01/08/2012 07:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(TT&VH Cuối tuần) - Người Mỹ coi chương trình The Voice như một món ăn lạ trong khoảng hơn ngàn chương trình thực tế và hàng chục chương trình tìm kiếm tài năng giải trí âm nhạc phát sóng quanh năm.
Khoảng 1/3 số khán giả Mỹ (cũng chiếm luôn 1/3 tổng dân số nước Mỹ) đã ngồi nán lại trước màn hình ti vi sau khi trận đấu Super Bowl kinh điển kết thúc hồi tháng 2 năm nay để xem tập đầu tiên của The Voice mùa thứ hai phát trên cùng kênh sóng của NBC.
Điều quan trọng hơn nữa là tổng số 30 triệu người xem ấy hầu như không thay đổi cho tới phút cuối cùng của chương trình tối hôm ấy. Dù giảm sút trong cả chặng đường kéo dài 15 tuần, nhưng The Voice đã làm sôi động trở lại bầu không khí tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình Mỹ trong bối cảnh người Mỹ bắt đầu ngán American Idol hay American’s Got Talents còn X Factor phiên bản Mỹ vẫn còn là một ẩn số.
Một canh bạc của NBC
Thực ra bản thân The Voice ngay trong mùa đầu tiên 2011 đã đưa kênh NBC từ cõi chết trở lại thị trường truyền hình giải trí. Bí quyết của nó nằm ở sự đầu tư và may mắn có một format độc nhất vô nhị.
NBC đã đổ vào The Voice số tiền lớn để tạo dựng một chương trình hoành tráng với ê-kíp tham dự cả trên sân khấu lẫn tại hậu trường là những tên tuổi trứ danh. Christina Aguilera được trả 225 ngàn USD cho mỗi giờ cô hiện diện trên ghế đỏ. Ba giám khảo còn lại, ngoài Adams Levine còn có ca sĩ da màu Cee Lo nổi tiếng của dòng nhạc soul và một trong những ông hoàng của dòng country Shelton Blake, được trả nhẹ nhàng hơn với chừng 75 ngàn USD cho một thời lượng tương tự.
Bốn huấn luyện viên tài năng của The Voice ở Mỹ
Chi phí để sản xuất mỗi giờ phát sóng của The Voice lên tới 2,3 triệu USD, nằm trong số những chương trình giải trí tìm kiếm tài năng tốn kém nhất của truyền hình Mỹ.
Nhưng, những khoản đầu tư khổng lồ đôi khi không phải là tất cả. X Factor của Simon Cowell gạ được kênh truyền hình Fox bỏ ra 3,5 triệu USD để sản xuất mỗi tập cũng chỉ lôi cuốn được khoảng 12 triệu người xem mỗi tập. The Voice ăn tiền ở một format ai xem cũng thấy hay nhưng không phải ai cũng nghĩ ra như Robert Greenblatt thốt lên.
Greenblatt, Giám đốc chương trình giải trí của hãng truyền hình NBC mê format ấy ngay từ lần đầu ông xem phiên bản gốc của Hà Lan, một chương trình lôi cuốn tới 3 triệu người xem mỗi tập, tức là gần 1/5 dân số của đất nước hoa tulip. Greenblatt tin nó có thể cải thiện vị trí thứ tư của NBC trong một cuộc cạnh tranh của truyền hình thương mại khốc liệt tới mức như ông mô tả "ngay cả đứng thứ ba cũng toi".
The Voice là sản phẩm của De Mol, một trong những chủ nhân của nhiều chương trình truyền hình thực tế ăn khách, hiện được thực hiện và phát sóng ở hơn 40 quốc gia khác nhau. The Voice ở Việt Nam chỉ là một trong số mười phiên bản phát sóng ở Đông Nam Á bao gồm cả những đất nước đạo Hồi như Indonesia hay Brunei.
The Voice có sự bất ngờ của một ban giám khảo chỉ được nghe chứ không được xem thí sinh hát trước khi đưa ra quyết định; có sự gay cấn của vòng thi đối đầu khi hai thí sinh (cùng một đội) song ca cùng một bài để loại nhau (yếu tố rất Mỹ); và hơn hết giám khảo là từ không tồn tại bởi chính những người ngồi trên ghế phán xét tài năng cũng đua tranh với nhau thông qua việc tuyển lựa và nhào nặn thí sinh. Như Adams Levine, ca sĩ lừng danh của Maroon 5 và là một trong bốn huấn luyện viên, nói "ở đây (cuộc thi này), giám khảo là một từ vớ vẩn".
Kết quả của nó quả thực còn đẹp hơn cả giấc mơ: tỷ lệ người xem truyền hình của The Voice trên NBC lên tới 5.1 (rating) trong độ tuổi 18-49, tương đương với khoảng 11,8 triệu người. Mùa thứ hai, The Voice có rating cho cả chương trình lên tới 6.0 với trên dưới 20 triệu người xem. Vào lúc 9 giờ tối ngày 20/2, The Voice đã đi vào lịch sử, lần đầu tiên đánh bại sự thống trị kéo dài suốt 8 năm của American Idol chỉ có rating 5.1 trong cùng tuần đó.
Ở Mỹ, một đất nước có hơn 300 triệu dân nhưng một chương trình chỉ cần thu hút được chừng 20 triệu người xem đã là một thành công vĩ đại. Đỉnh cao của American Idol đạt được chỉ là hơn 30 triệu người xem vào năm 2006 (mùa thứ năm). Bởi mỗi năm, các nhà sản xuất cho chạy gần ngàn chương trình truyền hình thực tế lớn bé. Và bởi ở một đất nước là thiên đường của giải trí thì truyền hình chỉ là phương tiện giải khuây giản tiện nhất. Thậm chí, nếu ở những nước đang phát triển, tối thứ Bảy là giờ vàng của truyền hình thì với nước Mỹ đấy lại là khung giờ chết bởi người xem ở lứa tuổi 18-49 lúc ấy hầu hết đã đổ ra đường.
The Voice mùa thứ hai phát sóng tối thứ Hai (kết quả thứ Ba) còn American Idol phát sóng giữa tuần, thứ Tư và thứ Năm (kết quả). Hay American’s Got Talent có cả chất tấu hài lẫn ca kịch Broadway cũng phát sóng vào tối thứ Ba.
Sự vươn lên vị trí số 1 của The Voice vì thế kéo theo những phần thưởng kếch xù. Từ chỗ một đoạn quảng cáo kéo dài 30 giây của nó ở mùa thứ nhất chỉ là chừng 250 ngàn USD, thì ở mùa thứ hai, nó đã vươn lên tầm cỡ của American Idol trên dưới nửa triệu USD cho mỗi nửa phút.
Giọt nước mắt của người chiến thắng (Jermaine Paul - trái) và kẻ thất bại trong đêm chung kết |
Điều gì hay nhất ở The Voice Mỹ?
Jermaine Paul: Blake.
Blake Shelton: Vâng, thưa ngài.
Jermaine: Anh cần một ca sĩ hát nhạc đồng quê hay cần một ca sĩ?
Blake: Tôi cần một ca sĩ với giọng ca ngoại hạng.
Jermaine: Nhưng sao anh quay lại sau Cee Lo?
Blake: Tôi chẳng thèm quan tâm tới Cee Lo bấm nút lúc nào đâu.
.......
Jermaine là thí sinh, còn Blake là huấn luyện viên. Jermaine đã bộc lộ sự tự tin và tài năng của anh ngay từ những giây phút đầu tiên xuất hiện trong The Voice mùa thứ hai như thế, đã truy cho tới tận cùng lý do tại sao giám khảo Blake lại chọn anh rồi mới quyết định.
Jermaine với cái chất tự tin như thế đã đi hết chặng đường để phô diễn tài năng của mình để trở thành nhà vô địch đầy thuyết phục. Bản thân Blake, một ca sĩ nhạc đồng quê, với “vai diễn” hiền lành và chất phác cũng là huấn luyện viên chiến thắng trước một Aguilera đanh đá, một Adams Levine luôn “chảnh chọe” với Aguilera, và một Cee Lo đồng bóng với những bộ trang phục sặc sỡ và những lời nhận xét gây cười.
Phần thưởng cho người chiến thắng của The Voice ở Mỹ chỉ là 100 ngàn USD - một con số quá nhỏ so với bản hợp đồng 5 triệu USD mà X Factor dành cho người chiến thắng. Nhưng Jermaine giờ đây có thể bước vào làng âm nhạc Mỹ một cách tự tin chứ không chỉ với tư cách một ca sĩ hát đệm cho Alicia Keys. Ngay cả Chris Mann, một trong những người thất bại ở vòng cuối cuộc thi này cũng đã đón nhận những hợp đồng thu âm giá trị.
Chiến thắng của Jermaine Paul cũng cho thấy rằng thành công của The Voice ở Mỹ không cần phải có những scandal, dù cho người ta vẫn đồn rằng cuộc đối đầu giữa Levine và Aguilera từ lúc tuyển thí sinh cho tới vòng loại trực tiếp chỉ là một trò thu hút khát giả.
Giá trị của Jermaine còn là ở đạo đức của một người học trò hát lên bài “Chúa đã mang anh đến” (God Gave Me You) để cảm ơn người thầy Blake - người đã cover bài hát ấy cực kỳ thành công từ bản gốc của Dave Barnes, và chất giọng nam tính cùng với phong cách biểu diễn hớp hồn qua bản Tôi tin mình có thể bay (I Believe I Can Fly) mà anh hát trong đêm chung kết.
Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Washington D.C)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất