Vaccine Covid-19 giả: nguy hại khôn lường

23/06/2021 19:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lợi dụng việc vaccine phòng Covid-19 đang khan khiếm, cả trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã xuất hiện các lời mời chào mua bán, tiêm phòng các loại vaccine Covid-19.

Vaccine Covid-19 Việt Nam phê duyệt khẩn cấp đều qua 3 lần thử nghiệm lâm sàng

Vaccine Covid-19 Việt Nam phê duyệt khẩn cấp đều qua 3 lần thử nghiệm lâm sàng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 23/6, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vaccine phòng COVID-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero-Cell của Sinopharm để phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Dù đây là loại dược phẩm đặc thù và các hãng sản xuất vaccine phòng Covid-19 ở thời điểm hiện tại chỉ làm việc qua Chính phủ các nước hay hiểu đúng hơn sẽ không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp và các giao dịch thương mại đều có thể là vaccine giả mạo hoặc không chính hãng.

*Cảnh báo lừa đảo bán vaccine phòng Covid-19 giả

Vaccine phòng Covid-19 đang được xem là lá khiên bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất cho mọi người, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Lợi dụng việc vaccine phòng Covid-19 đang khan khiếm, nhiều email chào hàng, hay quảng cáo spam thậm chí còn chào bán vaccine nhái dán nhãn Pfizer hay Moderna. Số lượng trang web về vaccine phòng Covid-19 đã tăng vọt kể từ cuối năm 2020. Nhiều người đã nhận được những đường link dẫn tới những trang web chợ đen này trong email hay hòm thư spam hay các ứng dụng.

Tinh vi hơn, khi nhắn tin hỏi các những người bán ẩn danh này về việc mua vaccine, người mua sẽ nhận được câu trả lời: Chỉ cần trả 0.01 Bitcoin, là có liều vaccine đủ dùng cho một người. Nhiều người cả tin đã trả tiền, nhưng không bao giờ nhận được sản phẩm. Tuy nhiên vẫn có thể coi đó còn là may mắn, vì nếu thực sự loại vaccine giả mạo đó được gửi đến, thì rủi ro tiếp theo không phải là ở túi tiền mà chính là sức khỏe.

Thậm chí, với vaccine của Pfizer, nhiệt độ cần thiết để bảo quản là -70oC, nhưng nhiều người bán để dụ khách mua đã nói rằng chỉ cần bảo quản ở -10oC trong ngăn đá tủ lạnh là được.

Covid-19, Vaccine Covid-19, Vaccine Covid-19 giả, tác hại của vaccine Covid-19 giả, Covd hôm nay, Covid thế giới

Quy mô của những chiêu trò lừa đảo này không chỉ dừng ở đó. Bộ An ninh nội địa Mỹ đã triệt phá một website giả mạo hãng dược Moderna, vừa quảng cáo vaccine phòng Covid-19 giả, vừa lây lan phần mềm độc hại.

Có thể nói, thị trường vaccine giả mạo mang lại những sự nguy hại khôn lường.

Tại Việt Nam, cũng lợi dụng tâm lý mong muốn được tiêm vaccine của nhiều doanh nghiệp và người dân, đã xuất hiện những thông tin quảng cáo, mời chào mua bán, tiêm phòng các loại vaccine Covid-19. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, đơn vị này đã ghi nhận nhiều phản ánh về lời mời chào mua bán, tiêm phòng vaccine qua email, trên các nền tảng xã hội và cả tin nhắn đến điện thoại.

Đại diện của Pfizer Việt Nam cho biết, loại vaccine này đang bị buôn bán, làm giả dưới rất nhiều hình thức như: làm giả nhãn mác, cách thức đóng gói hay bán cả các lọ rỗng; chào bán hàng qua các mạng xã hội hay tinh vi hơn cả là có cả các tổ chức chào bán hàng trực tiếp đến các bệnh viện, Chính phủ các nước.

Nhiều ngân hàng gần đây cũng cảnh báo thủ loạn đừa đảo của kẻ gian để chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng có liên quan đến vaccine phòng Covid-19. Theo đó, kẻ gian tiếp cận khách hàng qua điện thoại hoặc thư điện tử để hỏi khách hàng về việc đăng ký vaccine phòng Covid-19 và yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký. Đối tượng lừa đảo cũng có thể gửi đến khách hàng một đường link qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại để đăng ký vắc vaccine phòng Covid-19 nhưng đường dẫn lại chứa phần mềm độc hại tấn công thiết bị và ăn cắp dữ liệu cá nhân. Khi người dùng cung cấp thông tin theo yêu cầu, kẻ gian có thể lợi dụng để hiện thực hóa hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Công an đánh giá, Việt Nam đang có nguy cơ nằm trong khu vực trở thành một trong điểm trung gian trung chuyển vaccine phòng Covid-19 giả trên thế giới.

*Chỉ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép

Theo hãng sản xuất vaccine Pfizer, không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp và các giao dịch thương mại đều có thể là vaccine giả mạo hoặc không chính hãng.

Tổng Giám đốc Công ty Pfizer Việt Nam, ông John Paule Pullicino khẳng định: tất cả các thỏa thuận cung cấp vaccine Covid-19 hiện tại của chúng tôi được thực hiện với các chính phủ trung ương hoặc các tổ chức cấp quốc tế lớn như COVAX. Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech không được cung cấp qua trung gian hoặc các nhà phân phối tư nhân tại thời điểm này. Ngoài ra, hiện nay không có vaccine Covid-19 hợp pháp do Pfizer sản xuất có sẵn để các cá nhân hoặc các công ty tư nhân tự mua tại bất kỳ quốc gia nào.

Thêm vào đó, vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech phần lớn được vận chuyển từ các cơ sở sản xuất của Pfizer (ở Puurs, Bỉ và Kalamazoo, bang Michigan của Mỹ) và các trung tâm phân phối (ở Pleasant Prairie, bang Wisconsin của Mỹ) trực tiếp đến các trung tâm tiêm chủng trên toàn thế giới. Vào thời điểm này, vaccine hiện không được vận chuyển từ bất kỳ quốc gia nào khác, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Covid-19, Vaccine Covid-19, Vaccine Covid-19 giả, tác hại của vaccine Covid-19 giả, Covd hôm nay, Covid thế giới

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã khuyến cáo: các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng Covi-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Liên quan đến các đối tượng lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, các ngân hàng cũng đề nghị: khách hàng không chia sẻ với người khác bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ ATM, thẻ tín dụng, tên đăng nhập và mật khẩu của thiết bị bảo mật và ngân hàng trực tuyến, mã OTP; tuyệt đối không truy cập các đường link có sẵn, không đăng nhập dịch vụ của ngân hàng từ các tin nhắn lạ, trên các thiết bị dùng chung, không cung cấp các thông tin giao dịch qua bất kỳ hình thức nào và cho bất kỳ ai. Khách hàng cũng không nên sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng khác. Khi nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, khách hàng nên khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến, ngân hàng điện tử, đổi mật khẩu của dịch vụ đang bị kẻ gian tìm cách đánh cắp, gọi điện ngay cho tổng đài chính thức của ngân hàng.

Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là trong năm nay, hơn 70 triệu người Việt Nam sẽ được tiêm phòng Covid-19. Dự kiến từ tháng 7 tới, mỗi tuần sẽ có 1 triệu liều vaccine AstraZeneca về Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu này. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, chờ đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo.

Minh Duyên (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm