20/10/2018 10:08 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hiển nhiên rồi, thuở khai thiên lập địa thì phụ nữ “lãnh đạo” thế giới, gần như tất cả bộ lạc/thị tộc đều theo mẫu hệ. Theo vài lý thuyết khảo cổ cho thấy giai đoạn này (từ khoảng 250.000 năm trước của con người hiện đại), xã hội nguyên thủy rất vui vẻ, hòa nhã, có thể nói là… sống có văn hóa cao, sống rất chậm.
Tất nhiên đến nay vẫn còn nhiều dân tộc theo mẫu hệ; nhiều phụ nữ đã trở lại chiếc ghế lãnh đạo tối cao của quốc gia. Nhưng kể từ thiên niên kỷ 4 TCN, gần như đồng loạt có sự chuyển đổi từ mẫu hệ sang phụ hệ, người đàn ông dần dần làm chủ gia đình, rồi lãnh đạo cả thế giới.
Cột mốc chuyển đổi này cũng song hành với cuộc chuyển đổi từ thời đồ đá sang cách mạng kim loại - đồ đồng, đồ sắt. Và cũng từ cột mốc này mà các cuộc thôn tính, xâm lược, chiến tranh… xảy ra liên miên, ngày càng dữ dội, dày đặc hơn.
Nhiều sử gia và nhà văn hóa nhận định rằng chế độ phụ hệ làm cho xã hội loài người tiến bộ nhanh, nhưng song hành đó là chiến tranh tàn bạo, có cả nguy cơ diệt vong. Vũ khí hạt nhân, giết người hàng loạt… chủ yếu do đàn ông phát minh, “làm giàu” và khi cần thì sẽ ấn nút. Nếu theo thị tộc mẫu hệ thì chắc khó có sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và giết người hàng loạt - đã có những sử gia đặt giả thuyết như vậy.
Người Việt thời nguyên thủy - tạm gọi như vậy - cũng theo chế độ mẫu hệ, dấu ấn về điều này có thể nhìn thấy qua rất nhiều di chỉ và truyền thuyết. Đạo thờ mẫu (đạo thờ bà) nói chung - chứ không phải nói riêng về hầu đồng - cũng là một dẫn chứng khả tín. Đây là tín ngưỡng lâu đời của người Việt xưa, gần như là sản phẩm nội sinh từ chính thị tộc mẫu hệ, được cho là xuất hiện từ 3 - 4 ngàn năm trước.
Những cuộc quật khởi, kháng ngoại xâm của Hai Bà Trưng, Bà Triệu - nếu xét về tính đồng đại trên toàn thế giới - vẫn là những điểm son chói lọi của phụ nữ trong xã hội loài người thời phụ hệ đã rất thịnh hành.
Nhìn rộng ra các chế độ gia đình hiện nay, Việt Nam đang là một đất nước khá đa dạng, vì vẫn còn cả ba chế độ: phụ hệ, song hệ, và mẫu hệ. Chưa kể những chế độ gia đình kiểu chuyển tiếp, tàn dư, dị biệt…
Chế độ song hệ có thể thấy trong các tộc người như người Xê-đăng, Ba-na, Giẻ-triêng, H’rê… ở Bắc Tây Nguyên, và người Khmer ở Nam bộ. Chế độ mẫu hệ thì có người Chăm, Gia Rai, Ê Đê, M’nông, K’ho, Raglai, Churu… ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Dù nhìn chung, phụ nữ đã từng rời bỏ vị thế “lãnh đạo” thế giới, nhưng thịnh suy là chuyện thường tình, biết đâu trong tương lai lại phổ biến nhất chế độ gia đình mẫu hệ thì sao?!
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất