08/11/2022 16:13 GMT+7 | Văn hoá
Triển lãm "Sành 2022" của nhóm giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 - 16/11.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 80 tác phẩm của 5 tác giả đều là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Trong số đó nhiều họa sĩ đã từng tham gia nhiều triển lãm uy tín trong và ngoài nước và đạt được nhiều giải thưởng cho các tác phẩm về gốm.
Đó là họa sĩ Phan Thanh Sơn (sinh năm 1974) đến từ Khoa Mỹ thuật truyền thống, từng có 4 triển lãm cá nhân có tên "Chơi đất". Họa sĩ Ngô Bá Hoàng (sinh năm 1974) thuộc Khoa Trang trí nội ngoại thất. Họa sĩ Vũ Hữu Nhung (sinh năm 1975) - Khoa Trang trí nội ngoại thất – là người gây dựng thương hiệu gốm Phù Lãng. Họa sĩ Hoàng Văn Tùng (sinh năm 1983) đến từ Khoa Trang trí nội ngoại thất. Và họa sĩ Lê Văn Khuy (sinh năm 1983) của Khoa Mỹ thuật cơ sở.
5 họa sĩ ở những chuyên ngành khác nhau đem đến những phong cách, cá tính rất riêng để từ đó công chúng có thể tự khám phá ra những nét đẹp ẩn sâu của gốm: Nếu như họa sĩ Vũ Hữu Nhung sáng tác trên nền tảng đất đỏ Phù Lãng, Lê Văn Khuy sử dụng chất liệu chính là Sa-mốt, thì họa sĩ Phan Thanh Sơn sử sụng chất liệu Sành trắng …
Chia sẻ về cuộc triển lãm chung lần này, họa sĩ Phan Thanh Sơn cho biết: Tên triển lãm "Sành" tái hiện chặng đường dài sáng tạo trên các chất liệu khác nhau. Với "Sành – 2022" nhóm tác giả muốn đưa công chúng khám phá vẻ đẹp của gốm. Nếu như đất nung phô diễn được sức mạnh của hình khối với sắc đỏ đặc trưng của mình, sứ thể hiện được cái mỹ miều yểu điệu sau cùng của nghệ thuật gốm, thì sành hàm chứa trong nó cả một hành trình trong sự chuyển mình của nghệ thuật gốm từ đất nung đến sứ, từ vẻ mộc mạc chân chất của sành nâu, đến sự biến ảo khôn lường của hình khối trong cái sâu thẳm của lớp men trên sành trắng.
Giới thiệu đến người xem những tác phẩm sành được nung trong lò truyền thống, họa sĩ Vũ Hữu Nhung cho biết, anh khai thác vốn dân gian, rút kinh nghiệm từ những gì đã có. "Trong bộ tác phẩm này, khi nung cũng có sự may mắn, chính là ở câu chuyện hỏa biến. Ở các lò truyền thống thường có hiện tượng bay men, nhưng khi nung đốt tự nhiên thì men từ chum, vại và các đồ khác bay sang, bám vào thì tạo thành các sản phẩm tự nhiên và mình không thể làm lại cái thứ 2. Nó trở thành phiên bản độc nhất" – anh nói thêm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất