'Khe hở' giúp biến thể Delta hoành hành tại Mỹ

04/10/2021 16:11 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/10, Mỹ đã ghi dấu cột mốc buồn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khi con số tử vong vượt mốc 700.000 người - cao hơn cả dân số của thành phố Boston, bang Massachusetts.   

Biến thể Delta khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi Alpha

Biến thể Delta khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi Alpha

Biến thể Delta, có khả năng lây nhiễm cao và đang là biến chủng lây lan chính trên thế giới, có thể khiến người nhiễm có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha.

Theo giới chuyên gia, 100.000 ca tử vong mới đây của Mỹ được ghi nhận trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 - vốn được coi là "tấm khiên" ngăn tử vong, nhập viện và bệnh nặng, sẵn có ở Mỹ để tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, thực tế hàng chục triệu người dân Mỹ đã từ chối cơ hội tiêm vaccine ngừa COVID-19, tạo "khe hở" để biến thể Delta xâm nhập và sinh sôi ở nước này, khiến số ca tử vong tăng từ mức 600.000 lên 700.000 ca trong 3,5 tháng. Điều này thực sự khiến các bác sĩ, giới chuyên gia y tế và dân chúng Mỹ quan ngại bởi đại dịch vốn đã dịu đi trước đó vào mùa Hè, có nguy cơ u ám trở lại.   

Bang Florida là bang có số ca tử vong cao nhất trong giai đoạn kể từ giữa tháng 6 vừa qua, với khoảng 17.000 người không qua khỏi. Tiếp đó là bang Texas, với 13.000 ca. Hai bang này có dân số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, song chiếm hơn 30% số ca tử vong kể từ khi số ca tử vong tại Mỹ vượt mốc 600.000 ca.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến sĩ David Dowdy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết ít nhất 70.000 trong số 100.000 ca tử vong mới đây là những người chưa được tiêm chủng. Hầu hết những người được tiêm COVID-19 tử vong đều nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người chưa được tiêm. Ông nhấn mạnh, nếu chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ hiệu quả hơn, có lẽ đã có thể ngăn ngừa 90% số ca tử vong kể từ giữa tháng 6.   

Con số tử vong tăng cao gắn liền với những câu chuyện bi thảm của mỗi gia đình. Anh Danny Baker, 28 tuổi, là một trong số đó. Anh đã mắc COVID-19 vào mùa Hè, được điều trị trong hơn 1 tháng tại bệnh viện, song không qua khỏi vào ngày 14/9 vừa qua, để lại người vợ và cô con gái nhỏ mới 7 tháng tuổi. Bố mẹ của Baker nhớ lại thời gian đầu xảy ra đại dịch, con trai của ông bà - từng vô địch bắn súng ở trường phổ thông trung học, yêu thích đi săn và câu cá, luôn khẳng định mình sẽ là người đầu tiên tham gia tiêm vaccine ngừa bệnh.

Thế nhưng, ngay khi Chính phủ Mỹ cho phép triển khai tiêm vaccine cho những người trong độ tuổi của Baker, nhà chức trách khuyến cáo ngừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson để điều tra các thông tin về nguy cơ xuất hiện huyết khối hiếm gặp. Thông tin này, đặc biệt là các thông tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng Internet, trong đó có việc vaccine có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản đã khiến Baker sợ hãi, không dám đi tiêm vaccine.   

Chú thích ảnh
Một em nhỏ 7 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech tại trung tâm y tế Duke ở Durham, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: Reuters/TTXVN

Vợ của Baker là Aubrea Baker, 27 tuổi, một nữ hộ sinh, khẳng định đã có rất nhiều tin giả đang được lan truyền trên mạng Internet và cái chết của chồng cô đã truyền cảm hứng trên Facebook, thúc đẩy được ít nhất 100 người đi tiêm vaccine phòng bệnh.     

Trên thực tế, khi số ca tử vong vượt qua con số 600.000 vào giữa tháng 6, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã phát huy hiệu quả, giảm số ca mắc, các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ và người dân háo hức mong chờ cuộc sống trở lại bình thường trong mùa Hè. Số người tử vong mỗi ngày khi đó, giảm mạnh xuống mức trung bình khoảng 340, chỉ gần bằng 1/10 so với mức hơn 3.000 hồi giữa tháng 1/2021. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, giới chức y tế Mỹ đã phải cảnh báo xảy ra đại dịch đối với những người chưa được tiêm chủng.   

Biến thể Delta đã "lợi dụng" khoảng trống trong việc tiêm vaccine, tấn công nước Mỹ, khiến số ca mắc và tử vong tăng cao, nhất là những người chưa tiêm vaccine và trẻ tuổi, khiến nước Mỹ phải triển khai việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dễ bị tổn thương.   

Hiện tỷ lệ tử vong theo ngày tại Mỹ vào khoảng 1.900 ca, các ca mắc bắt đầu giảm dần từ mức cao hồi tháng 9. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể xấu đi vào mùa Đông. Trong tuyên bố đưa ra ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng để bảo vệ mạng sống. Theo ông, nước Mỹ đã đạt tiến triển trong cuộc chiến chống COVID-19 trong 8 tháng qua chính là nhờ việc triển khai tiêm vaccine.   

Thống kê cho thấy, hiện 65% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 56% được tiêm đầy đủ. Hàng triệu người vẫn "quay lưng" với vaccine vì nhiều lý do, trong đó có do sợ hãi và những thông tin sai sự thật.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm