực trước phòng tuyển quân để xin vào chiến tranh. Đó là những cô bé chấp nhận trốn gia đình, thậm chí sống “chui” trong quân đội – tất cả chỉ với một lý do duy nhất: tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.


Cuốn sách "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ"

Để rồi, vào chiến trường, họ phải đối diện một sự thực: chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Và không dành cho phụ nữ - khi ngay cả những quân trang, quân phục, vũ khí được thiết kế cũng đều hướng tới nam giới.

Vượt qua giới hạn của bản thân mình, những cô gái ấy lần lượt trở thành y tá chăm sóc thương binh, thành chiến sĩ tải thương, thành xạ thủ, điện báo viên và cả vai trò lái máy bay tại chiến trường chỉ sau 3 tháng luyện tập.

Nhưng, nghiệt ngã nhất với những người phụ nữ khi tham gia chiến tranh, vẫn là việc họ phải đối mặt với cảnh giết chóc.

Những cô gái ấy từng chịu ám ảnh khi phải giết một con ngựa làm thức ăn. Để rồi, đến lượt người đọc ám ảnh trước những cảnh tượng mà họ kể lại về đống xác người, về cảnh dòng sông tan băng để lộ những xác chết…

Để thực hiện cuốn sách, tác giả Svetlana Alexievich đã phỏng vấn hàng nghìn phụ nữ từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sống động, thậm chí chân thực tới mức tàn nhẫn, những trang hồi ức của họ giúp chúng ta hiểu thêm nhiều góc khuất về chiến tranh, nhất là sự phi nhân tính của nó.

Thu Hiền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm