Khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước qua 2 ca khúc về Hà Nội, Huế, Sài Gòn
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chợt nhớ tới hai ca khúc rất nổi tiếng có tựa đề khá gần nhau của hai nhạc sĩ lớn: đó là nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Về nhạc sĩ Hoàng Vân, chúng ta đã quá quen thuộc với âm nhạc của ông, nhưng thông tin này khiến chúng ta càng tự hào hơn: Bộ sưu tập tài liệu âm nhạc của ông với hơn 700 tác phẩm vừa được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới vào tháng 4 này.
Vâng, đã được UNESCO đưa di sản âm nhạc của ông vào chương trình "Ký ức thế giới" có nghĩa rằng âm nhạc Hoàng Vân đã được nhân loại nhớ đến, đã nằm trong ký ức của nhân loại.
Tác phẩm Hà Nội - Huế - Sài Gòn của nhạc sĩ Hoàng Vân nằm trong dòng chảy âm nhạc đấu tranh cho công cuộc thống nhất đất nước, được nhạc sĩ sáng tác năm 1961.
Nhạc sĩ Hoàng Vân và ca khúc "Hà Nội - Huế - Sài Gòn"
Về tác phẩm này, có một chuyện nhỏ cần được nhắc lại. Năm 1960, nhà thơ Lê Nguyên đã sáng tác bài thơ "Hà Nội Huế Sài Gòn", nhạc sĩ Hoàng Vân đã đọc bài thơ này, và thấy phù hợp với mình, ông đã cắt tỉa sắp xếp lại, làm gọn vì bài thơ hơi dài, và viết nên tác phẩm âm nhạc cùng tên.
Tôi còn nhớ, hồi ấy tôi còn rất nhỏ, nhưng rất thích bài hát Hà Nội - Huế - Sài Gòn của Hoàng Vân. Có lần tôi xem trên báo Nhân Dân hay báo Thống Nhất, thấy ghi rõ bên dưới đầu đề bài hát là: âm nhạc Hoàng Vân, thơ Lê Nguyên. Chẳng hiểu vì sao, qua nhiều tháng năm, cái tên nhà thơ Lê Nguyên rất ít xuất hiện cùng với bài hát này. Chính Hoàng Vân cũng đã nhiều lần xác nhận, Lê Nguyên là tác giả phần lời của ca khúc. Những người, những đơn vị phát hành tác phẩm âm nhạc nên nhớ điều này: tuyệt đối không được "bỏ quên" tác giả phần lời của ca khúc, vì đó cũng là sáng tạo của nhà thơ. Sau này, những chuyện "bỏ quên" khó chịu như thế vẫn xảy ra, và "nạn nhân" vẫn là các nhà thơ hiền lành như nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu…
Trở lại với ca khúc Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đây là ca khúc trữ tình, tha thiết và day dứt. Phần lời ngắn gọn, nhưng được âm nhạc đẩy lên, nên mang sức lan tỏa lớn:
"Trên đất mẹ nắng hồng như lụa Trải nghìn năm gắn bó (miền) hai miền Như cành chung gốc lớn lên Như anh em của mẹ hiền Việt Nam! Ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ ơ... (Trích "Hà Nội - Huế - Sài Gòn". Lời: Lê Nguyên, nhạc: Hoàng Vân)
Rất nhiều thế hệ ca sĩ, trong đó có những ca sĩ lớn, đã thể hiện rất thành công ca khúc này. Cũng như vậy, rất nhiều thế hệ người nghe đã thuộc lòng vì quá yêu thích ca khúc này.
Với nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi chỉ được gặp ông một lần duy nhất. Đó là tại một cuộc hội thảo về văn nghệ ở Tây Ninh, sau hòa bình chưa lâu. Nhạc sĩ Hoàng Vân khi đó đã rất nổi tiếng. Còn tôi chỉ là một nhà thơ trẻ. Thuở đó, tôi rất "tích cực" tham dự các cuộc hội thảo, không phải để quảng bá tên tuổi, mà chỉ mong viết được chút gì, vì gia đình tôi lúc đó rất khổ. Tan hội thảo, trên đường về Sài Gòn, tình cờ tôi gặp anh Hoàng Vân khi xe dừng cho khách uống nước. Do tôi có đọc một tham luận, nên anh Hoàng Vân biết tôi. Anh trò chuyện với tôi rất thân tình. Cách thể hiện của anh rất khiêm nhường, khiến tôi nhớ mãi.
Về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc để đời "Huế - Sài Gòn - Hà Nội", thì sau giải phóng về Sài Gòn tôi mới được nghe. Nghe lần đầu đã thấm ngay, đã kết ngay. Hồi đó, tôi được một người bạn cho một chiếc cassette cũ nhưng còn tốt, tôi kiếm được băng nhạc Trịnh Công Sơn, tôi với nhà thơ Ngô Thế Oanh đi đâu cũng mang kè kè chiếc cassette có băng nhạc Trịnh này, và mở nghe suốt ngày. Trong băng nhạc đó, có ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Không chỉ chúng tôi nghe, nhiều anh em trí thức văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng nghe rất say mê âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nếu ca khúc Hà Nội - Huế - Sài Gòn của Hoàng Vân trữ tình tha thiết bao nhiêu thì ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội của Trịnh Công Sơn mãnh liệt, khao khát bấy nhiêu:
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tác giả "Huế - Sài Gòn - Hà Nội". Ảnh: Dương Minh Long
... Bàn tay giúp nước bàn tay kiến thiết
Những dấu căm hờn xưa nhạt mờ
Nhà ta xây mái vườn ta thêm trái
Cho em ra đầu núi ca tình vui
Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền
Phá biên thuỳ mở rộng đường thêm
Dựng nước bình yên".
(Trích "Huế - Sài Gòn - Hà Nội". Tác giả: Trịnh Công Sơn)
Như vậy, khoảng chục năm sau ca khúc Hà Nội - Huế - Sài Gòn của Hoàng Vân ra đời tại Hà Nội, thì ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội của Trịnh Công Sơn xuất hiện tại Sài Gòn. Thử nghĩ xem, ca từ mãnh liệt và trực diện của ca khúc Trịnh Công Sơn xuất hiện ngay giữa Sài Gòn với những câu hát thế này: "Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau/ Triệu chân em/ Triệu chân anh/ Hỡi ba miền vùng lên cách mạng" thì tác giả phải chịu nguy hiểm thế nào dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu? Rõ ràng, Trịnh Công Sơn đã rất can đảm khi viết ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội.
Và cả hai ca khúc, một của Hoàng Vân, một của Trịnh Công Sơn, đều còn lại cho tới hôm nay, và dĩ nhiên, cho tới muôn đời sau.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất