Cái giá của 2 tấm huy chương đồng

05/10/2014 18:15 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Bơi lội Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi lần đầu tiên giành được huy chương Á vận hội và không phải ai khác, Nguyễn Thị Ánh Viên chính là người đã mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam với cú đúp huy chương đồng (HCĐ) trong những ngày tranh tài tại Incheon tháng 9/ 2014.

 Ánh Viên từng vượt thành tích của HCV

Hai tấm HCĐ mà Ánh Viên giành được tại ASIAD 17 đều đến từ những nội dung sở trường của VĐV này và được BHL tính toán kỹ lưỡng để cô bung sức thi đấu với phong độ tốt nhất có thể. Đầu tiên là HCĐ ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ, Ánh Viên dù phải thi đấu với nhiều đối thủ mạnh đến từ Nhật Bản và Trung Quốc nhưng vẫn xuất sắc về đích ở vị trí thứ 3, giành HCĐ với thành tích tốt nhất từ trước đến nay là 4 phút 39 giây 65.

Người về đích đầu tiên ở nội dung này là đương kim vô địch Olympic Yi Shiwen (Trung Quốc) có thời gian 4 phút 32 giây 97, đồng thời là kỷ lục ASIAD. Đứng thứ 2 là Sakiko Shimizu (Nhật Bản) với 4 phút 38 giây 63.

Tiếp đó, ở nội dung 200m ngửa, Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục mang về huy chương thứ 2 cho đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 17. Mặc dù xuất phát không tốt và không nằm trong nhóm dẫn đầu ở 100m bơi đầu tiên nhưng nhờ cú nước rút thần tốc, bứt phá ở 50m cuối cùng, Ánh Viên đã kịp về đích thứ ba chung cuộc, nhận HCĐ với thành tích 2 phút 12 giây 25. 



Ánh Viên cần nhận được sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục cải thiện thành tích. Ảnh: Quang Thắng

Về nhất nội dung là VĐV Sayaka Akase (Nhật Bản) với thành tích 2 phút 10 giây 31 còn HCB là Chen Jie (Trung Quốc)  2 phút 10 giây 53. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Ánh Viên là Marie Kamimura (Nhật Bản) chỉ xếp ở thứ tư.

Mặc dù  giành HCĐ, đạt được thành tích tốt nhất từ trước đến nay ở 2 nội dung, đặc biệt là 200m ngửa nhưng cả HLV Đặng Anh Tuấn lẫn cá nhân Ánh Viên vẫn không hài lòng về chỉ số thành tích đạt được trong thực tế. Lý do là bởi, thành tích 2 phút 12 giây 25 còn kém thành tích tốt nhất mà Ánh Viên thường xuyên đạt được trong tập luyện (2 phút 09 giây 01).

Hơn nữa, trong ngày thi đấu 27/9, Ánh Viên đã rút lui khỏi nội dung 200m hỗn hợp vừa để tránh nhà vô địch Ye Shiwen (Trung Quốc) đồng thời tập trung sức cho nội dung 200m ngửa với hy vọng tranh chấp HCV. Thế nhưng, với việc chỉ có được HCĐ, thành tích thi đấu không như mong đợi, Ánh Viên buồn và thất vọng cũng có thể hiểu được.

Bản thân Ánh Viên, BHL và lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào Ánh Viên nên dù không chê trách, chỉ có HCĐ cũng là điều khiến ai nấy đều tiếc nuối.

Chờ đợi sự bứt phá hơn nữa

Việc HLV Đặng Anh Tuấn hay cá nhân Ánh Viên tự thất vọng, không hài lòng với thành tích của bản thân phần nào đó chứng tỏ, nếu thi đấu đúng sức, đạt trạng thái thể lực, phong độ và tâm lý tốt nhất, Ánh Viên thậm chí còn có thể làm được nhiều hơn thế.

Ngoài chuyện phong độ, những gì Ánh Viên đạt được chỉ là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, bài bản và khoa học mà lãnh đạo Tổng cục TDTT, đơn vị chủ quản Quân đội dành cho kình ngư người Cần Thơ này.

Sau tấm HCB 200m bơi ngửa nữ (2 phút 12 giây 47) và HCĐ 400m ngửa (4 phút 48 giây 23) tại giải vô địch châu Á hồi cuối năm 2012, Ánh Viên được xác định sẽ là  VĐV của tương lai, đủ sức đưa bơi lội Việt Nam tiến lên đến trình độ châu lục và cần nhận được sự đầu tư, chăm sóc đặc biệt.

Ngay sau giải đấu cuối năm 2012, Ánh Viên di chuyển về Mỹ và tập huấn theo kế hoạch của Hiệp hội Thể thao dưới nước và Tổng cục TDTT, chuẩn bị dài hạn cho ASIAD 17 và Olympic Rio de Janeiro năm 2016. Kế hoạch tập huấn, thi đấu dài hạn ở Mỹ, chi phí cho một VĐV như Ánh Viên (tính cả tiền thuê chuyên gia và HLV trong nước) khoảng 100.000 USD/năm (tương đương hơn 2 tỷ đồng) được cho là cao hơn cả nguồn kinh phí đầu tư cho một môn thể thao trong khoảng thời gian tương tự.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Ánh Viên là một tài năng đặc biệt không chỉ của bơi lội nói riêng mà cả Thể thao Việt Nam nói chung, chính vì thế cô cần được hưởng nhiều ưu đãi, chế độ đầu tư đặc biệt. Sau những gì đã làm được tại SEA Games 27 và bây giờ là ASIAD 17 với 2 tấm HCĐ, thành tích mà Ánh Viên đạt được cho thấy sự đầu tư dành cho mình là đúng đắn và bước đầu cho thấy tính hiệu quả.

Nhưng, trong khả năng của mình, Ánh Viên còn có thể tiến xa hơn hơn nữa. Sinh năm 1996, Ánh Viên còn trẻ, tương lai của VĐV này còn có thể phát triển và tiếp tục tiến bộ nếu được tiếp tục đầu tư trọng điểm, theo kế hoạch dài hạn như đã đề ra.

2 tấm HCĐ là kỳ tích mà Ánh Viên đã mang về cho bơi lội Việt Nam nhưng trong khả năng của mình cũng như sự kỳ vọng của Hiệp hội thể thao dưới nước, Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL, Ánh Viên được hoạch định để tranh chấp HCV ASIAD, HCV giải vô địch châu Á trong một tương lai gần. Thế nhưng, nhìn từ cuộc tranh tài tại ASIAD 17 thì có thể thấy, để đạt được đích đến cao hơn, xa hơn như thế là điều không hề đơn giản với Ánh Viên.

Nói Ánh Viên còn trẻ cũng đúng khi xét về tuổi đời và nhìn trên bình diện hẹp của Thể thao Việt Nam. Còn nếu vươn ra tầm thế giới, việc một VĐV năm nay đã 18 tuổi như Ánh Viên mà vẫn được xem là trẻ, “của để dành” cho tương lai thì e có phần hơi khiên cưỡng.  Yi Shiwen, nhà vô địch Olympic ở hai nội dung 200m và 400m hỗn hợp cá nhân nữ cũng mới chỉ 18 tuổi như Ánh Viên và giành hầu hết huy chương ở các giải đấu tầm châu lục và thế giới ở những nội dung sở trường.

Ánh Viên mong một ngày vô địch châu Á, đó là mục tiêu thực tế nhưng chông gai, thử thách vẫn còn rất nhiều và sự đầu tư không thể chỉ dừng lại ở đây.

Một "Ánh Viên" khác trên đường chạy

Bên cạnh một Ánh Viên đã trở nên quen thuộc trên đường đua xanh, thì tại Asiad 17, TTVN còn chính thức trình làng một "Ánh Viên" khác trên đường chạy trung bình, đó là nữ tuyển thủ 19 tuổi Quách Thị Lan với tấm HCB cự ly 400m nữ.

Cũng là tài năng được phát hiện sớm từ phong trào, với những tố chất trời cho, cô gái người Mường quê Thanh Hóa này nổi lên vào năm 2012 khi thống lĩnh đường chạy 400m và 400m rào nữ quốc gia. Những tưởng thành công sẽ sớm đến, nhưng tại SEA Games 2013, cứ ngã sõng soài ngay trước vạch đích không chỉ lấy mất tấm HCV mà còn trở thành nỗi ám ảnh lớn với Quách Thị Lan.

Ngay cả quá trình đầu tư cho tài năng trẻ này cũng chẳng hề thuận lợi với những chuyện bên lề không như ý.

Tài năng của Lan là có thật, nhưng quả thật không giống một Ánh Viên nổi trội trên đường đua xanh, với điền kinh vẫn có những tượng đài cũ sường sững được đặt nhiều kỳ vọng.

Nhưng rồi vượt trên tất cả, cô gái Mường đã tỏa sáng ở ASIAD 17 với tấm HCB còn quý hơn Vàng. Và cũng cần phải nói thêm rằng, nếu không có Adekoya Mujidat, đối thủ (Bahrain, gốc Nigeria), thì Lan đã là số 1 thực sự của châu lục.

Có Viên, giờ thêm Lan, Thể thao Việt Nam có thêm nhiều hy vọng và cũng thêm cả những bài toán đầu tư trong tương lai.


Thành Đạt
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm