25/02/2024 13:36 GMT+7 | Văn hoá
Sáng 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024; tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 – 2024); công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn" là bảo vật quốc gia.
Diễn văn khai hội và tưởng niệm Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nêu rõ: Từ thế kỷ 14, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh "Đông A" - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại xâm. Nơi đây, cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.
Huyền Quang Tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, nguyên quán tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đương thời, ông là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đỗ Tiến sĩ từ năm 21 tuổi, từng làm quan tại Viện Hàn lâm. Song, cũng như vua Trần Nhân Tông, ông từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành, học đạo, được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giao chuyên tâm biên soạn kinh sách về Phật học.
Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để hoằng dương Phật pháp và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, tôn tạo mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, như: đài Cửu Phẩm Liên Hoa, Am Bạch Vân, xây dựng tăng viện, đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm. Vì thế, chùa Côn Sơn trở thành một trong những trung tâm của dòng thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn giả. Ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Huyền Quang đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hàng năm.
Gần 7 thế kỷ trôi qua, những giá trị di sản ở Côn Sơn đã làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục hội tụ kết tinh, lan tỏa bằng sức sống văn hóa, bằng tâm niệm của triệu triệu đồng bào Việt Nam.
Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Lễ hội chùa Côn Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chùa Côn Sơn cũng là 1 trong 20 điểm di tích thành phần có giá trị quan trọng trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Côn Sơn gắn liền với Chùa Hun, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, suối Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên, Ngũ nhạc linh từ... và hệ thống các bảo vật, cổ vật, khảo cổ được tạo tác, lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Ngày 15/02/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Hình ảnh Bác đọc bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" đã trở thành ký ức thiêng liêng, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về nguồn cội, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân.
Sau phần diễn văn khai hội, đại diện lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương đã cung tuyên thân thế, sự nghiệp của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.
Cũng tại lễ khai mạc, tỉnh Hải Dương đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận "Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn" là Bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật gốc độc bản niên đại thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17), có giá trị đặc biệt, là hình mẫu trong phong cách tạo tác tượng Phật thế kỷ 17 - 18.
Bộ tượng Tam Thế Phật bao gồm 3 vị: Phật Quá Khứ, Phật Hiện Tại và Phật Vị Lai, tên gọi đầy đủ là "Tam Thế thường trụ diệu Pháp thân". Có nghĩa là thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng của thế giới hữu hình, không lệ thuộc vào không gian và thời gian.
Một ý nghĩa khác gắn với tên gọi của các vị Phật này là "Tam Thế Tam thiên Phật", bao gồm "Quá Khứ Thế" có 1.000 vị Phật khác nhau đứng chủ, "Hiện Tại Thế" cũng gồm 1.000 vị Phật khác, "Vị Lai Thế" có 1.000 vị. Như vậy, tượng Tam Thế tuy chỉ có ba pho nhưng tượng trưng cho 3.000 vị Phật, ở ba đại kiếp (mỗi đại kiếp tương ứng 1,344 triệu năm), không nhằm chỉ đích danh một vị Phật nào.
Hải Dương hiện có 11 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 4 di tích và quần thể di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Trước lễ khai hội, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc đã thực hiện nghi lễ rước nước chùa Côn Sơn. Nước được lấy từ giữa hồ Côn Sơn, đựng vào bình thủy và rước về chùa. Nghi lễ rước nước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, hạnh phúc. Đây là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008 và đã trở thành nét độc đáo của Lễ hội hàng năm.
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 có các nghi lễ như: Lễ rước nước, Lễ tưởng niệm và khai hội, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, Lễ giỗ và Mông sơn thí thực...; phần hội có Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, Liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất