Quán quân Got Talent Đăng Quân: Thần tượng của em là mẹ

05/02/2013 07:20 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Quán quân Vietnam’s Got Talent sôi động trên sân khấu bao nhiêu thì rụt rè bên ngoài bấy nhiêu. Chị thanh thủy - mẹ Đăng Quân vui vẻ và đầy tự hào suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi!



Cuộc sống của em có gì thay đổi sau khi trở thành quán quân Vietnam’s Got Talent không?

- Không ạ, ở lớp tập thì các bạn đều đi thi và có giải trước em rồi, nên khi em được giải thì cũng… chẳng có gì đặc biệt lắm, chỉ khi ra đường có ai nhận ra thì em thấy rất vui. Hiện giờ, lịch tập của em kín các buổi tối trong tuần, em đang tham gia nhóm nhảy Mikiway và tập hát, múa… để sau này có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực. Ước mơ của em là trở thành một nghệ sĩ đa năng trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là dance sport.

Có khi nào em nghĩ mình tập luyện nhiều quá, không có thời gian chơi như các bạn cùng lứa?

- Mỗi lần đi thi là mỗi lần mẹ cho em đi chơi thỏa thích rồi ạ. Trong tuần, nếu các ngày nghỉ được trống lịch, mẹ cũng vẫn thường cho em đi xem phim, đi chơi với các bạn, nên về cơ bản em thấy mình không có gì khác các bạn mấy (cười).

Có nhiều bạn “bị” bố mẹ ép đi học nhiều môn năng khiếu, tập luyện các môn thể thao chỉ để con mình “giống như” tất cả các đứa trẻ đồng trang lứa khác, em có mảy may nào nghĩ rằng mình cũng là một trường hợp như thế không?

- Dạ không chị ạ. Em đi tập từ năm tám, chín tuổi. Ở lớp, các bạn đồng tuổi cũng không nhiều, chủ yếu là các em nhỏ hơn. Các bạn tuổi em, nếu như không có niềm yêu thích thì cũng nghỉ dần hết, còn các em nhỏ, có lẽ vì say mê một phần, phần khác là nghe lời bố mẹ nên vẫn theo tập. Có nhiều lần nghỉ giải giao giữa giờ tập, em ngồi cạnh mẹ và vô tình nghe được những câu của các em nói với nhau như “Tớ chả thích gì cả, nhưng bố/mẹ cứ thích/ bắt tớ phải đi tập. Ước gì tớ được đi ăn kem/đi chơi…”, em cũng thấy “suy nghĩ” một chút. Em hỏi mẹ, thì mẹ giải thích cho em rằng, có thể bố mẹ các bạn cũng có tâm lý như bố mẹ em thôi, đó là thấy con yêu thích thì cho đi tập, nhưng có lẽ, phần quyết định nhất trong việc này là niềm say mê, khát khao được luyện tập, sống chung với con đường mà mình đã chọn thì các em, các bạn ấy lại có chưa đủ.

Thế nếu em là một trường hợp như các bạn ấy, em sẽ có phản ứng ra sao?

- Em nghĩ là em sẽ “nói chuyện thẳng thắn” với bố mẹ về điều đó, những gì mình thích hay không thích thì đều được đề đạt với bố mẹ để bố mẹ hiểu được mình hơn chứ ạ. Em nghĩ rằng không có bố mẹ nào lại “nhẫn tâm” bắt con mình làm điều nó không thích, không ham muốn cả (em dùng từ “hơi mạnh” nhưng mà em nghĩ như vậy là “chuẩn” hơn đấy chị ạ, hì hì). Mẹ em luôn nói mẹ tự hào về em và luôn muốn tự tay chăm sóc em mọi việc. Em thấy mình là người rất may mắn vì mẹ đã luôn ủng hộ em.
 
Mẹ đã hỗ trợ em và ủng hộ em đến với niềm đam mê của mình thế nào?

- Khi em bắt đầu đi tập dance sport, thì mẹ cũng bắt đầu dừng công việc làm may của mình để đưa đón, chăm sóc em. Không đơn giản chỉ là chuyện đưa em đến lớp tập rồi đón em về là “xong việc”, mà mỗi buổi như vậy, mẹ lại ngồi quan sát suốt buổi tập của em và giải đáp những thắc mắc của em hoặc đóng góp ý kiến cho em. Có những hôm mẹ bận việc gì, thì bố đưa em đi nhưng em chỉ thích mẹ đưa em đi học thôi vì em hỏi bố cái gì bố cũng bảo là “được rồi” nên em chẳng biết mình có được hay chưa nữa. Có lúc mẹ còn quay clip lại để em có thể xem lại được, có dịp để so sánh xem đã hay chưa. Em không thích những động tác đơn giản, mẹ cũng muốn em nhảy những động tác khó để em cố gắng và có thể chứng minh khả năng của mình. Vì thế nhiều lúc mẹ thường yêu cầu các thầy cô dựng bài cho em phải làm cái gì thật khó, kể cả múa đơn, để tạo dấu ấn cho người xem. Cũng may là em luôn tập trung và hứng thú với điều đó nên mọi bài tập em đều hoàn thành xuất sắc.
 
Mẹ còn tự tay thiết kế và may trang phục diễn cho em nữa. Vì em chuyên nhảy Michael nên đồ diễn nhanh hỏng lắm, mẹ có nghề may nên may đồ và chỉnh sửa cũng dễ hơn. Còn đẹp nữa chứ (cười). Mẹ em cũng chính là người đầu tiên cho em tham gia câu lạc bộ Họa My để luyện tập đấy.

Em có thần tượng ai không?

- Mẹ là thần tượng của em. Ngoài ra em cũng muốn mình sẽ trở thành một người nghệ sỹ đa năng như chú Nguyễn Hưng. Hết cấp hai em muốn sẽ thi vào trường Nghệ thuật. Và em biết là mẹ sẽ luôn ủng hộ những ước mơ của em.

Chị Thanh Thủy - mẹ Đăng Quân Không bắt con phải học giỏi, nhảy đẹp

Đăng Quân - Thần tượng của em là mẹ 2 Gia đình biết niềm say mê của Quân nên không bắt ép cậu vừa phải học văn hóa vừa phải học nhảy. Tuy Quân không được học sinh giỏi, chỉ dừng ở mức học sinh tiên tiến hằng năm nhưng gia đình cũng không lấy đó làm áp lực để bắt ép cậu phải học thật giỏi, hoặc trở thành một cậu bé vừa phải có điểm cao vừa nhảy giỏi nữa.

 Ngày còn đi học, mình cũng như mọi người khác, chắc chắn ai cũng bị áp lực về chuyện phải mang điểm chín điểm mười, phải là đạt học sinh giỏi cuối kỳ, cuối năm về khoe với bố mẹ, để bố mẹ mừng… nên bây giờ tôi không làm như vậy với con.

Ngay như với việc tập luyện của con cũng vậy, nếu Quân không có một niềm đam mê lớn như thế thì chúng tôi cũng không cố ép con theo lớp. Bởi ngoài năng khiếu ra, ai cũng vậy thôi, phải có đam mê thì mới thực hiện được thành công ước mơ của mình, chứ nếu không mê, chỉ dừng lại ở việc làm cho biết, tập cho hay, hoặc để “phục vụ” cho ý thích của người khác, thì dần dần chút năng khiếu đó cũng không phát triển hơn được. Tôi thấy có một tình trạng khá phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay, đó là: con người khác học gì, con mình cũng phải học được cái đó.

 
Theo Gia đình & Xã hội

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm