11/12/2018 10:56 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 14 ngày thi đấu chính thức, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - 2018 đã chính thức khép lại. Một lần nữa, ở sân chơi diễn ra theo chu kỳ 4 năm 1 lần và được coi như thước đo cho sự phát triển chung của nền thể thao nước nhà vẫn để lại cho giới chuyên môn ít nhiều trăn trở. Đó là có quá ít thành tích đặc biệt xuất sắc được tạo nên ở sân chơi này và hầu hết các niềm hi vọng của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế chỉ thi đấu tròn vai tại đại hội.
Nhiều kỷ lục nhưng chưa tiệm cận được thành tích quốc tế
Thống kê từ trang web chính thức của đại hội (tính đến 20h00 ngày 10/12) cho thấy, đã có tổng số 105 kỷ lục đại hội và 36 kỷ lục quốc gia mới được thiết lập ở các môn bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, lặn và bắn cung, trong đó, số lượng kỷ lục quốc gia mới nhiều nhất nằm ở môn bơi với 11 kỷ lục.
Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê này, dễ dẫn đến những đánh giá chưa thực sự chuẩn xác về chuyên môn qua các cuộc thi đấu có thành tích cao nhất tại đại hội. Bởi trên thực tế, hầu hết các kỷ lục gia đều chưa thể tiệm cận được với các thành tích quốc ở phạm vi khu vực hoặc châu lục. Đáng chú ý nhất, chỉ có kỷ lục quốc gia 11 giây 40 do Lê Tú Chinh thiết lập ở đường chạy 100m nữ. Thành tích này vượt qua cả mức HCV 100m nữ tại SEA Games 29 và tiệm cận với Top 4 tại châu Á.
Dù vậy, những điểm sáng như trường hợp của Lê Tú Chinh là quá ít ỏi khi hầu hết các ngôi sao sáng nhất của thể thao Việt Nam thời điểm hiện tại đều không tạo nên sự đột biến về thành tích. Đơn cử như với trường hợp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - một trong những VĐV xuất sắt nhất 5 năm trở lại đây của thể thao Việt Nam - dù giành được tới 12 tấm HCV cá nhân tại đại hội, song kình ngư này không sở hữu một kỷ lục quốc gia nào mới. Phần thi đấu của Ánh Viên cũng chỉ được đánh giá là tròn vai và điều này cũng không quá để lý giải khi kình ngư 21 tuổi phải trải qua 34 lượt thi đấu từ vòng loại đến chung kết ở 17 nội dung góp mặt. Một trường hợp khác là nhà đương kim vô địch ASIAD 18 Bùi Thị Thu Thảo. Tại đại hội, Thu Thảo chỉ vượt qua mức thành tích 6m29 dù lập nên kỷ lục đại hội mới song thấp hơn rất nhiều mức 6m55 để giành HCV ASIAD cách đây chỉ vài tháng. Ngoài ra, cũng phải kể đến trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Trong các phần thi đấu tại đại hội, xạ thủ từng giành 1 HCV, 1 HCB cá nhân ở Brazil 2 năm trước đây chỉ có được 1 tấm HCV cá nhân duy nhất (dù giành 2 HCV đồng đội) và đây không thể được coi là sự hài lòng nếu như nhìn vào phần thi đấu của xạ thủ số 1 Việt Nam.
Sự vượt trội của chủ nhà Hà Nội
Kết thúc cuộc thi đấu ở 743 nội dung của 36 môn trong chương trình thi đấu, việc đoàn Hà Nội giành ngôi vị số 1 toàn đoàn với số lượng huy chương áp đảo 176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ là không mấy bất ngờ, thậm chí được dự báo ngay sau khi điều lệ thi đấu đại hội chính thức được… ban hành.
Sở dĩ có điều này bởi điều lệ Đại hội Thể thao toàn quốc VIII được xây dựng trên nền tảng có nhiều thay đổi, dần chuyển hướng vào nhiều nội dung, nhiều môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD và SEA Games như điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục, bắn súng, bóng bàn, nhảy cầu, cầu mây… Đây vốn là lợi thế rất lớn của thể thao Thủ đô vốn đã được xây dựng có nền tảng tốt từ nhiều năm qua với bề dày truyền thống. Bên cạnh đó là thế mạnh ở các môn võ như Wushu, Vovinam, Boxing, Taekwondo…, tất cả đã giúp các tuyển thủ của đoàn thể thao Hà Nội giành được hơn 1/4 tổng số HCV ở các môn thi đại hội.
Trong Top 5, vị trí của các đoàn còn lại như TP.HCM (118 HCV, 101 HCB, 103 HCĐ) và Quân đội (59, 61, 86), Thanh Hóa (36, 34, 31) và Đà Nẵng (31, 27, 45) gần như không biến động, ngoại trừ việc Đà Nẵng chính thức soán vị trí thứ 5 của Hải Phòng so với kỳ đại hội trước.
Ngoài ra, qua thống kê, đã có tổng số 64/65 đoàn thể thao tham dự đại hội giành được huy chương (duy nhất đoàn Lai Châu không giành huy chương) và có tới 61 đoàn giành được HCV. Điều này phần nào phản ánh được chất lượng phong trào thể thao ở các địa phương trên toàn quốc để ngành thể thao tiếp tục có những điều chỉnh về chuyên môn trong các năm tới đây.
Về cơ bản, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII đã khép lại thành công, qua phần lớn các cuộc thi đấu diễn ra suôn sẻ và công tác tổ chức đại hội được đánh giá là chu đáo và tiết kiệm. Việc tận dụng hệ thống cơ sở vật chất chất sẵn có của thủ đô Hà Nội giúp cho ngành thể thao và ngân sách nhà nước tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong việc xây mới các công trình thi đấu. Ngoài ra, đây cũng là kỳ đại hội mà “điều tiếng” về sự gian lận trong thi đấu, tình trạng “mua bán” huy chương và chạy theo thành tích ảo của các đoàn thể thao địa phương được giảm thiểu tối đa.
Chia tay thủ đô Hà Nội sau Lễ bế mạc rực rỡ sắc màu và tất cả cùng hẹn gặp lại ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022 với nhiều chuyển biến tích cực hơn về chuyên môn.
Sự cố ở môn bóng rổ không làm ảnh hưởng đến đại hội Trong số các cuộc thi đấu diễn ra tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8, sự cố đáng buồn nhất xảy ra ở môn bóng rổ sau khi 2 VĐV Lê Phước Thắng và Lê Văn Đầy của đội Cần Thơ lao vào hành hung trọng tài Lê Hoàng Thông trong trận đấu giữa Cần Thơ với Bình Thuận vào ngày 16/11. Ngay sau sự cố này, BTC đại hội đã lập tức đưa ra án phạt khá nặng là tước quyền thi đấu tại đại hội với 2 tuyển thủ của đội Cần Thơ và loại khỏi đại hội. Sự cố xảy ra là điều hết sức đáng tiếc, làm ảnh hưởng tới hình ảnh chung của đại hội, cũng như môn bóng rổ nói riêng, đặc biệt cầu thủ Lê Phước Thắng từng có vinh dự được khoác áo ĐTQG dự SEA Games 29. Dù vậy, với sự nghiêm khắc của BTC trong việc xử lý, đã giúp cho các cuộc thi đấu ở nhiều môn thể thao khác sau đó không xảy ra tình huống tương tự và tính kỷ luật trong thi đấu trong các môn còn lại luôn được đề cao. Đây cũng là sự cố duy nhất liên quan đến việc đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII và đã được xử lý rất quyết liệt giúp cho đảm bảo chất lượng thi đấu nhiều môn thể thao còn lại. |
Vũ Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất