Bắc Triều Tiên cũng mê mệt Kpop

20/06/2015 20:17 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Kpop trở thành một hiện tượng ở Triều Tiên từ năm 2012. Dù các ca sĩ, nhóm nhạc trông rất hào nhoáng, đẹp đẽ với các video nhạc hoành tráng, nhưng công chúng Triều Tiên vẫn chú ý hơn đến ca từ và giọng hát.

Ở Triều Tiên, phải có tiền mới nghe và xem được các video nhạc Hàn Quốc. Bởi vậy, khá trái khoáy là người lớn mới đủ tiền để tiếp cận âm nhạc Hàn Quốc, trong khi giới trẻ, đặc biệt là ở tuổi teen, không đủ tiền, trừ khi cha mẹ họ có điều kiện và cho phép.

Bắt đầu “đổ bộ”

Dưới thời cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Joug Il, người dân ít nghe các dòng nhạc khác ngoài những bài hát cổ truyền và quen thuộc của dòng nhạc Trot, dòng nhạc lâu đời nhất ở hai miền Triều Tiên.

Nhưng từ năm 2012, các bài hát Hàn Quốc ngày càng được yêu thích ở Triều Tiên, với những bài kinh điển như Friend của Ahn Jae Wook, Private’s Letter của Kim Kwang Seok và For Love của Kim Jong Hwan.


Up & Down của nhóm EXID là một trong những bài hát Kpop được yêu thích ở Triều Tiên

Gần đây hơn nữa, năm 2014, phim truyền hình Hàn Quốc Sweet 18 trở nên nổi tiếng ở Triều Tiên. Ca khúc chủ đề phim do nữ ca sĩ Jang Nara hát cũng gây được nhiều chú ý.

Khi Je Son Lee còn sống ở Triều Tiên, bài hát Kpop mà cô yêu thích nhất là Like Being Shot By A Bullet của nữ ca sĩ Baek Ji-young. Nhưng mẹ cô không thích ca khúc này nên cô không thể hát khi ở nhà.

Một điều rõ rệt ở thế hệ mới tại Triều Tiên là gu nghe của họ đã được mở rộng hơn nhiều. Đó là lý do khiến Kpop phổ biến ở đây đến vậy. Ngay lúc này, có thể giới trẻ Triều Tiên đang nhảy nhót theo giai điệu Up & Down của nhóm nhạc nữ EXID.

“Con ngựa thành Trojan” trong văn hóa

Nhưng nhạc pop không phải là “mặt hàng xuất khẩu” văn hóa duy nhất của Hàn Quốc được yêu thích ở Triều Tiên. Người lớn và giới trẻ ở đất nước này cũng hâm mộ phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc như ở nhiều nước Đông Nam Á.

Cũng năm 2014, bộ phim Dr Stranger được hâm mộ ở Triều Tiên. Phim kể về cuộc đời của một bác sĩ Hàn Quốc được đưa đến Triều Tiên cùng con trai để cứu sống Kim Il Sung, Chủ tịch đầu tiên của Triều Tiên. Nhưng vị bác sĩ đã bị cấm trở lại Hàn Quốc. Chỉ sau cái chết của ông, người con trai mới tìm được cách trở về.

Mặc dù câu chuyện trong phim khá xa lạ với người dân Triều Tiên, nhưng họ thích theo dõi bộ phim vì nó hấp dẫn. Bộ phim đặc biệt phổ biến với giới sinh viên đại học ở Triều Tiên.

Phim truyền hình Hàn Quốc qua bên kia biên giới được coi là “con ngựa thành Trojan” trong văn hóa, vì đưa thế giới quan của Hàn Quốc vào Bắc Triều Tiên vốn có điều kiện xã hội và chính trị khác hẳn.

Mặc dù gần đây, số lượng người Triều Tiên xem truyền hình Hàn Quốc giảm sút do các biện pháp ngăn chặn, nhưng vẫn không ít người tìm cách xem lén lút.

Về nhạc trong phim Hàn Quốc, thể loại nhạc truyền thống như nhạc Trot rất được ưa chuộng, nổi bật là ca khúc Kal-muri của ca sĩ nhạc Trot nổi tiếng Na Hoon A. Nhưng đó là thế hệ già, còn các thiếu niên Triều Tiên thích giai điệu bắt tai của Bogoshipda (I Miss You) của Kim Bum Soo hơn.

Ở Triều Tiên, các bộ phim truyền hình và điện ảnh thường nói về sự hi sinh cho "cái Ta". Nhưng bên kia biên giới, phim Hàn Quốc thường nói về "cái Tôi" với các nhân vật hi sinh vì tình yêu, và thường kể những câu chuyện tình thân thuộc và chân thực hơn. Nội dung này lại được coi là “tươi mát” và gây sốc đối với hầu hết công chúng Triều Tiên.

Hạ Huyền (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm