Khánh Thi: “Điệu từng milimét”

11/06/2012 09:38 GMT+7 | Người đẹp


Có cảm giác nàng rất hiểu đàn ông, chỉ liếc mắt một cái là biết rõ tim, gan, mề, răng và phao câu chúng, nhưng nàng vẫn cố để chúng lừa. Cái đó mới tuyệt vời.

Cách đây hai, ba năm gì đó, tôi không nhớ nữa (người ta thường không nhớ rõ những ngày hạnh phúc nhưng luôn luôn khắc sâu tâm trí những khổ đau), tôi được Công ty Cát Tiên Sa mời làm giám khảo cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” lần thứ nhất.



Tôi chả hiểu ban tổ chức căn cứ vào đâu để làm thế. Chắc họ thấy Lê Hoàng hay nhảy nhót một cách liều mạng trên dư luận. Tôi hơi đắn đo, vừa sợ, vừa lo nhưng cuối cùng lòng tham lam và tính háo danh vẫn chiến thắng. Nhưng do cả háo sắc nữa, tôi bèn hỏi lại “Ban giám khảo có ai?”. Người ta nói, có Quang Dũng, Chí Anh và Khánh Thi.

Khánh Thi? Trong cuộc đời nhỏ bé, đầy tăm tối của mình, tôi biết Khánh Ly, Khánh Ngọc, Lê Bá Khánh Trình và Vân Khánh, Ngọc Khánh, còn Khánh Thi là ai? Tôi hỏi lại Cát Tiên Sa. Họ trả lời: "Là nữ hoàng khiêu vũ".


Từ thuở ấu thơ tới giờ, tôi cũng biết có nữ hoàng Anh, nữ hoàng Đan Mạch, thêm nữ hoàng trang sức là cùng, chứ nữ hoàng khiêu vũ là sao? Hay cô ta có chồng là hoàng đế khiêu vũ? Cô ta được bầu hay được truyền ngôi? Cô ta đi xe ngựa hay đi xe hơi? Cô ta đã chém đầu ai chưa? (vì tôi đọc sách, biết nữ hoàng có thể ra lệnh chém người).

Với hàng trăm câu hỏi ngổn ngang như vậy, tôi lò dò tới bàn Ban giám khảo “Bước nhảy hoàn vũ” và gặp Khánh Thi.

Cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy Khánh Thi là nàng rõ ràng ăn mặc theo kiểu nữ hoàng. Nghĩa là váy đầm to, hoa to và búi tóc to. Đã nữ hoàng tất nhiên không sợ lóng lánh, không sợ ren và không sợ những màu tương phản. Khánh Thi có thể mặc váy trắng, váy đỏ, váy tím và váy màu đọt chuối. Quần hầu như không được phán xét.

Cảm giác thứ hai về Khánh Thi là nàng đẹp, nàng lạnh lùng nhưng pha bối rối. Nàng không biết gọi Lê Hoàng là gì và gọi Dũng Khùng là gì. Nàng chỉ biết chắc Chí Anh đã từng là gì.

Với tư cách một kẻ cả đời chỉ khiêu vũ trên giấy, Lê Hoàng cho điểm rất hồn nhiên. Gã nghĩ nhảy Tango cũng như nhảy Rumba, chỉ cần vung chân lên khỏi sàn là được. Nhưng Khánh Thi không thế. Nàng bị giằng xé giữa chuyên môn và lòng cảm thông sâu sắc với thí sinh, vì vậy đôi khi nàng ném điểm như ném phao cấp cứu cho bạn bè trên mặt biển.

Ngồi cạnh Khánh Thi một thời gian, Lê Hoàng học được rất nhiều điều. Điều thứ nhất, người ta vẫn có thể là đàn bà, nhưng vẫn có thể là nghệ sĩ, đồng thời là doanh nhân. Hình như Khánh Thi lúc nào cũng tìm cách yêu, sống và trở nên giàu có nhờ khiêu vũ. Nàng muốn mở trung tâm giảng dạy kỹ thuật nhảy, muốn trở thành nhà thiết kế trang phục, muốn cả nước cùng bước Chachacha hoặc Tango sau khi đóng lệ phí. Nàng muốn khiêu vũ phủ sóng từ lâu đài cho tới chợ.

Điều thứ hai cần học ở Khánh Thi là sự khát khao vô bờ. Cái gì nàng cũng không muốn bỏ qua. Đóng phim ư? Nàng đóng phim! Hát ư? Nàng hát. Nghiêm trang ư? Nàng nghiêm trang, còn xếch-xy ư? Nàng xếch-xy khẩn cấp. Khánh Thi chả sợ gì, chỉ sợ vô danh và nghèo.

Điều thứ ba học được ở Khánh Thi là người ta có thể yếu đuối pha mạnh dạn. Có cảm giác nàng rất hiểu đàn ông, chỉ liếc mắt một cái là biết rõ tim, gan, mề, răng và phao câu chúng, nhưng nàng vẫn cố để chúng lừa. Cái đó mới tuyệt vời.

Cảm giác bao trùm về Khánh Thi là một người con gái lao động quần quật. Tôi chưa khi nào dám hỏi nàng có sinh ra trong một gia đình quý tộc không, bởi nữ hoàng, đặc biệt là nữ hoàng đệ nhất không nhất thiết phải là con của một nữ hoàng khác. Nhưng tôi có cảm giác hình như Khánh Thi vất vả từ nhỏ. Nhiều cô gái ra đời với hai bàn tay trắng, riêng Khánh Thi thêm cả hai bàn chân trắng.

Để có một hôm nay, nàng đã phải lướt đôi chân ấy qua đủ các sàn. Đó là điều cần phải nghiêng mình, thậm chí nghiêng tới mức gẫy gập. Tất cả các nữ hoàng khi xuất hiện đều có cờ hiệu, lính dẹp đường và âm nhạc nổi lên. Khánh Thi biết làm những thứ ấy một mình. Không khi nào nàng ngồi vào ghế giám khảo khi chưa hài lòng về nhan sắc của mình. Từng milimét trên người cũng phải cân nhắc cẩn thận. Ngồi cạnh Khánh Thi, Lê Hoàng trở thành gã trai bèo nhèo, còn những gã đàn ông khác nom như phù dâu.

Tôi tin rằng trong sâu thẳm tâm hồn, Khánh Thi hiểu và mê cái đẹp. Khán giả đồn rằng nàng ưu ái các thí sinh đẹp trai. Thế chả lẽ nàng phải khoái một lão già cho các vị hài lòng?

Nhưng như tất cả các thiếu nữ Hà Nội, Khánh Thi đôi lúc phải hy sinh cái đẹp cho cái cần thiết. Nàng có khả năng giết Nam Thành hoặc Huỳnh Đông rồi đêm về khóc một mình.

Tôi đã vài lần có vinh dự hiếm hoi được nghe Khánh Thi hát. Đó là một sự ăn khớp hoàn hảo giữa lời ca và vũ đạo. Còn trang phục thì khỏi nói. Nàng biết khi nào cần phải xuống, khi nào cần xòe ra và khi nào cần bay lên. Người ta có thể nghe Mỹ Tâm hát, nhưng người ta phải xem Khánh Thi ca. Có như vậy cuộc đời mới đầy đủ. Tôi tin rằng sự nghiệp ca hát của Khánh Thi chỉ mới bắt đầu. Âm nhạc hãy liệu hồn. Chúng bay chưa biết bà đâu!

Nói chuyện với Khánh Thi rất gần gũi và dễ chịu, nếu đấy không phải kẻ nàng cần đề phòng. Có thể thổ lộ với nàng những thứ xấu để nghe nàng kể những thứ xấu. Nàng không phải là nữ hoàng băng giá. Nàng là Khánh Thi, nữ hoàng khiêu vũ và hình như không muốn truyền ngôi. Lê Hoàng hãy nhớ lấy!

Bài: Lê Hoàng/Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm