Chiếu dời đô được “phát triển” thành Khát vọng Thăng Long

06/02/2010 09:40 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - Sáng qua (5/2) tại Hà Nội, đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long đã chính thức họp báo ra mắt. Bộ phim sẽ được thực hiện theo nguồn kinh phí xã hội hóa do một nhóm các nhà đầu tư, đứng đầu là Công ty Kỷ nguyên sáng đảm nhận vai trò nhà sản xuất. Với nội dung về Thái tổ Lý Công Uẩn- người đã định đô Thăng Long, Hà Nội ngày nay, phim sẽ được ra mắt đúng dịp Đại lễ 1000 năm nay.

Đạo diễn Lưu Trong Ninh cho biết:

- Tôi đã từng có ý tưởng làm phim về Lý Công Uẩn từ 4 năm trước và đây là bộ phim mà tôi dành rất nhiều tâm huyết. Bộ phim sẽ là món quà tinh thần hết sức có ý nghĩa với công chúng cả nước trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

* Khát vọng Thăng Long là tên mới của Chiếu dời đô hay 2 phim này độc lập nhau, thưa ông?

- Khát vọng Thăng Long được phát triển trên cơ sở kịch bản gốc là Chiếu dời đô của tác giả Triệu Tuấn mà Hãng phim Hội Điện ảnh có ý định thực hiện nhưng không thành. Thực ra, đã có thời 2 phim này đi cùng một con đường.


Đoàn làm phim Khát vọng Thăng Long đã chính thức họp báo ra mắt
* Tiếp nhận phim trong hoàn cảnh gấp rút, đại lễ đang đến rất gần, ông có đảm bảo phim sẽ kịp ra mắt trước ngày 10/10/2010?

- Đúng là chúng tôi đang rất khó khăn. Chỉ còn 8 tháng nữa thôi, trong đó, làm hậu kỳ đã mất 1 tháng rồi. Nhưng bằng tất cả nỗ lực, đặt yêu cầu sản xuất lên trên hết, phim sẽ chính thức được bấm máy vào ngày 15/3 tới và chắc chắc sẽ hoàn thành, ra mắt công chúng đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đến thời điểm này, các công đoạn chuẩn bị để bấm máy Khát vọng Thăng Long đã gần như hoàn tất.

* Ông có cho rằng phim lịch sử  thường không hấp dẫn khán giả, với bộ phim này, ông sẽ làm thế nào để thu hút người xem...

- Các cảnh trong phim hoàn toàn được quay tại VN mặc dù bối cảnh cách đây 1.000 năm, rất khó tái hiện. Bối cảnh chính sẽ được quay tại Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế... Rất nhiều làng nghề truyền thống của VN sẽ được huy động để tham gia bộ phim lịch sử này. Trong phim cũng có đại cảnh hoành tránh về chiến tranh, huy động nhiều diễn viên quần chúng, ngựa xe và sẽ được quay tại Tây Nguyên. Tuy khó khăn, nhưng ê kíp làm phim sẽ cố gắng ở mức cao nhất để có đại cảnh hoành tráng, hình ảnh đẹp nhất, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng. Dù vậy, điểm nhấn chính của bộ phim vẫn là thể hiện cuộc đời dung dị của vị vua khởi đầu triều Lý, mà ở đó những cảnh quay sẽ tập trung vào văn hóa sinh hoạt của người VN cách đây 1.000 năm như giếng nước, ao làng...

* Nhưng trong buổi ra mắt này, không có diễn viên nào cả. Diễn viên chính, tại sao không có mặt tại đây, ai sẽ đóng vai Lý Công Uẩn, thưa đạo diễn?

Như TT&VH đã đưa tin, tháng 11/ 2009, sau khi dự án phim Chiếu dời đô đã khởi động, các phần việc như khảo sát bối cảnh, triển khai casting (tuyển chọn) diễn viên đang tiến hành thì bất ngờ có tin Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam  không làm Chiếu dời đô nữa mà “đã được người khác “chạy tiếp sức” cho.

- Hôm nay là buổi ra mắt đoàn làm phim, đáng lẽ ra phải ra mắt cả quay phim, diễn viên chính, diễn viên phụ... nhưng tôi chưa thể tiết lộ nhiều khi bộ phim chưa ra đời! Trong mọi sự lựa chọn, chúng tôi sẽ có sự lựa chọn cuối cùng. Nhưng bộ phim này, sự lựa chọn của chúng tôi rất khó khăn. Thực lòng, giờ tôi công bố thì cũng tốt nhưng tôi chưa thể công bố vội được. Những vai chính của phim sẽ được giới thiệu rộng rãi trong 100 tập phim ngắn tư liệu (10 phút/ 1 tập) và sẽ công chiếu trên HTV, VTV. Đến nay chúng tôi đã hoàn thành được 10 tập, chuyển tải 1 phần về quá trình, lịch trình, những khó khăn vất vả, những tâm huyết của đoàn làm phim làm sao để ra được bộ phim hay... Bộ phim này sẽ sớm ra mắt công chúng.

* Đây là phim của VN, nhưng được biết sẽ có một ê-kíp người nước ngoài cùng tham gia, họ sẽ tham gia vào khâu nào?

- Trong quá trình làm phim, do VN chưa có trường quay, nên việc xây dựng bối cảnh sẽ rất tốn kém và hầu hết các bối cảnh đều là những hình ảnh đơn lẻ, phải dùng tới kỹ xảo để hoàn thiện. Vì thế, chúng tôi phải dựa trên công nghệ hiện đại và các chuyên gia nước ngoài, còn cảnh quay, phục trang... hoàn toàn do chuyên gia VN thực hiện. Cái khó của đoàn làm phim chúng tôi là phải làm một bộ phim lịch sử đúng chất của người VN, thể hiện hồn cốt, tinh thần, văn hóa của người Việt.

* Làm phim về 1.000 năm trước, vậy bối cảnh, đạo cụ, trang phục trong phim sẽ dựa vào những tư liệu lịch sử nào?

- Ban cố vấn, các chuyên gia... đã dựa trên nguồn tư liệu lịch sử chính thống, tài liệu dã sử, những cổ vật đào được từ thời nhà Lý... để thực hiện cảnh quay, phục dựng trường quay... Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn vì nguồn tài liệu về lịch sử VN cách đây 1.000 năm khá ít ỏi, nhưng chúng tôi rất tự tin với những tài liệu có được và sẽ làm mọi cách để biến Lý Công Uẩn thành nhân vật lịch sử hấp dẫn.

Hoài Thương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm